Thông qua ESOP, một lượng cổ phiếu ưu đãi được tung ra, một nhóm nhỏ cổ đông đã được hưởng lợi hàng ngàn tỷ. Điều này khiến cho không ít cổ đông và người lao động thắc mắc về ý nghĩa thực sự của nó.
30 người hưởng 2.000 tỷ
Tập đoàn Ma San (MSN) đã phân phối 17,86 triệu cổ phiếu trong số 20 triệu cổ phiếu dự kiến phát hành trước đó cho 28 người lao động. Mục đích phát hành lần này cũng đã được nêu rất rõ là nhằm ghi nhận kết quả làm việc của cán bộ quản lý hoặc người lao động đã có đóng góp và/hoặc có khả năng đóng góp cho công ty hoặc các công ty con.
Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư nhiều người thắc mắc, cổ phiếu ESOP của MSN không bị hạn chế chuyển nhượng. Với mức giá hiện tại khoảng 110.000 đồng/cp, tổng giá trị của số cổ phiếu nói trên gần 2.000 tỷ đồng và có thể quy ra “tiền tươi” ngay lập tức.
Các trường hợp Thủy sản Hùng Vương phát hành cổ phiếu ESOP với giá bằng khoảng 25% thị giá, XNK Thủy sản Bến Tre bằng khoảng 25%… cũng được nhiều cổ đông, các NĐT đặt lên bàn cân soi xét.Nhiều cổ đông thắc mắc, cổ phiếu ESOP thường bị hạn chế chuyển nhượng trong một thời gian nhất định, thường là từ 1-3 năm.
Việc cổ phiếu ESOP được phép bán ra ngay lập tức như trường hợp của Masan là một quyết định chưa có tiền lệ ở thị trường trong nước. Với mức giá được mua chỉ 10.000 đồng/cp, chênh lệch lên tới khoảng 10 lần khiến nhiều cổ đông nhỏ lẻ phải suy nghĩ trong bối cảnh 4 năm qua DN không chia một đồng cổ tức nào và lợi nhuận cả năm 2012 của DN cũng chỉ hơn 1.200 tỷ.
Theo nhiều người, các chương trình ESOP như các DN thực hiện và lên kế hoạch thực hiện như trong thời gian vừa qua có thể tạo ra sự mất công bằng. Trào lưu phát hành cổ phiếu ESOP diễn ra mạnh mẽ khiến không ít cổ đông đặt câu hỏi về tính hiệu quả cũng như sự minh bạch của các chương trình này. Vấn đề quyền lợi giữa cổ đông và người lao động cũng đã được đặt ra.
Ai là người hưởng lợi?
Trong thời gian gần đây, rất nhiều chương trình ESOP đã được các DN tung ra. Mặc dù vậy, cho đến nay thông tin ai được phân phối các cổ phiếu này, số lượng bao nhiêu… gần như không đến được với công chúng.
Theo thông báo của tất cả các DN có chương trình ESOP gần đây, đối tượng được mua cổ phiếu là đội ngũ người lao động có đóng góp cho DN. Khi chương trình kết thúc, giới đầu tư biết thêm được thông tin số lượng người được mua (thường là rất ít). Đó là tất cả những gì mà công chúng biết được. Danh sách người hưởng lợi gần như không đến được với thị trường.
Trong trường hợp MSN, theo dự kiến 14/6 là ngày 17,8 triệu cổ phiếu ESOP được giao dịch nhưng danh sách cụ thể 28 lao động đã được mua cổ phiếu vẫn chưa được công bố. Trước đó, nhiều DN phát hành cổ phiếu ESOP nhưng danh sách người thụ hưởng có lẽ cũng chỉ tới được một số người, chỉ có thông báo chung chung là đến được với giới đầu tư.
Đó là khi mọi việc đã “đâu vào đấy”. Còn trước khi đưa ra biểu quyết ở đại hội cổ đông, ESOP dường như là câu chuyện nội bộ, có lẽ chỉ một bộ phận lãnh đạo của DN biết. Cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài dường như mù tịt, không biết đâu vào đâu.
Vấn đề được đặt ra là: ai là người được mua cổ phiếu ESOP? Người làm công ăn lương bình thường của DN có được mua hay không? Sự phân phối quyền mua như đang thực hiện ở một số DN niêm yết trên sàn gần đây có đảm bảo sự công bằng hay không?
Soi vào thực tế ESOP được thực hiện ở các DN gần đây, có thể thấy, số lượng người được hưởng thụ rất ít. Trong nhiều tập đoàn với số lượng lao động lên tới vài chục ngàn thì con số vài chục người được mua ESOP chắc có lẽ chỉ rơi vào tầm lãnh đạo cấp cao, trưởng phòng chưa chắc đã được.
Điều đáng bàn chính là ở số lượng người được hưởng ESOP quá ít, trong khi giá trị lại rất lớn so với lợi nhuận mà DN đạt được. Hiện tượng này khiến nhiều người lo ngại nhiều người lao động trong DN và cổ đông nhỏ lẻ sẽ thiệt thòi.
Theo VEF