Giá sản phẩm mỗi nơi một mức

Có sản phẩm còn được định giá cao bằng chính thương hiệu, do đó rất khó để xác định chính xác được giá của sản phẩm. DN sản xuất quyết định giá bán nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua mỗi nơi một giá.

Ghi nhận tại kênh bán lẻ truyền thống và hiện đại, nhất là đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh như mì gói, bánh kẹo, hóa mỹ phẩm, thức uống… giá bán thường chênh lệch. Thực tế cho thấy có những sản phẩm cùng một thương hiệu nhưng giá mỗi nơi lại được bán khác nhau.

Loạn giá
Chị Lê Thị Thanh Thủy (quận Phú Nhuận, TP.HCM) kể vừa rồi đi Siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ mua chai dầu Neptune 2 lít giá 89.400 đồng, sáng hôm sau khi đi chợ gần nhà, hỏi người bán hàng tạp hóa mới biết chỉ bán có khoảng 82.000 đồng. Tương tự chị Nguyễn Thị Yến (quận Gò Vấp) đang mua sắm ở siêu thị cho biết khi đi chị so sánh giá rất kỹ vì tùy mặt hàng mà ở siêu thị rẻ hơn chứ thông thường là cao hơn. 
Chị kể mới đây chị mua bình nước rửa chén Mỹ Hảo 1,6 lít là 31.600 đồng trong khi giá ngoài cửa hàng bán chỉ 30.000 đồng. Hay nước mắm nhỉ Kabin 500 ml siêu thị bán 23.300 đồng, ở chợ bán khoảng 20.000 đồng. Đặc biệt là mì Hảo Hảo chua cay một thùng 98.900 đồng trong khi ở chợ khoảng 83.000 đồng. Không chỉ mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ngay cả hàng công nghệ thì giá ở các siêu thị điện máy cũng khác nhau.
Theo ghi nhận tại Siêu thị điện máy Nguyễn Kim, TP.HCM giá của lò vi ba hiệu Sanyo EM G3650 giá 2.850.000 đồng trong khi cùng mặt hàng này tại Siêu thị điện máy Phan Khang, Thiên Hòa giá cao đến hơn 50.000 đồng.
Vậy sự chênh lệch giá này do đâu? Giá là do doanh nghiệp (DN) quyết định hay nhà phân phối quyết định. Hầu hết các chuyên gia về thị trường đều khẳng định DN sẽ tự định giá sản phẩm dựa vào việc cân đối lời hay lỗ.
Theo bà Triệu Thị Nhất Tâm, Giám đốc marketing Công ty CP Thực phẩm Hồng Phú (nhãn hiệu nước mắm Kabin), với ngành tiêu dùng nhanh cơ cấu hình thành nên giá gồm nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, hệ thống phân phối, chi phí nhân công, chi phí khấu hao… “Tuy nhiên, đây là ngành hàng định phí rất cao nên việc lời hay lỗ là dựa trên sản lượng tiêu thụ tổng thể chứ khó tính trên một sản phẩm” – bà Tâm nói.
Ngoài các yếu tố như đầu vào sản phẩm, mặt bằng, chi phí nhân công… theo ông Trần Văn Bắc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Sài Gòn (Satra), giá sản phẩm còn chịu tác động bởi quy luật cung cầu của thị trường và thậm chí là các yếu tố đầu cơ…

Khó kiểm soát
Vậy tại sao cùng một sản phẩm đã niêm yết giá mỗi nơi lại khác nhau? Ông Trần Chí Trường, chuyên gia marketing, phân tích giá cả giữa hệ thống siêu thị và bán lẻ thông thường khác nhau. Tuy nhiên, các DN cung cấp sản phẩm của mình cho tất cả siêu thị đều giống nhau. Họ cũng có hợp đồng yêu cầu siêu thị bán đúng giá bao bì và chỉ được giảm giá trên bao bì trong một vài chương trình khuyến mãi. 
Tuy nhiên, một phần là do chiến lược của từng sản phẩm nhằm vào một đối tượng nào đó nên đôi khi ở siêu thị A giá chiếc tủ lạnh bán 5 triệu đồng, siêu thị B bán giá 4,9 triệu đồng. Hoặc ngược lại khi siêu thị A có chiến lược giá cho máy hút bụi khoảng 1,4 triệu đồng , siêu thị B bán 1,5 triệu đồng… 
“Do các siêu thị tận dụng lợi thế cạnh tranh một số mặt hàng để kéo khách hàng về phía mình nên có tình trạng giá cả một số mặt hàng có sự chênh lệch nhau” – Trần Tân Hoàng Hậu, Phó Giám đốc marketing Trung tâm điện máy-nội thất Thiên Hòa, cho biết giá khác nhau nói.
Theo bà Tâm, thông thường sản phẩm của công ty được niêm yết giá thống nhất giữa các kênh bán lẻ, giá siêu thị bán vẫn khác so với ở chợ. Ở các chợ, cửa hàng để cạnh tranh với siêu thị do họ không chịu chi phí như mặt bằng, nhân công nhiều như trong siêu thị nên giá thành thường rẻ hơn, thậm chí chấp nhận lợi nhuận thấp để bán được hàng.
Một DN hóa mỹ phẩm cũng khẳng định đã phải chấp nhận chiết khấu cao để đưa sản phẩm vào siêu thị. Tuy nhiên, để bù chi phí khoản chiết khấu cao này, DN lại phải nâng giá cao hơn giá bán bên ngoài.
Vậy nhà sản xuất hưởng bao nhiêu trên giá thành sản phẩm? Vị này phân tích, ví dụ một chai nước rửa chén giá niêm yết 27.000 đồng, công ty chiết khấu cho nhà phân phối 10%, đến cửa hàng bán lẻ sẽ được hưởng từ 15% đến 20% tùy sản phẩm. 
Tuy nhiên, khi nhà sản xuất bán cho nhà phân phối chỉ với 25.000 đồng, giảm 10% thì còn 22.500 đồng, do đó giá xuất xưởng khoảng 19.000 đồng. Vì vậy nhà sản xuất chỉ lời khoảng 2%-2,5% trong khi phải chịu rất nhiều chi phí như khấu hao máy móc, lương, nguyên liệu đầu vào, chi phí bao bì… Lợi nhuận nhiều hay ít tùy vào số lượng. 
Còn theo bà Tâm, giá bán từ công ty qua các nhà phân phối đến tay người tiêu dùng chênh lệch thường khoảng 1.000-2.000 đồng, tùy vào sản phẩm. Sau ba đến năm năm mới tính được điểm hòa vốn, rồi mới đến lợi nhuận.
Theo chuyên gia marketing Trần Chí Trường, giá chênh lệch giữa nhà bán lẻ và sản xuất khoảng 8%-15%. Ví dụ giá một chai nước mắm niêm yết 35.000 đồng, nhà phân phối lời 3.500 đồng, nhà sản xuất có khi lời khoảng 10.000 đồng. Đối với ngành hàng mì gói lời rất ít khoảng 5%-10% trên giá thành. 
Tuy nhiên, lợi nhuận của nhà sản xuất rất khó biết ví dụ như bột giặt ít lời vì phải cạnh tranh nhiều. Riêng mỹ phẩm thì nhà sản xuất lời 50%-60% trên giá niêm yết sản phẩm là rất bình thường. Vì yếu tố tin tưởng vào sản phẩm cao cũng như độ trung thành với thương hiệu của người tiêu dùng nên họ sẵn sàng mua với bất kỳ giá nào. Riêng đối với hàng gia dụng, công nghệ để biết giá thực của một sản phẩm rất khó khăn và cũng chỉ mang tính tham khảo
Theo nhiều nhà bán lẻ, giá do nhà sản xuất quyết định, đối với hàng gia dụng nhà bán lẻ chỉ được hưởng chiết khấu từ 15% đến 30%. Riêng đối với hàng công nghệ chiết khấu rất thấp khoảng 1% đến 2%. Vì vậy nhà bán lẻ chỉ trông chờ vào việc đạt thưởng sau khi hoàn thành doanh số bán như đã cam kết.
Nhiều ý kiến cho rằng để xác định giá sản phẩm của mặt hàng nào đó nhất là của các thương hiệu rất khó khăn. Vì có sản phẩm như nồi cơm điện có loại lòng nồi chống dính, hay kết cấu bên ngoài chỉ cần khác một tí… thì dù cùng loại giá sẽ khác nhau. Việc định giá đối với hàng gia dụng thường dựa vào chất lượng và tính năng. Ngoài ra có sản phẩm còn được định giá cao bằng chính thương hiệu, do đó rất khó để xác định chính xác được giá của sản phẩm.

Vẫn có những mặt hàng một giá
Tuy nhiên, tại sao ở nước ngoài vẫn có những mặt hàng một giá. Một chuyên gia về thị trường khẳng định, việc này chỉ có thể làm được với điều kiện nhà cung cấp và kênh bán lẻ phải là một. Muốn như vậy DN đó phải đủ mạnh và có tiềm lực tốt. Tuy nhiên, vẫn có những DN không lớn nhưng họ vẫn thống nhất được giá bán lẻ vì sản phẩm đó bán ở các cửa hàng của họ. Như một vài thương hiệu thời trang Việt Nam ở quận 1 và các quận khác đều bán đúng một giá. Giá được nhà sản xuất niêm yết từ công ty và các cửa hàng cứ vậy bán.
Theo ông Bắc, cũng như chuỗi cửa hàng tiện lợi Satra Food, với 24 cửa hàng rải khắp các quận, huyện tại TP.HCM, trung bình cứ một cửa hàng khoảng 2.000 sản phẩm với đủ các loại thực phẩm thiết yếu hằng ngày từ đồ khô đến các sản phẩm tươi sống. Và tất cả sản phẩm đều được niêm yết giá từ trên tổng nên nếu khách hàng mua cá ở quận 1 giá cũng như mua ở các vùng ven. “Để quản lý tốt công ty còn thiết lập đường dây nóng. Nếu khách hàng thấy giá khác nhau có thể phản hồi về công ty. Với cách này không có nghĩa mặt bằng giá ở quận 1 đắt hơn ở các vùng ven. Lợi nhuận của chuỗi cửa hàng được tính tổng, thay vì lợi nhuận ít thì cửa hàng bán được nhiều sản phẩm” – ông Bắc nói.
Sóc Trăng hỗ trợ Co.opmart bán hàng lưu động
Để hỗ trợ bà con nông thôn, công nhân lao động tiếp cận được với hàng hóa chất lượng, an toàn, thời gian qua UBND tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp, hỗ trợ Siêu thị Co.opmart Sóc Trăng tổ chức 26 chuyến bán hàng lưu động tại các xã, thị trấn trong tỉnh, Khu công nghiệp An Nghiệp với tổng doanh số đạt 975 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp tổ chức hai phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại thị trấn Đại Ngãi (huyện Long Phú) và thị xã Vĩnh Châu với sự tham gia của 80 lượt DN sản xuất thuộc Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao. Phiên chợ đón gần 22.500 lượt người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm, doanh thu đạt 1,8 tỉ đồng.
Theo nhận xét của người dân, đây là việc làm thiết thực, tiện lợi cho người dân trong việc mua hàng hóa chất lượng, an toàn, đỡ tốn kém chi phí đi lại của bà con nông thôn.

Theo Pháp luật TPHCM