‘Ma trận’ mang tên vé máy bay

Trong “ma trận” vé máy bay hiện nay, người mua vé lẻ luôn chịu thiệt do thiếu thông tin. Trong khi đó, các công ty du lịch “nhắm mắt làm ngơ”, thậm chí tiếp tay cho các phe vé để mong nhận được “ân huệ” khác khi kinh doanh vé đoàn cho khách du lịch.
Theo cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh, cơ quan này và Thanh tra Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã nhận được nhiều phản ảnh của hành khách đi máy bay cho biết họ phải trả tiền nhiều hơn mức giá vé máy bay, thậm chí có trường hợp hành khách đã có vé trên chuyến bay nhưng nhân viên mặt đất của hãng hàng không vẫn yêu cầu phải trả thêm tiền để có chỗ trên các chuyến bay.
Đây là một phần trong những nội dung mà Thanh tra Bộ GTVT phối hợp cùng Cục Hàng không khảo sát để chuẩn bị thanh tra toàn diện hoạt động bán vé máy bay trong nước và quốc tế của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA). Theo ông Thanh, việc chọn VNA để thanh tra do đây là hãng hàng không có thị phần lớn nhất, chi phối thị trường hàng không nội địa.
Trả thêm thì đi, không thì ở lại
Ông Phạm Minh Đức (TP.HCM) kể lại do trục trặc trên đường di chuyển ra sân bay Tân Sơn Nhất nên cả bốn người trong gia đình đến quầy làm thủ tục khi đồng hồ chỉ còn 36 phút nữa đến giờ khởi hành đi Hà Nội, nhưng nhân viên mặt đất của VNA không cho làm thủ tục. Gia đình ông bị buộc phải chờ có chỗ cho các chuyến bay sau nhưng vài chuyến bay đã cất cánh mà không có chuyến nào còn ghế hạng phổ thông. Ông đành quyết định trả vé cũ và mua vé mới hạng thương gia để đi kịp công việc.
Nhân viên ở quầy bán vé giờ chót thông báo giá vé là 5,2 triệu đồng/người. Sau khi trả tiền xong, cả gia đình lên phòng chờ thì ông bị gọi tên và yêu cầu phải quay lại phòng vé. Đến nơi, ông được thông báo là bị tính tiền nhầm, muốn đi ông phải trả thêm… 600.000 đồng/vé. Cãi vã một hồi, ông vẫn phải trả tiền để đưa cả gia đình về quê. 
“Điều làm tôi thắc mắc và khó chịu là các bạn tôi cũng đi về Hà Nội, nhưng khởi hành sau chuyến bay bị trễ của tôi, đều nói máy bay còn ghế trống nhưng gia đình tôi không được ưu tiên làm thủ tục mà phải mua vé hạng thương gia” – ông Đức bức xúc.
Một lãnh đạo cao cấp của VNA thừa nhận có tình trạng ở một số sân bay, các nhân viên làm thủ tục đã “linh động” cho nhiều hành khách đổi chuyến bay dù rằng hạng vé mà khách đã mua không thể đổi chuyến hoặc muốn đổi buộc phải đóng thêm một khoản phí. “Danh sách khách kiểu này ở một sân bay lớn dài vài trang giấy A4, chúng tôi in ra và gửi đến lãnh đạo của hãng phụ trách tại sân bay đề nghị chấn chỉnh. Ngay sau đó tình hình thay đổi rõ rệt” – nguồn tin này cho biết.
Giám đốc một công ty chuyên bán vé máy bay của VNA khẳng định hành khách không thể nào biết chính xác mức giá của hạng vé mà mình trả tiền. “Vé nội địa của VNA có bảy hạng vé phổ thông cộng với ba hạng vé khuyến mãi, nhân viên phòng vé có thể bán vé ở hạng R (giá 1,765 triệu đồng) nhưng tính với khách giá hạng Q (2,26 triệu đồng), khách không thể nào biết được” – vị này nói. 
Hơn nữa, các đại lý cấp 2 hiện chỉ được VNA chi 50.000 – 100.000 đồng hoa hồng cho mỗi lần xuất vé nội địa, trong khi chi phí thuê mặt bằng trung bình mất 10 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện, nhân viên, thuế, lợi nhuận… Do đó, nếu chỉ trông chờ vào số tiền hoa hồng thì không thể tồn tại được.
Ngậm bồ hòn làm ngọt
Một số công ty du lịch tại TP.HCM cho biết họ phải trả thêm một khoản tiền ngoài số tiền vé do hãng hàng không quy định mới có vé để bán tour cho khách, trong khi vé máy bay chiếm 30-40% giá tour nội địa và chi phí này họ phải tính vào luôn giá tour. 
Thông thường các hãng hàng không sẽ bán khoán cho các đại lý một khối lượng vé nhất định trên các đường bay mà họ khai thác, vì vậy chỗ trên các chuyến bay thường không còn nhiều. Các công ty du lịch muốn mua lại chỗ trên các chuyến bay này phải biết điều và chịu chi thì sẽ có chỗ.
Theo các công ty du lịch, mức chi thêm cao nhất hiện nay là chặng TP.HCM – Côn Đảo, có thể lên đến 700.000 đồng/vé. Kế đến là Hà Nội – Phú Quốc tùy mức độ thân quen mà mức chi thêm không bao giờ dưới 500.000 đồng/vé, các chặng nội địa tùy vào mùa, mức độ nóng của điểm đến mà có giá cả khác nhau nhưng mức chi thêm bét nhất hiện nay là 300.000 đồng/vé. Tuy nhiên, các công ty du lịch không dám lên tiếng vì “sợ ngồi chơi xơi nước trong mùa cao điểm” do sau khi khiếu nại sẽ không có đại lý nào “chơi với tui”.
Ông H., giám đốc một công ty du lịch tương đối lớn tại TP.HCM, cho biết thông thường vào mùa cao điểm, muốn đặt vé máy bay các công ty du lịch đều phải chấp nhận thông đồng với tình trạng này. Sau khi đặt vé cho đoàn vài chục khách đi chặng bay nào đó, hãng hàng không sẽ xác nhận chỗ và yêu cầu công ty du lịch đến đại lý A xuất vé với mã xác nhận đã được đại diện hãng hàng không cấp.
Ngoài số tiền vé phải trả cho hãng hàng không, công ty du lịch phải chi thêm ít nhất 300.000 đồng/vé nội địa và khoảng 20 USD/vé cho vé quốc tế. “Với một đoàn chừng 30 khách đi chặng TP.HCM – Phú Quốc giờ xấu (đi từ TP.HCM buổi chiều, từ Phú Quốc về lúc sáng sớm – NV), nếu thân và tình cảm lắm, chúng tôi chỉ trả thêm cho đại lý 9 triệu đồng cho cả đoàn. Nhưng muốn đi từ TP.HCM buổi sáng, về từ Phú Quốc buổi chiều, mỗi vé chi 500.000 đồng là có chỗ ngay”.
Mùa cao điểm, một công ty du lịch hạng trung bình ở TP.HCM như ông H. tiêu thụ khoảng 300-400 vé máy bay nội địa, công ty lớn cần gấp 2-3 lần số vé này.
Nhiều công ty du lịch khẳng định phải chấp nhận đồng lõa với hi vọng sẽ được “du di” khi kinh doanh không như dự kiến. Bởi lẽ vào mùa cao điểm, các công ty du lịch đều phải đặt cọc ít nhất 50% tổng số tiền vé mà công ty này dự định bán cho khách. 
Ví dụ, công ty A đặt cọc 50% tổng số tiền của 80 vé máy bay TP.HCM – Huế (ngược lại), số còn lại đóng đủ khi còn năm ngày đến thời điểm khởi hành. Nhưng đến sát ngày khởi hành mà công ty A chỉ bán được 40 vé, tuy nhiên do thân quen và thường xuyên đặt vé nên đại lý nọ có thể can thiệp để đến cuối năm công ty A không bị phạt hoặc mất tiền cọc ít. 
“Thay vì mất 50% số tiền cọc, chúng tôi chỉ bị mất chừng 20% mà thôi” – ông H. chia sẻ. Trong khi đó, nếu mua trực tiếp từ phòng vé của hãng, dù không mất vài trăm ngàn đồng kia nhưng nếu không bán hết vé coi như mất trắng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Minh – tổng giám đốc VNA – cho biết chuyện trả thêm phí có thể xảy ra với các công ty du lịch có quy mô nhỏ, còn các công ty du lịch lớn đã có những hợp đồng cam kết tiêu thụ hàng loạt vé (series booking), với số lượng lớn kéo dài trong cả năm thì không thể có tình trạng này. 
Theo ông Minh, các công ty du lịch nhỏ vào mùa cao điểm thấy “ngon ăn” cũng nhào vào mua theo số lượng vé lớn nhưng khả năng tiêu thụ thấp nên đã nảy sinh tiêu cực. Với tình trạng hành khách mua vé lẻ, ông Minh cho rằng khách nên liên lạc với phòng vé chính thức của VNA, các đại lý lớn hoặc qua tổng đài để tránh tình trạng bị “bắt chẹt” như những trường hợp mà Tuổi Trẻ đã thông tin cho ông.

Theo Tuổi trẻ