Bóc tách từng “ma trận” vốn vàng

Chỉ còn vài ngày nữa, đến 30/6, vàng bị loại bỏ hoàn toàn trong cơ cấu vốn huy động của các ngân hàng thương mại, chính thức khép lại các vòng quay vay mượn và chuyển đổi sau 12 năm mở cơ chế.

Vài ngày, đồng nghĩa chỉ còn hai phiên đấu thầu trước điểm hẹn tất toán trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại. Nhìn vào quy mô Ngân hàng Nhà nước đưa ra chào bán cũng lường định được lượng vàng cần cho phút chót.
Phiên ngày 27/6, tổng khối lượng dự kiến đấu thầu là 40.000 lượng, vượt hẳn quy mô 26.000 lượng mỗi phiên đều đặn thời gian qua. Có thể sẽ có thêm phiên ngày 28/6 nữa, phiên cuối cùng, lượng chào bán qua đó sẽ cơ bản chốt lại lượng hàng cần cung cho các ngân hàng tất toán. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, con số cần ở khoảng 2 – 3 tấn.
Rủi ro vốn vàng
Cuối năm 2000, cơ chế cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng vốn vàng được mở ra. Có hai hướng sử dụng chính: ngân hàng được chuyển đổi tối đa 30% lượng vàng huy động thành tiền để kinh doanh; thực hiện cho vay vốn vàng từ nguồn huy động. Đến 30/6 này, hai trục này chính thức bị loại khỏi hoạt động của các ngân hàng cùng với những tác động của nó, ngoại trừ dư nợ cho vay bằng vàng sẽ lần lượt đáo hạn trong tương lai.
Hơn chục năm qua, vốn vàng trở thành cấu phần quan trọng, thậm chí có ảnh hưởng lớn tới đặc thù và thế mạnh hoạt động của nhiều ngân hàng thương mại. Bên cạnh chuyển đổi vốn, cho vay, vàng còn là công cụ được sử dụng cho các mục đích khác mà pháp luật không cấm, cũng như đóng vai trò kê các chỉ số an toàn trong hoạt động.
Những năm đầu triển khai cơ chế, vàng được nắm lấy như một nguồn vốn dễ chịu với lãi suất thấp. Vay vốn bằng vàng cũng đã có trong thói quen của một bộ phận dân cư. Đến giai đoạn 2005 – 2007, vốn vàng được xem là một nguồn lực góp thêm lửa cho cơn sốt trên thị trường chứng khoán, bất động sản cùng vòng xoáy của các sàn vàng.
Nhưng rủi ro cũng quá lớn. Giá vàng liên tục tăng cao, đặc biệt bùng nổ với mức tăng tới 64,32% trong năm 2009, 30% năm 2010 và 24,09% năm 2011. Ngược chiều, thị trường chứng khoán và giá bất động sản bắt đầu lao dốc, có thể nói là rơi vào khủng hoảng. Các khoản vay và cho vay, huy động và chuyển đổi vốn đều đứng trước rủi ro, thua lỗ, thậm chí có những rủi ro về pháp lý…
Một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước từng giải thích rằng, “ma trận” vốn vàng và sức ảnh hưởng khó lường của nó đan xen từ hoạt động ngân hàng, đến chứng khoán, bất động sản và thậm chí là góp phần tạo nên những “ông chủ ảo” trong nền kinh tế, để rồi dẫn đến những hệ lụy khó đo đếm bằng những con số. Đây là một lý do chính để nhà điều hành từng bước đoạn tuyệt với việc vay mượn nguồn lực vàng, tách hẳn những vòng quay rủi ro của nó khỏi hệ thống.
Riêng trong hệ thống như năm gần đây, vốn vàng là nguyên nhân chính gây lỗ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng tại một số ngân hàng thương mại; hay là tác nhân chính dẫn đến nguy cơ đổ vỡ thanh khoản, hoặc góp phần dồn đến yêu cầu bắt buộc phải tái cơ cấu.
Sau 30/6/2013, những rủi ro từ vốn vàng gần như bị cắt bỏ hoàn toàn. Dư âm là phần dư nợ lần lượt đáo hạn, gắn với rủi ro của việc chuyển hóa bất đắc dĩ vốn vàng huy động trước đây thành vàng kinh doanh trong xu hướng giá giảm đang thể hiện, mà một cán bộ chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước cho biết là “không còn nhiều”; và hoạt động kinh doanh vàng đơn thuần, hiện gắn với giới hạn trạng thái 2% vốn tự có của tổ chức tín dụng.
Ra đi trong “trật tự”…
Lần lượt trong năm 2011 và 2012, Ngân hàng Nhà nước có các văn bản chấm dứt hoạt động huy động và cho vay bằng vàng. Từ đầu năm đến nay là giai đoạn nước rút với mốc hẹn 30/6 để có một sự chấm dứt hoàn toàn, mà sự quyết liệt có thể thấy cả ở sự vào cuộc của cơ quan thanh tra.
Như trên, rủi ro vốn vàng là một lý do. Hơn nữa, chính những vòng xoáy vốn vàng trước đây càng làm gia tăng cấp độ vàng hóa trong nền kinh tế, mà đối lập là vị thế và niềm tin đối với VND – đồng tiền quốc gia (dù có nhiều yếu tố khác tác động đến giá trị của nó).
Điểm quan tâm lúc này là mốc hẹn 30/6 sẽ đến như thế nào?
Tại hội nghị ngành tuần trước, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khẳng định sẽ không nhân nhượng trong việc tất toán trạng thái vàng, đồng nghĩa với mốc hẹn 30/6 sẽ không lùi thêm một lần nữa. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện các ngân hàng cơ bản đã tất toán xong, nhu cầu chỉ còn khoảng 2 – 3 tấn nữa mà có thể thấy ở việc Ngân hàng Nhà nước tăng quy mô đấu thầu hai phiên tới.
Tuy nhiên, một vài ngân hàng “đặc thù”, gắn với kế hoạch tái cơ cấu đang gặp khó khăn nhất định trong việc tất toán, nhưng nguồn tin của chúng tôi cho hay là quy mô không lớn và sẽ có hướng xử lý cụ thể.
Đáng chú ý, song song với yêu cầu trên, việc tất toán tài khoản vàng ở nước ngoài của nhóm “G5” thực hiện bán vàng bình ổn trước đây cũng đã được thực hiện xong.
Về cơ bản, Ngân hàng Nhà nước đã xử lý xong những tồn đọng của vốn vàng tại các tổ chức tín dụng, tách những rủi ro của chúng ra khỏi hoạt động hệ thống. Quá trình bóc tách này có thể căng thẳng trong hoạt động của các ngân hàng liên quan, ồn ào về thông tin trong suốt một năm qua, nhưng lại khá “trật tự” ở sự ra đi của một dòng vốn.
Ước tính hơn một năm trước, lúc cao điểm có tới khoảng 160 tấn vàng trong hệ thống ngân hàng, dưới dạng vốn huy động. Một cách tương đối, nguồn vốn này tương đương với khoảng 160 – 170 nghìn tỷ đồng. Điểm đáng quan tâm là Ngân hàng Nhà nước đã bóc tách một quy mô vốn lớn như vậy ra khỏi hệ thống nhưng không gây tổn thương về thanh khoản, không gây xáo trộn lãi suất, hay những biến chứng trong hệ thống. Về mục đích loại bỏ rủi ro vốn vàng, giảm vàng hóa trong nền kinh tế, nhà điều hành đã thành công ở điểm này.
Tất nhiên, các ngân hàng liên quan có xáo trộn nhất định về cơ cấu vốn, hoạt động kinh doanh và cả lợi nhuận. Nhưng chính sách và lộ trình đã có, họ buộc phải thực hiện và dần làm quen với sự vắng mặt của vốn vàng.
Vấn đề còn lại là làm sao tranh thủ được nguồn lực vàng đã ra đi, sử dụng hiệu quả cho nền kinh tế, thay vì để nó lạnh lẽo trong kho ngân hàng dưới dạng giữ hộ, hay trong két của người dân…

Theo Vneconomy