Thay vì nhập khẩu thông qua trung gian như trước, các siêu thị từ Hoa Kỳ đã trực tiếp “đổ bộ” đến Việt Nam, gặp gỡ các nhà sản xuất, săn lùng nguồn hàng để đa dạng hóa sản phẩm.
Là đại diện của một trong những đơn vị quản lý hệ thống siêu thị lớn của Hoa Kỳ đang tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam, ông Tim Kelbel, Phó Chủ tịch phụ trách nhãn hiệu và nguồn cung toàn cầu của Tập đoàn Kroger, đã chia sẻ với ĐTTC:
Hoa Kỳ là nền kinh tế tiêu thụ, hàng năm phải nhập khẩu hàng hóa khối lượng cực lớn từ thị trường thế giới để cung cấp cho thị trường nội địa. Sự chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp dân cư rất lớn hình thành nên một thị trường đa dạng về phân khúc tiêu dùng từ hàng hóa cao cấp đến bình dân.
Xu hướng tiêu dùng chung ở thị trường này vẫn là ưu tiên sử dụng những thực phẩm tự nhiên, những sản phẩm độc đáo, mới lạ và nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang ngày càng cao. Trước đây, các siêu thị ở Hoa Kỳ thường nhập khẩu thông qua trung gian, nhưng các đơn vị trung gian chỉ cung cấp một số mặt hàng và ít khi đưa ra lựa chọn mới, sản phẩm mới, trong khi nhu cầu của thị trường rất đa dạng và thay đổi từng ngày.
Do vậy, thay vì ngồi chờ, các siêu thị Hoa Kỳ muốn tiếp cận trực tiếp với nhà sản xuất ở các nước để tìm kiếm, mở rộng nguồn hàng, nhà cung cấp để tăng sức cạnh tranh.
PHÓNG VIÊN: – Đã trực tiếp đến Việt Nam tìm hiểu, ông có nhận xét gì về khả năng cung cấp và chất lượng hàng hóa của các nhà sản xuất Việt Nam?
-Ông TIM KELLBEL: – Hàng hóa ở Việt Nam rất đa dạng. Tuy nhiên, trước nay sản phẩm “made in Vietnam” lại ít xuất hiện ở Hoa Kỳ. Tôi biết đa số DN Việt Nam chỉ bán nguyên liệu thô, sau đó các đơn vị chuyên thu mua ở Hoa Kỳ sẽ chế biến, đóng gói và bán ra thị trường.
Tuy nhiên, thị trường Hoa Kỳ lại chuộng những sản phẩm được chế biến sẵn từ các nước để “đổi vị”. Tập đoàn Kroger kinh doanh theo hướng phục vụ đa sản phẩm từ các nền văn hóa đa dạng, nên ngoài việc mua nguyên liệu thô đưa về các nhà máy sản xuất, chúng tôi cũng thường xuyên tìm kiếm và nhập khẩu sản phẩm tiêu dùng từ các nước.
Qua khảo sát, chúng tôi thấy DN Việt Nam có năng lực sản xuất hàng hóa rất lớn, nguồn hàng dồi dào, liên tục sáng tạo, đổi mới theo nhu cầu thị trường.
Không riêng gì Kroger mà các tập đoàn bán lẻ khác cũng rất khắt khe trong việc kiểm định tiêu chuẩn quy định về sản phẩm, vì người tiêu dùng Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, đảm bảo an toàn, sức khỏe khi sử dụng và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, đa số nhà cung cấp ở Việt Nam lại chưa hoàn thiện các tiêu chí này. Do vậy chúng tôi đến đây ngoài việc tìm kiếm những nhà cung cấp xuất sắc còn mong muốn sẽ được tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ cho các nhà sản xuất còn vướng mắc trong vấn đề quy chuẩn sản phẩm để tạo ra một nguồn hàng ổn định và đa dạng.
– Được biết Kroger đã ký hợp đồng nhập khẩu điều với một số DN sau khi đến tìm hiểu trực tiếp tại Việt Nam, vậy Kroger có quyết định ký kết với các đối tác khác nữa trong thời gian tới không?
– Trong tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã ký kết hợp đồng mua sản phẩm điều đã được chế biến sâu như điều nhân, điều rang muối, điều tẩm mật ong của 10 DN Việt Nam.
Theo đó, mỗi năm Kroger sẽ nhập khoảng 100 container để phân phối cho các siêu thị và cửa hàng tiện lợi trong hệ thống. Hiện các hiệp hội và cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam đã gửi danh sách các công ty có khả năng cung cấp hàng hóa chất lượng cao và sắp tới Kroger sẽ gặp gỡ, tiếp xúc.
Ngoài những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm, gia vị, nông sản, Kroger cũng quan tâm đến những mặt hàng phi thực phẩm, đồ gỗ nội thất, hàng dệt may và một số nguyên liệu chế biến khác.
Chúng tôi mong được gặp gỡ nhiều nhà cung cấp và đi đến hợp tác để cung ứng tốt hơn cho hệ thống phân phối cũng như giúp sản phẩm Việt Nam đi thẳng vào thị trường Hoa Kỳ, thay vì phải đi đường vòng, hưởng lợi nhuận thấp như trước đây.
– Xin cảm ơn ông.
Theo SaigonDaututaichinh