Nhiều người nói thành tích của các quỹ đầu cơ còn tệ hơn một rổ cổ phiếu đơn giản, ví dụ như chỉ số S&P 500. Thật không?
Người viết là ông Matthew C. Klein, hiện là cây bút bình luận của Bloomberg View. Ông Klein từng làm việc tại công ty quản lý quỹ Bridgewater Associates.
Có rất nhiều lý do xác đáng để nhà đầu tư không bỏ tiền vào các quỹ đầu cơ (hedge funds). Tuy thế cái lý do thường được nhắc đến nhất lại sai lầm.
Nhiều người nói thành tích của các quỹ đầu cơ còn tệ hơn một rổ cổ phiếu đơn giản, ví dụ như chỉ số S&P 500.
Đồ thị sau so sánh xem dùng 100 USD đầu tư vào chỉ số S&P 500 (tái đầu tư toàn bộ cổ tức) và đầu tư vào một quỹ đầu cơ trung bình, cái nào đem lại nhiều lợi nhuận hơn:
Có thể thấy, trong thập kỷ qua đầu tư vào một quỹ chỉ số cơ bản còn lãi hơn đem tiền gửi cho các nhà quản lý quỹ đầu cơ.
Thực ra, đồ thị trên chẳng giúp chúng ta biết được nhiều điều. Tìm ra một giai đoạn mà tài sản này tốt hơn tài sản khác thực ra đâu có khó.
Ví dụ như ai đã mua vàng vào giữa năm 2001 sẽ thấy tài sản tăng gấp 6 lần trong một thập niên sau đó. Ngược lại, ai sở hữu cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 và tái đầu tư toàn bộ cổ tức chỉ kiếm được hơn 20% chút ít trong cùng giai đoạn đó (ấy là còn chưa tính tới lạm phát):
Đương nhiên, bất cứ ai có quan tâm tới thị trường đều biết hai năm gần đây nắm cổ phiếu tốt hơn vàng rất nhiều. Theo tôi nghĩ, đồ thị trên chỉ cho thấy những biến động mang tính thời điểm, nó chẳng giúp ta phân bổ tài sản sao cho hợp lý nhất.
Quan trọng hơn, có rất nhiều quỹ đầu cơ với những chiến lược khác hẳn nhau.
Một số chuyên phát hiện các công ty “lừa đảo”, và bán khống cổ phiếu với kỳ vọng công ty đó sẽ sụp đổ. Số khác cố dự đoán xem các ngân hàng trung ương sẽ làm gì và giao dịch hối đoái và hợp đồng lãi suất tương lai. Và còn có cả các quỹ “định lượng” giao dịch dựa trên những mô hình dữ liệu phức tạp.
Thật sai lầm nếu gộp chung tất cả các loại quỹ ấy thành một hạng mục tài sản duy nhất rồi đem so sánh với một rổ cổ phiếu.
Với mỗi loại quỹ đầu cơ lại có rất nhiều nhà quản lý khác nhau. Trong ngắn hạn, thành tích của các quỹ chủ yếu là nhờ may mắn. Chỉ khi khoảng thời gian đánh giá dài ra, kỹ năng mới trở nên ngày càng quan trọng.
Do đó thành tích của một quỹ “trung bình” không cho biết liệu có quỹ nào đáng để đầu tư hay không.
Nhìn chung, cách tốt nhất là sở hữu loại tài sản luôn tăng trong dài hạn nhưng ngắn hạn có thể biến động theo những chiều hướng khác. Thậm chí nhiều người còn muốn đầu tư vào những thứ mất giá trị trong dài hạn vì chúng có tác dụng như một loại bảo hiểm: tăng giá khi mọi loại tài sản khác đều đi xuống.
Nhà đầu tư nên có cách nghĩ này khi cân nhắc phân bổ tài sản vào quỹ đầu cơ. Dù sao thì nhà quản lý quỹ nào chẳng phải liều lĩnh, và nhà quản lý giỏi là người kiếm được nhiều tiền trong những lần thắng cược hơn là mất tiền trong những lần thua.
Nếu có ai giỏi cá cược bóng đá và sẵn sàng cược hộ người khác để nhận một khoản phí, thì anh ta chính là một nhà quản lý quỹ đầu cơ.
Thực ra mà nói, anh này còn là một nhà quản lý quỹ đáng mơ ước là đằng khác, vì kết quả đầu tư gần như không tương quan (thậm chí còn tương quan âm) với tất cả mọi thứ trong danh mục đầu tư của tôi.
Kể cả khi lợi nhuận tuyệt đối của anh này thấp hơn lợi nhuận thu về khi mua và nắm giữ một chỉ số cổ phiếu, tôi vẫn muốn để anh cá cược bóng đá bằng tiền tiết kiệm của mình, vì tôi có thể hưởng lợi nhờ đa dạng hóa danh mục.
Nói thế không có nghĩa là bạn nên dồn hết tiền tiết kiệm vào bất kỳ một quỹ đầu cơ nào mua quảng cáo trên báo (cũng như đừng có đưa tiền cho bất kỳ nhà quản lý quỹ hỗ tương nào hứa hẹn sẽ đánh bại chỉ số S&P 500).
Tuy thế, cũng đừng có lúc nào cũng lớn tiếng chỉ trích “sự kém cỏi” của toàn bộ giới quản lý quỹ nói chung.
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg