Chiến lược dẫn đầu trong thời kỳ hội nhập

Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực trên con đường hội nhập toàn diện với khu vực và trên thế giới. Quá trình hội nhập có thể được đánh dấu bằng những sự kiện quan trọng như gia nhập ASEAN, đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC hay trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO,…
Càng ngày các doanh nghiệp Việt Nam càng nhận thức rõ hơn những cơ hội và thách thức trên thị trường quốc tế rất sòng phẳng nhưng ẩn chứa vô vàn rủi ro.
Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam từng đối mặt với rất nhiều “tai nạn” trên thị trường quốc tế như vấn đề về bảo vệ thương hiệu, các vụ kiện bán phá giá,… Còn tại “sân nhà”, doanh nghiệp Việt Nam cũng bị mất khá nhiều thị phần vào tay doanh nghiệp nước ngoài mặc dù họ là người mới đến. Vấn đề đặt ra ở đây chính là hiểu biết của doanh nghiệp trong việc hoạch định các chiến lược kinh doanh.
Bàn về vấn đề này, Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Đỗ Hoài Nam, giảng viên cao cấp của Trung tâm Đào tạo Quản trị Kinh doanh INPRO cho rằng: “Lý do của việc doanh nghiệp Việt Nam liên tiếp ‘thua trên sân nhà’ là bởi chúng ta chưa có tư duy chiến lược không bị giới hạn như các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, ‘thói quen’ của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn dựa quá nhiều vào các chiến thuật tức thời, chưa đưa ra được chiến lược về lâu dài.”
Thật vậy, mặc dù các công ty và tổ chức đều ý thức được việc cần có tầm nhìn và kế hoạch chiến lược nhưng rất ít có được điều đó. Theo ý kiến của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Quang (công ty Điều Kỳ Diệu), một học viên của chương trình kinh doanh mô phỏng “Chiến lược dẫn đầu trong kinh doanh” thì: “Thực tế ở Việt Nam có rất ít các doanh nghiệp có tầm nhìn chiến lược bao quát. Phần vì do thiếu hiểu biết, phần vì thiếu năng lực thực hiện (như vốn liếng, nhân sự, trình độ tổ chức…), nhưng nếu nhận thức và hoạch định được chiến lược và thực hiện tốt chiến thuật thì tôi tin rằng công ty đó vẫn chắc chắn thành công.”
Vậy chiến lược trong kinh doanh là gì? Đó là điều mà doanh nghiệp cố gắng vươn tới trong dài hạn trong phạm vi mục tiêu tổng thể và quy mô của doanh nghiệp. Đó là việc lựa chọn phân khúc thị trường để tập trung hoạt động, phát huy lợi thế và phát triển. Đó là việc sử dụng các nguồn lực, kết hợp các phòng ban để tăng cường khả năng cạnh tranh với hiệu quả cao. Hay đó là việc xác định giá trị và kỳ vọng mà những nhà đầu tư mong đợi,…
Còn chiến thuật chính là các “tiểu xảo” mà doanh nghiệp sử dụng trong quá trình thực hiện chiến lược, nhằm điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp với thực tế hoạt động. Giống như việc thay người trên sân cỏ, chiến thuật có thể chỉ để hỗ trợ cho chiến lược trong việc khắc phục những cản trở trên thị trường. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, chiến thuật tốt còn có thể thay thế cho chiến lược với tài ứng dụng linh hoạt của nhà lãnh đạo.
Như vậy, chiến lược là quá trình giải quyết vấn đề hay đạt mục đích dài hạn của doanh nghiệp. Việc định vị được chiến lược hay xác định được các giải pháp đạt mục đích chính là thành công bước đầu của doanh nghiệp trong việc khẳng định sức mạnh cạnh tranh của mình.

Theo doanhnhan.net