Bài học từ những vụ bột giặt thương hiệu Việt bị ‘cá mập’ nuốt trôi

Không chỉ kem đánh răng, nhiều nhãn hiệu bột giặt lừng lẫy của Việt Nam cũng bị các công ty nước ngoài “nuốt trôi” sau một thời gian ngắn liên doanh.
Xót xa cho thương hiệu Việt lâu đời
Về bột giặt, trong nhiều năm trước đây, những cái tên như Viso, Cô ba xà bông, Haso,… là những thương hiệu Việt đình đám nhất, có lượng tiêu thụ lớn tới mức bất cứ thương hiệu ngoại nào cũng phải mơ ước.
Trước đây, không người nào ở Việt Nam mà không nghe nhắc tới Trương Văn Bền. Tên tuổi ông gắn liền với cục xà bông thơm: “Xà bông cô Ba”, hay cục xà bông đá: xà bông Việt nam để giặt đồ, phổ thông khắp cả 3 miền đất nước, lên tận Miên, Lào. Xà bông thơm “Cô Ba” nổi danh trong mấy thập niên liền, đủ sức đánh bạt xà bông ngoại hoá, nhập cảng từ Pháp. Người miền Nam đã từng thán phục ông Trương Văn Bền
Là người nhạy cảm trong việc thương mại, nhìn xa thấy rộng, ông Bền biết rõ tiềm năng kinh tế Việt nam còn bị lãng quên: cây dừa. Từ năm 1918, ông Bền đã lập xưởng ép dầu dừa (dùng trong kỹ nghệ xà bông, mỹ phẩm) mỗi tháng sản xuất 1500 tấn.
Năm 1932, hãng xà bông Trương Văn Bền được thành lập tại địa chỉ “Quai de Cambodge” (trước chợ Kim Biên bây giờ), ban đầu sản xuất 600 tấn xà bông giặt mỗi tháng. Từ khi “Xà bông cô Ba” tức xà bông thơm đầu tiên của Việt nam, để tắm gội ra đời, có sức đánh bạt xà bông thơm của Pháp, nhập cảng từ Marseille nhờ phẩm chất tốt, giá thành thấp.
Trải qua cả chiều dài lịch sử, “Xà bông cô Ba” mang “quốc tịch” Việt Nam cuối cùng là thuộc công ty Bột giặt Phương Đông. 
Người Sài Gòn cũng như không ít người Nam bộ, có ít nhất hai thế hệ đã được tắm gội bằng xà bông Cô Ba. Trước giải phóng, sản phẩm này hầu như không có đối thủ. Sau ngày giải phóng, vì là tư sản dân tộc, hãng xà bông của ông Trương Văn Bền vẫn còn được giữ lại dưới hình thức công tư hợp doanh có tên là nhà máy Xà bông Việt Nam. Cho đến trước năm 1995, bóng dáng của Cô Ba vẫn bao trùm cả miền Nam lẫn miền Bắc do thị trường lúc đó chưa có một “nhan sắc” xà bông ngoại lai nào.
Viso cũng là nhãn hiệu bột giặt lâu đời và là một trong những niềm tự hào của Việt Nam. Thuở ban đầu, Viso là tài sản của ông Trương Văn Khôi, người được mệnh danh vua bột giặt Viso.
Viso là sản phẩm hướng tới người tiêu dùng bình dân với mức giá cả phù hợp với túi tiền của đại bộ phận công chúng. Chất lượng Viso cũng là một trong các yếu tố được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao. Viso chiếm thị phần đáng kể trong phân khúc bột giặt.
Tuy nhiên, cũng giống như P/S hay Dạ Lan, Viso cuối cùng đã trở thành thương hiệu ngoại.
Âm thầm con đường thâu tóm bột giặt Việt
Trong những năm đầu mở cửa nền kinh tế, những liên doanh như liên doanh kem đánh răng, liên doanh Coca Cola có khá nhiều thông tin thì liên doanh bột giặt, thông tin rất ít ỏi. Các doanh nghiệp nước ngoài dường như chọn con đường âm thầm thâu tóm doanh nghiệp Việt qua hình thức liên doanh.
Khi mới thâm nhập vào Việt Nam, liên doanh là hình thức phổ thông nhất mà các “ông lớn” ngoại quốc lựa chọn. Bên cạnh việc liên doanh với P/S, Unilever còn hợp tác với nhiều công ty bột giặt đáng có vị thế lớn trong nước như Viso, Haso để lập nên liên doanh Lever-Viso, Lever-Haso.
Các liên doanh này hoạt động trong thời gian ngắn. Và kết quả cuối cùng, cũng giống như Dạ Lan và P/S, các thương hiệu bột giặt kể trên trở thành thương hiệu ngoại.
P&G cũng “đổ bộ” vào Việt Nam bằng cách hợp tác với công ty Phương Đông, chủ sở hữu của bột giặt Cô ba xà 
bông lừng lẫy một thời. Tuy nhiên, khi liên doanh với tập đoàn P&G, nhà máy Xà bông Việt Nam bị buộc phải bỏ tất cả những sản phẩm cũ.
Ngoại lệ đã xảy ra khi xà bông Cô Ba được giữ lại và được xem là sản phẩm truyền thống của công ty Phương Đông. Ngày nay, người Sài Gòn vẫn có thể tìm thấy cục xà bông Cô Ba ở những kệ trưng hàng nhỏ bé, khiêm tốn trong một góc siêu thị Co.opmart. 
Rất khó cắt nghĩa được rõ ràng mà các “ông lớn” Unilver và P&G sử dụng để thâu tóm những thương hiệu bột giặt lừng lẫy của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Võ Văn Quang, chuyên gia thương hiệu hàng đầu Việt Nam từng chia sẻ: “Đầu tư mở rộng sản xuất, xây thêm nhà máy mới luôn là những kế hoạch mang tính thuyết phục nếu đối tác liên doanh có đạo đức, ngược lại cũng có thể sẽ là một mê hồn trận cho phiá Việt Nam. 
Các liên doanh “kinh điển” như Lever-Viso, Lever-Haso, P&G (&Bột giặt Phương Đông)…đều kết thúc theo hướng thôn tính và phiá Việt Nam cũng tạm cho là hài lòng với những bài học đầu tiên trong thời mở cửa”.
Ông Quang phân tích thêm đầu tư dài hạn xét cho cùng là chiến lược đúng đắn về mặt chiến lược nếu doanh nghiệp tự thân tích góp thậm chí là tự vay mượn. Thế nhưng trong trường hợp liên doanh thì lại khác, trong một khoảnh khắc của sự thân thiện, phía nước ngoài sẵn sàng rót thêm vốn thay vì nếu không sẽ vay mượn ngân hàng với mức lãi suất ngân hàng (mà tại Việt Nam như thời gian qua, thuộc loại cắt cổ). 
Ngoài cơ hội hiếm hoi hấp dẫn một quỹ đầu tư (Vd: ICP X-men…) thì số còn lại phải chấp nhận bị thôn tính từng bước trước sức ép tài chính.
Tuy nhiên, ông Quang khẳng định điều này vẫn không được nhiều doanh nhân khác xem là bài học đắt giá. Ông nhận thấy trong thời gian gần đây, ông vẫn quan sát thấy sai lầm đang liên tục bị lặp lại.

Theo VTC