Kể chuyện – Chiến lược hoàn hảo cho phỏng vấn!

Một cuộc phỏng vấn hoàn toàn không phải là một cuộc thẩm vấn. Đó đơn giản chỉ là một buổi trò chuyện. Do vậy, cách tốt nhất để chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn là nên trang bị cho mình vô số những mẩu chuyện cả về nghề nghiệp và cuộc đời bạn.

Các cuộc phỏng vấn dựa trên nền tảng năng lực ngày càng phổ biển hơn so với phỏng vấn truyền thống. Trong một cuộc phỏng vấn truyền thống, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn các câu hỏi xoáy vào việc liệu bạn có đủ kĩ năng và kiến thức đáp ứng cho công việc. Còn cuộc phỏng vấn dựa trên nền tảng năng lực sẽ đi sâu hơn bằng việc hỏi thêm ứng viên các câu hỏi bên lề về tính cách, đặc điểm cá nhân nhằm giúp nhà tuyển dụng nhận định xem bạn có thích hợp với môi trường công ty họ hay không. Các yếu tố này được gọi là “năng lực hành vi”.
Thường thì nhà tuyển dụng dành khoảng nửa tiếng để hỏi bạn về các kĩ năng công việc, nửa tiếng phỏng vấn về năng lực hành vi để tìm kiếm các dẫn chứng qua cách bạn hành xử trong các tình huống quá khứ trước đó. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn các câu chuyện trước khi đi phỏng vấn, và trao đổi với nhà tuyển dụng trong một cuộc chuyện trò bình đẳng sẽ mang lại hiệu quả tốt đối với kiểu phỏng vấn loại này.
Những thông tin người phỏng vấn ưu tiên hỏi bạn:
– Bạn có thể kiếm tiền hoặc tìm cách giữ tiền cho công ty hay không?
– Bạn có phải là người biết hợp tác với các đồng nghiệp? Liệu bạn có hoà hợp được với một hệ thống có trật tự chặt chẽ hay gây trở ngại cho guồng máy đó? Bạn có thế nhận hoặc (khi cần thiết) có thể đưa ra các chỉ thị hay không?
– Bạn có hoà hợp được với tác phong của công ty hay không? Người ta thường không thích những người hay giận dỗi hoặc khó chịu.
Thủ thuật kể chuyện
Cách tốt nhất giúp người phỏng vấn nhận được thông tin cho các câu hỏi nêu trên là bạn nên thủ sẵn vài mẩu chuyện của bản thân mình để minh hoạ cho những thành công của mình. Mỗi câu chuyện nên chỉ dài từ 30 – 90 giây.
Bạn nên bắt đầu bằng cách kể những mẩu chuyện xoay quanh các đề tài sau: Các ví dụ cho thấy bạn thu lợi hoặc tiết kiệm được cho công ty hiện tại hoặc công ty cũ của bạn ra sao; Một đợt khủng hoảng trong cuộc sống hoặc công việc của bạn và cách bạn đối phó, vượt qua giai đoạn này; Thời gian bạn là thành viên của một nhóm và bạn đã đóng góp được những gì; Giai đoạn bạn phải vượt qua những căng thẳng (stress) trong công việc và sự nghiệp; Thời kỳ bạn thành công ở cương vị lãnh đạo và quản lý trong công việc; Một sự thất bại trong công việc và cách bạn vượt qua chuyện ấy; Bất cứ sự kiện sâu sắc nào tình cờ xảy ra trong sự nghiệp khiến bạn thay đổi hướng đi của mình và sự thay đổi đó thích hợp hơn ra sao.
Hành động chứng tỏ được nhiều điều hơn lời nói. Những việc bạn đã làm trước kia – sắp xếp theo mạch chuyện – sẽ chứng tỏ được nhiều hơn là các kiểu nói suông tương tự. Các câu chuyện bạn kể sẽ cung cấp cho nhà tuyển dụng những ví dụ xác thực về bạn mà họ cần. Ngoài ra, những câu chuyện này còn thể hiện một cách sắc nét cá tính riêng của bạn, giúp bạn nổi bật hơn.

Theo LB