Các bí quyết sau đây được đúc kết từ kinh nghiệm của những nhà quản lý hàng đầu, hy vọng là những chia sẻ hữu ích cho bạn.
Đã trở thành sếp, chắc chắn bạn muốn mình trở thành một người sếp giỏi – một nhà quản lý “siêu sao”. Điều đó thật không dễ dàng để đạt được ngay trong thời gian ngắn! Bạn cần nỗ lực không ngừng, tự tích lũy những kiến thức từ thực tế công việc và luôn sẵn sàng học hỏi từ kinh nghiệm của những nhà quản lý đi trước.
Các bí quyết sau đây được đúc kết từ kinh nghiệm của những nhà quản lý hàng đầu, hy vọng là những chia sẻ hữu ích cho bạn.
1. Chọn phong cách quản lý phù hợp nhất với bạn Bạn thuộc típ nhà quản lý nào? Một số nhà quản lý dựa trên thành quả công việc của nhân viên. Cách quản lý này có vẻ hơi “lý tính”, nhà quản lý dường như là nhà chỉ huy quân sự vô cảm, họ không cần biết nhân viên có hài lòng với công việc được giao hay không. Đối lại mô típ này, một số nhà quản lý đặt nền tảng trên con người, nghĩa là họ tạo điều kiện để nhân viên hài lòng với công việc được giao. Tuy nhiên cách quản lý này đôi khi sẽ khiến cho công việc không đạt được kết quả mong đợi vì người quản lý quá thiên về việc làm hài lòng nhân viên mà thiếu sự quyết đoán.
Cách quản lý nào tốt hơn? Không có câu trả lời thích hợp cho câu hỏi này vì một trong hai cách quản lý trên không áp dụng được cho mọi trường hợp. Cách tốt nhất là bạn dung hòa giữa 2 phương pháp. Hãy tạo điều kiện tối đa để nhân viên của bạn yêu thích và hào hứng với công việc được giao nhưng vẫn cần ra những quyết định dứt khoát để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.
2. Lắng nghe ý kiến của nhân viên Sự khác biệt giữa một nhà quản lý độc tài và nhà quản lý dân chủ là khả năng lắng nghe ý kiến phản hồi của nhân viên. Cách quản lý độc tài sẽ khiến cho nhân viên xa lánh người quản lý của họ, phản ứng tiêu cực bằng cách lãn công hoặc tệ hơn nữa là nghỉ việc. Lắng nghe ý kiến nhân viên sẽ giúp bạn gần gũi hơn và tạo điều kiện cho nhân viên trình bày ý tưởng cá nhân của họ. Những ý tưởng cá nhân hay những ý kiến đóng góp này luôn giúp bạn quản lý công việc của phòng ban hay đội nhóm do bạn lãnh đạo một cách tốt nhất.
Một vài mẹo nhỏ có thể giúp bạn “lắng nghe” hiệu quả là: – Tạo cơ hội cho nhân viên trình bày ý kiến của mình. Hãy nhớ rằng nhân viên của bạn sẽ rất thất vọng nếu bạn không lắng nghe ý kiến của họ. Các buổi họp nhóm là cơ hội để nhân viên của bạn trình bày ý kiến của họ. Bạn hãy nhớ đừng bao giờ dập tắt ngọn lửa đam mê của nhân viên khi họ đưa ra ý kiến của mình. Hãy lắng nghe và phản hồi đúng lúc.
– Phản hồi với những ý kiến nhân viên vừa trình bày. Cách để bạn thể hiện sự trân trọng và thấu hiểu ý kiến của nhân viên là tóm lược lại các ý chính sau khi họ trình bày ý kiến. Bạn hãy nhớ đừng vội vàng kết luận ngay sau khi nhân viên vừa trình bày xong, vì điều đó sẽ tạo cảm giác rằng bạn thiếu nhiệt tình, đang trong tình trạng vội vã và muốn kết thúc cuộc trao đổi càng sớm càng tốt. Vì vậy, trước khi bạn đưa ra nhận định, giải pháp của mình, hãy tóm lược bằng những câu như: “Như vậy, theo anh/chị, vấn đề ở đây là…?”
3. Đặt ra mục tiêu công việc và tiêu chuẩn đánh giá thành tích rõ ràng Để quản lý hiệu quả và tránh bị gắn mác là một nhà quản lý chi li (micro-manager), khi mỗi ngày phải “theo dõi” xem nhân viên đã làm công việc được giao tới đâu, hãy đặt ra mục tiêu công việc thật rõ ràng cho nhân viên của bạn theo tuần, tháng hoặc quý.
Để tiêu chuẩn đánh giá được rõ ràng và công bằng, bạn cần đặt ra các mục tiêu công việc thật thông minh (SMART), nghĩa là Cụ thể (Specific), Đo lường được (Measurable), Khả thi (Achievable), Thực tế (Realistic), và Đúng hạn (Timely), theo thang điểm đánh giá từ 1 đến 5 (1: chưa đạt, 5: xuất sắc).
4. Tạo động lực để nhân viên làm việc tốt nhất Công việc nhàm chán và quá dễ dàng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến cho nhân viên nghỉ việc. Vì vậy việc khích lệ tinh thần và tạo cơ hội để nhân viên thể hiện được hết khả năng của mình là vô cùng quan trọng! Hãy thiết kế công việc thật thú vị với mục tiêu vừa đủ thách thức để tạo sự hứng khởi và hướng nhân viên của bạn đạt đến mục tiêu này. Bạn cũng đừng quên gắn liền công việc với thế mạnh và lĩnh vực đam mê của từng nhân viên. Ví dụ bạn đừng giao công việc cần sự tập trung cao và tĩnh lặng như viết lách hay phân tích số liệu cho một nhân viên chỉ thích đi đó đi đây và ngược lại.
Để quản lý hiệu quả, bạn còn cần hiểu rõ các tác nhân khiến cho nhân viên làm việc hết mình. Đó có thể là tiền lương thỏa đáng, điều kiện làm việc tốt, sự công nhận thành tích từ người quản lý, mối quan hệ tốt đẹp đối với đồng nghiệp, với sếp…. Ngoài ra hiểu rõ sự quan trọng của chỉ số xúc cảm (Emotional Intelligence), bạn sẽ làm cho nhân viên “tâm phục, khẩu phục” và cống hiến hết mình.
5. “Lời cảm ơn cao hơn mâm cỗ”
Hãy nhớ rằng thành tích của bạn, nhà quản lý, được xây dựng trên chính thành quả công việc của nhân viên. Nếu bạn là nhà quản lý tốt, nhân viên của bạn sẽ đạt được thành quả cao nhất. Vậy bạn đừng quên thể hiện lòng trân trọng của mình đối với sự đóng góp nhiệt tình của nhân viên. Dựa theo bảng phân công công việc SMART ở mục 3, bạn cần đề xuất công ty tưởng thưởng xứng đáng cho nhân viên có thành tích làm việc tốt, và đề bạt thăng chức họ. Song song đó, một cái bắt tay thật chặt, một nụ cười động viên, một cái vỗ vai thân tình… còn là những hình thức động viên có giá trị hơn cả những phần thưởng vật chất.
Để trở thành nhà quản lý “siêu sao”, điều quan trọng bạn cần nhớ là hãy tự tin vào khả năng và tâm huyết của mình. Thực tế bạn cần cả chữ “tâm” và “tài” trong công tác quản lý. Vậy bạn hãy lãnh đạo nhân viên của mình với cái đầu lạnh và trái tim nóng bạn nhé.
Theo doanhnhan.net