Phiên thảo luận tại Quốc hội hôm 29/5 về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi đã ghi nhận nhiều tiếng nói đề nghị bỏ hạn mức tiếp thị quảng cáo, cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Không nên “một mình một chợ”
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho biết cơ bản tán thành việc nâng mức khống chế đối với chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới từ 10% lên 15%, tuy nhiên có “ba đề nghị”.
Thứ nhất, cần quy định lộ trình tiến tới bỏ mức khống chế nêu trên để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, quy định mức khống chế được trừ theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo để tránh sự phức tạp trong tính toán, đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch.
Thứ ba, bổ sung quy định về tỷ lệ khống chế đối với lĩnh vực kinh doanh đặc thù, các mặt hàng độc quyền, không cần phải chi phí cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị như điện, xăng dầu, kinh doanh nước sạch.
“Việc quy định chung tỷ lệ khống chế quảng cáo của các mặt hàng độc quyền với các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh có tính cạnh tranh sẽ không đảm bảo tính công bằng”, bà nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cũng đồng tình với nâng từ 10 lên 15%, tuy nhiên ông nhận thấy vẫn chưa hợp lý bởi vì nếu quy định 15% với doanh nghiệp lớn thì đủ nhưng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập thì vẫn không đủ.
“Tôi đề nghị sửa theo hướng theo tỷ lệ % mà chúng ta sản xuất kinh doanh, % theo doanh thu, tính tỷ lệ % thì hợp lý hơn. Nếu chúng ta ấn định 15% thì doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ chi phí. Hướng tương lai của thế giới là người ta bỏ cái này, doanh nghiệp tự quyết định”, đại biểu Thuyền nói.
Đáng chú ý là những ý kiến đến từ các đại biểu – doanh nhân, những người cảm nhận rõ nhất về những vướng mắc do quy định khống chế hạn mức hiện hành.
Theo đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương), việc tăng mức khống chế từ 10 lên 15% theo dự thảo là “một bước tiến sau rất nhiều than phiền của doanh nghiệp từ khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ra đời”.
Tuy nhiên, ông Tín không cho rằng việc bỏ tỷ lệ khống chế sẽ làm giảm nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách. Doanh nghiệp buộc phải chi các khoản này để tồn tại, để cạnh tranh được, để tăng thị phần và để gia tăng lợi nhuận của chính họ. Không có lý do gì để chi tiền nhiều hơn nhằm giảm lợi nhuận của họ và dẫn đến giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
“Thực tế những doanh nghiệp trong một số ít ngành hàng mới cần chi ở mức cao, trong khi đại đa số doanh nghiệp không cần chi nhiều. Đặt ra giới hạn tỷ lệ chi trong khi hầu hết các nước không áp dụng theo tôi không phải là một cách làm hay mà còn tự trói tay các doanh nghiệp của chúng ta trong cạnh tranh thay vì hỗ trợ cho họ. Tôi đề nghị chúng ta bỏ tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại ngay trong lần sửa đổi này”, ông Tín nói.
Giải pháp dung hòa
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng hiểu rằng việc bỏ ngay quy định này là một thử thách khó vượt qua, đặc biệt trong bối cảnh nguồn thu sụt giảm hiện nay. Chính vì vậy, họ đề nghị có giải pháp dung hòa là áp tỷ lệ hạn chế trên % doanh thu thay vì % trên chi phí hợp lý.
Đại biểu – doanh nhân Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước áp dụng khống chế tỷ lệ phần trăm trên doanh nghiệp là Trung Quốc và Lithuania. Nếu khống chế tỷ lệ phần trăm như dự thảo thì vừa phức tạp, vừa khó khăn cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu của mình, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hãng nước ngoài bán hàng vào thị trường của ta có tiềm lực mạnh, thương hiệu lớn và có nguồn lực tài trợ từ công ty mẹ nước ngoài tài trợ cho họ để chiếm lĩnh thị trường của doanh nghiệp nước ta.
“Doanh nghiệp Việt Nam có thể bị thua ngay trên sân nhà, bởi chính những quy định của chúng ta”, vị đại biểu đang điều hành một hãng bia, nơi cần chi lớn cho tiếp thị quảng cáo hàng năm, nói.
Cũng từ góc nhìn doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng trên thực tế các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, sản phẩm cũng khác nhau nên nhu cầu về quảng cáo, tiếp thị cũng hoàn toàn không giống nhau, chẳng hạn kinh doanh bia, mỹ phẩm sẽ có chi phí quảng cáo khác với sản xuất đồ tiêu dùng, thực phẩm.
Việc quy định một tỷ lệ chung cho các ngành hàng, theo bà Hường, không những bất cập trên thực tế mà còn kiềm chế việc bán hàng và kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác chi phí được trừ chỉ đến cuối năm hay quý 1 của năm sau doanh nghiệp mới có thể biết được chính xác bao nhiêu. Do đó doanh nghiệp cũng không tính được kế hoạch chi quảng cáo cụ thể.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét để có thể điều chỉnh chi phí quảng cáo hoa hồng để tính trên tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, thay vì tính trên tổng số chi phí được trừ như dự thảo luật để đảm bảo tính chủ động cho doanh nghiệp”, bà Hường nói.
Một đại biểu doanh nhân khác, ông Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng nên quy định về chi phí quảng cáo tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng, môi giới theo tỷ lệ % trên doanh thu thay vì tính trên tổng chi phí được trừ như quy định của dự thảo luật để đảm bảo tính minh bạch, dễ hạch toán.
Theo Vneconomy