Sức mua yếu, chỉ số niềm tin tiêu dùng suy giảm, kinh tế khủng hoảng làm dân ta “kẹo” hơn. Ấy thế mà đó lại là cơ hội kiếm bộn tiền cho các doanh nghiệp Việt biết chớp thời cơ vàng.
Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit cho biết, thị trường nội địa giờ đây vừa là thánh địa, lãnh địa vừa là hậu phương của doanh nghiệp Việt. Nếu chịu khó bám đuôi các bà nội trợ thì sẽ thấy vì sao đây lại là “thánh địa” của các doanh nghiệp trong nước thời buổi này. Tại siêu thị Coop Mart Đinh Tiên Hoàng, Bình Thạnh, TP.HCM, bà Nguyễn Thị Lan đứng trước dãy bột giặt để nhìn giá và chọn hàng. Rất nhanh bà nhấc gói bột giặt Daso trong khi bỏ qua Omo, thương hiệu đa quốc gia. Bà nói: “Tôi đã từng là khách hàng trung thành của Omo. Cứ mua bột giặt là tôi sẽ chọn Omo. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi từ một năm trở lại đây. Tiền bạc eo hẹp, đành phải chắt bóp. Hóa ra dùng Lix, Daso… vừa tốt lại vừa rẻ. Nếu không có vụ khủng hoảng, chắc mình lại lạc hậu với chất lượng của bột giặt Việt Nam mất”.
Đang vào dịp khuyến mãi cuối tháng 2, đầu tháng 3/2013, Coop Mart có khá nhiều ưu đãi. Omo đỏ loại 4,5 kg cộng 1 chai nước xả Comfort 800 ml có giá 202.000 đồng, còn tặng thêm một sọt nhựa. Nhưng so với giá của một gói bột giặt Net nặng 6 kg 100% Việt Nam có giá chỉ 146.550 đồng mà cũng được tặng 1 thau nhựa hay một gói bột giặt Daso bền màu 4,5 kg chỉ có 98.000 đồng thì có thể thấy ưu thế về giá cả của hàng Việt Nam. Hơn nữa, vì hầu như quanh năm thấy bán bột giặt Omo tặng sọt nhựa nên nhiều người mua không ham quà nữa, chỉ cần giá rẻ mà hàng xài tốt là được. Cách lựa chọn của bà Lan thực ra hoàn toàn phù hợp với những gì mà các công ty chuyên nghiên cứu thị trường đã đo được từ hơn một năm trở lại đây. Trong cuộc khảo sát chỉ số niềm tin tiêu dùng gần nhất vào cuối quý 3/2012, công bố của Nielsen cho thấy, người Việt đang thay đổi thói quen tiêu dùng của họ theo hướng chi tiêu cực kỳ tiết kiệm. Có đến 91% số người được hỏi thừa nhận mình đã thay đổi thói quen mua sắm so với năm ngoái để tiết kiệm sinh hoạt phí, tăng từ 86% trong quý 2 và 84% trong quý 1/2012. Đây rõ là thời cơ vàng khi đúng thời điểm mà dân ta đang thực sự chuyển dịch xu hướng tiêu dùng. Tiết kiệm hơn, họ tìm đến hàng Việt và chỉ cần có cơ hội tiếp cận, dùng thử, họ sẽ thay đổi nhận thức và cả thói quen sính hàng ngoại đã thâm căn cố đế từ vài chục năm nay.
Tất nhiên Vinamit đã có chủ đích xâm nhập thị trường nội địa khá lâu và cho đến nay tỷ trọng doanh thu từ thị trường nội địa của công ty này đã chiếm đến 50%. Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác đã nhiều năm mang tiếng là chỉ tập trung vào xuất khẩu, bỏ quên thị trường nội địa hay là bị hàng ngoại “đánh” te tua trên thị trường nội địa (như trong ngành dệt may, bánh kẹo) cũng đang kiếm bộn tiền từ xu hướng chắt bóp chi tiêu của dân ta mới là chuyện đáng nói. Năm 2012 là năm làm ăn phát đạt trên thị trường nội địa của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với doanh thu gần 1 tỷ USD, chiếm 30% tổng giá trị doanh thu. Trong khi năm trước tỷ lệ này mới vỏn vẹn là 15%. Năm 2013 này, Vinatex dự tính sẽ nâng tỷ trọng hàng nội địa lên 50% tổng doanh thu.
Tương tự, bánh kẹo Việt cũng nhân đà này giành lại thị trường. Bibica là một trường hợp khá điển hình. Công ty này chỉ đạt lợi nhuận 2 tỷ đồng trong quý I và lỗ đến 8 tỷ đồng trong quý II năm ngoái. Thế nhưng vào vụ bánh Trung thu vừa rồi, ở quý III, công ty đã có lợi nhuận 15 tỷ đồng với các loại bánh đa dạng, trong đó có cả bánh phục vụ người bị tiểu đường, ít ngọt, ít béo. Còn đến vụ Tết 2013 với hàng loạt sản phẩm mới, công ty đạt lợi nhuận ròng ước tính đến 27 tỷ đồng. Kết quả này làm cho Bibica tự tin công việc kinh doanh sẽ khởi sắc sau một thời gian dài vất vả vì thị trường co hẹp. Và điều đáng nói là Bibica lần này không bị sức ép từ việc người dân ưa mua hàng ngoại.
Vụ Tết năm nay cũng là một bất ngờ của thị trường bánh kẹo nói chung vì Kinh Đô đã tăng 30% lượng bánh kẹo so với cùng kỳ năm trước, riêng loại bánh hộp cao cấp tăng 200%. Không kém cạnh, Phạm Nguyên cung ứng 6.000 tấn, tăng 40%. Tại các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Citimart, có từ 80-90% lượng bánh kẹo là hàng nội. Trong khi đó, Coop Mart bán đến 300 mặt hàng chủ yếu là hàng bánh kẹo nội. Hàng ngoại vắng bóng vì dân ta bỏ phiếu cho hàng nội khi túi tiền eo hẹp.
Thị trường nội địa giờ đây vừa là thánh địa, lãnh địa vừa là hậu phương của doanh nghiệp Việt
Các doanh nghiệp đồ gỗ cũng đang đổ dồn về thị trường nội địa. Theo thông tin từ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, sau 2 năm quay lại thị trường trong nước, hiện tỷ trọng thị trường nội địa trong tổng doanh số của các doanh nghiệp trong ngành này đã tăng từ 20% lên 40%. Và ngành da giày cũng đang muốn nhân đà này gia tăng sức mạnh ở thị trường nội địa. Nhìn nhận cho kỹ có thể thấy, cơ hội “cứu nguy” bất ngờ này cũng chỉ đến với những doanh nghiệp đã thực sự đầu tư và lăn lộn với thị trường nội địa nhiều năm nay. Vinatexmart đã có 82 siêu thị tại 28 tỉnh thành trong cả nước, trong khi đó, các đơn vị thành viên của Vinatex đang sở hữu 4.000 điểm bán hàng khác tại Việt Nam. Hàng dệt may Việt Nam đang được bán phổ biến ở khắp nơi và thậm chí có cả tình trạng dùng hàng nhập lậu nhái hàng Việt xuất khẩu để bán tại thị trường trong nước. Trong khi đó, Bibica hiện đã có 100 sản phẩm và khoảng 20 sản phẩm chủ lực trên thị trường, hệ thống kinh doanh bao gồm 110 nhà phân phối với 65.000 điểm bán trên khắp cả nước, từ những vùng nông thôn xa nhất đến các thành phố lớn. Bibica hiện có 3 nhà máy sản xuất, trong đó có nhà máy Bình Dương sở hữu dây chuyền tự động hoàn toàn với công nghệ tối tân nhất. Bibica đã từng đầu tư mạnh ngay thời điểm 2008 khi khủng hoảng kinh tế bắt đầu và giảm được khá nhiều chi phí do máy móc thiết bị tới vật liệu xây dựng đều được mua với giá rẻ. Thị phần của công ty này đang tăng từ 8% hồi trước năm 2008 lên đến 18% vào năm 2012 vốn được coi là thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế.
Tuy nhiên, một nguy cơ nhãn tiền là khi túi tiền dân ta rủng rẻng thì sự cạnh tranh khốc liệt với các nhãn hàng ngoại thực sự khó tránh khỏi. Vì vậy, rõ ràng doanh nghiệp Việt cần thực sự tranh thủ cơ hội vàng để kiếm tiền trước mắt là bán hàng giá rẻ đi đôi với việc xây dựng thương hiệu và chất lượng sản phẩm cao cấp về lâu về dài. Chỉ như thế thì “quân ta” mới có thể tiếp tục “trèo cây hái quả” ngay trên sân nhà.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, năm 2013 này Bộ sẽ chủ trì nghiên cứu và xây dựng Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 4/2013. Cùng lúc sẽ tiếp tục có hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam như “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt’’. Âu đây cũng là cách giúp các doanh nghiệp Việt thêm cơ hội kiếm tiền vào thời buổi khó khăn này.
Tăng trưởng bất ngờ của thị trường bánh kẹo tết 2013: Kinh Đô tăng 30% lượng bánh kẹo so với cùng kỳ năm trước, riêng loại bánh hộp cao cấp tăng 200%. Phạm Nguyên cung ứng 6.000 tấn, tăng 40%.
Theo DDDN