Tiến sĩ David Vik, người tự gọi mình là “Vua Văn Hóa” và cũng là người huấn luyện tại Zappos, chia sẻ 5 bí quyết làm nên một văn hóa doanh nghiệp đặc sắc.
Văn hóa doanh nghiệp là đề tài đã được nhiều người nhắc đến nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra một định nghĩa rõ ràng.
Do đó, người ta thường viện dẫn những ví dụ để giải thích khái niệm rất trừu tượng này. Một ví dụ được nhiều người nhắc đến là Zappos – một doanh nghiệp bán lẻ giày dép và phụ kiện có trụ sở ở Henderson, Nevada (Mỹ). Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc ở công ty này thấp đến mức khó tin (5%) và số khách hàng quay lại mua hàng lên tới mức lý tưởng (75%).
Hài hước, sáng tạo, kiên định, tâm huyết…là những phẩm chất nổi trội của Zappos. Công ty này thậm chí có hẳn một mục riêng về văn hóa và các giá trị trên trang web của mình. Rất nhiều người biết đến cái tên Zappos và các kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ như CBS và NBC đều đã từng có những chuyên đề đặc biệt về công ty này trong các chương trình ‘đinh’ của mình như 60 Minutes, Dateline.
Tiến sĩ David Vik, người tự gọi mình là “Vua Văn Hóa” và cũng là người huấn luyện tại Zappos, chia sẻ 5 bí quyết làm nên một văn hóa doanh nghiệp đặc sắc.
1. Xác định tầm nhìn
Việc Zappos đang làm là đặt ra mục tiêu mà công ty muốn đạt được trong tương lai. Trong cuốn sách: “Bí mật văn hóa: Làm thế nào để truyền cảm hứng cho doanh nghiệp và cho mọi người bất kể bạn bán gì” (The Culture Secret: How to Empower People and Companies No Matter What You Sell, Greenleaf Book Group, 2013), Vik nhấn mạnh: điều quan trọng là đừng giới hạn mình ở những mục tiêu đã đặt ra.
Mục tiêu của một một hiệu thuốc là bán thuốc – thế nhưng ngoài mục tiêu đó ra, hiệu thuốc còn có thể làm nhiều thứ khác để giúp khách hàng của mình sớm hồi phục sức khỏe. Lời khuyên của Vik: đừng ngại khi định ra cho mình hơi nhiều mục tiêu. Càng nhiều mục tiêu, bạn càng làm cho doanh nghiệp mình mềm dẻo, linh hoạt hơn.
2. Xác định mục đích.
Bạn rất cần phải biết mục đích của mình là gì khi lao vào kinh doanh. Điều này là tối quan trọng cho công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp của bạn. Bạn phải hiểu những gì bạn đang làm có ý nghĩa gì và tại sao bạn phải làm chúng.
“Nếu bạn là một người làm bánh, mục đích của bạn có thể chỉ là để tạo ra những chiếc bánh ngon nhất hoặc lớn lao hơn là nuôi dưỡng cả thế giới” – Vik lấy ví dụ.
3. Xác định mô hình kinh doanh
Cách bạn làm kinh doanh cũng chính là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Cái ngày của chiến lược bán hàng trực tiếp, lộ liễu và thô bạo đã qua lâu rồi. Giờ bạn phải tìm ra những cách khác để đưa được sản phẩm và dịch vụ của mình đến khách hàng. Làm thế nào để bạn có thể mới mẻ và sáng tạo đây?
“Hãy nghĩ đến cửa hàng kinh doanh bánh ngọt. Họ có thể có liên kết hoặc mua lại một công ty làm bánh, tại đó họ có thể gặp những chuyên gia về bánh và biết loại nguyên liệu nào là tốt nhất” – Vik nhận định. Ý tưởng ở đây là liên kết với những người, những công ty có cùng mục tiêu với mình.
4. Tạo các yếu tố độc đáo
Mọi người đều muốn cảm thấy mình đặc biệt. Khách hàng hay nhân viên của bạn không phải là ngoại lệ. Bạn phải biết yếu tố nào khiến cho doanh nghiệp bạn trở nên đặc biệt và luôn luôn phát huy yếu tố đó. Đây sẽ là thứ giữ chân khách hàng và nhân viên của bạn. Nếu bạn không làm cho mọi người thấy điểm đặc biệt của mình, bạn chỉ có lựa chọn duy nhất, đó là cạnh tranh về giá.
5. Kiên trì với giá trị của mình
Mục đích, tầm nhìn chỉ là những lời hứa suông nếu bạn không có một hệ thống những giá trị để đảm bảo. Bạn phải xác định rõ ràng những gì là quan trọng cho nhân viên và công ty bạn và phát triển dựa trên những nền móng đó. Nếu không có những ưu tiên như thế, văn hóa doanh nghiệp sẽ sớm chết yểu mà thôi.
“Văn hóa là thứ vô cùng ẻo lả” – Vik nói. Nhưng khi bạn tập trung vào 5 bí quyết trên và đi sâu vào thực hiện từng cái một, bạn sẽ biến văn hóa doanh nghiệp của mình thành một bức tường thành vững chãi.
Theo Entrepreneur