Masan, gã khổng lồ vươn vai hay cóc phình bụng?

Đúng vào dịp nhóm họp Đại hội cổ đông, thông tin Masan tiếp tục bỏ ra 12 triệu USD để mua Bia Phú Yên được tung ra. Việc mua Bia Phú Yên chỉ là một trong số các thương vụ M&A đình đám của Masan vài năm trở lại đây trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện Masan đang sở hữu lượng cổ phần lớn tại Ngân hàng Techcombank, mỏ đa kim Núi Pháo, Vinacafe, Nước suối khoáng Vĩnh Hảo, Cám Con Cò. Mải mê với việc đầu tư nên trong tờ trình phân chia lợi nhuận năm 2012 của Hội đồng quản trị Masan, công ty vẫn dự định không chia cổ tức, mặc dù lãi tới 2.738 tỷ đồng. Nếu điều này được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua thì đây là năm thứ 4 liên tiếp cổ đông của Masan không nhận được cổ tức.

Vì sao MSN hút khách?
Trái ngược với những ồn ào trong hoạt động M&A, thanh khoản của (cổ phiếu Masan) trên thị trường chứng khoán Việt Nam không nổi bật. Mặc dù là một trong 4 cổ phiếu chi phối thị trường chứng khoán Việt Nam vài năm trở lại đây, nhưng khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên của MSN chỉ dao động cao nhất khoảng vài trăm ngàn cổ phiếu – con số rất nhỏ so với những mã chứng khoán có giao dịch đến hàng vài triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Liệu nhà đầu tư có đang bối rối về Masan trong bối cảnh “thảm họa” đầu tư đa ngành đang làm hao mòn tiền bạc mà họ từng đầu tư vào nhiều công ty đình đám trên thị trường Việt Nam? Masan liệu có là gã khổng lồ đang thực sự vươn vai hay cũng chỉ là một con cóc đang phình bụng? Liệu điều này có đi kèm những rủi ro khiến cho tiền của nhà đầu tư… bay vèo qua cửa sổ?
Với nhiều nhà đầu tư, MSN vẫn là loại cổ phiếu mà họ ưa thích và có thể được đưa vào danh mục đầu tư lâu dài. Họ thực sự tin tưởng vào sức mạnh của gã khổng lồ đang vươn vai này với giá trị vốn hóa hơn 2,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của họ, việc kinh doanh của Masan trên thị trường là khá minh bạch với cả hai: khâu chiến lược phát triển và khả năng thực thi bền vững.
Chiến lược kiềng 3 chân
Chiến lược kinh doanh của Masan thể hiện trên 3 chân kiềng là: dòng tiền bền vững – nền tảng vận hành hàng đầu và quy mô. Masan theo đuổi chiến lược phát triển một doanh nghiệp có thể tạo ra dòng tiền, không mua bán hoặc đầu cơ ngắn hạn.
Về quản trị, Masan xây dựng nền tảng vận hành tốt nhất với đội ngũ quản lý và hệ thống kiểm soát chuyên nghiệp. Về quy mô, Masan đi theo mô hình lợi nhuận là người dẫn đầu trong các ngành lớn. Với 3 chân kiềng này, Masan vẫn ăn nên làm ra một cách an toàn mặc dù chịu sức ép của việc đa dạng hóa đầu tư vào nhiều ngành khác nhau.
Thậm chí, đây không chỉ là chiến lược thực thi mà là một kỷ luật trong việc phát triển kinh doanh của tập đoàn. Vì vậy, dù đầu tư đa ngành, nhưng Masan sẽ đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên ưu tiên chọn đúng ngành.
Ngành kinh doanh mới được lựa chọn phải là ngành có thể tạo ra quy mô lớn với các cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời từng có tiền lệ thành công của mô hình kinh doanh tương tự trong khối kinh tế tư nhân tại các nước trong khu vực.
Tuy nhiên, Masan cũng không ngần ngại nhắm đến những món gọi là “quả dễ hái”. Theo định nghĩa từ Masan, đó là những ngành hàng hoặc sản phẩm còn manh mún, nhưng có thị trường lớn và lộ trình rõ ràng để đạt vị thế dẫn đầu.
Khả năng thực thi bền vững
Theo các nhà phân tích, việc sử dụng các đòn bẩy tài chính của Masan trong bối cảnh hiện nay là khá thông minh với việc phân bổ và cấu trúc nguồn vốn có tính toán thận trọng.
Masan từng tự hào về thương vụ mua lại mỏ đa kim Núi Pháo mà về cơ bản không phải sử dụng tiền mặt, trong khi thương vụ mua lại Vinacafe chỉ sử dụng 52 triệu USD.
Thời điểm quyết định việc mua lại cũng được cân nhắc kỹ để có được giá cả tốt nhất. Tập đoàn không đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán – những khoản đầu tư có thể leo lên hay rớt xuống theo chiều thẳng đứng.
Đi kèm với các thương vụ gia tăng tài sản qua M&A có chọn lọc và tính toán cẩn thận, Masan tiếp tục thực thi việc quản lý và kiểm tra, giám sát việc làm ăn một cách khá chuyên nghiệp.
Masan là một trong những tập đoàn hiếm hoi ở Việt Nam đi tiên phong trong việc đưa các nhân sự nước ngoài và trong nước có kinh nghiệm vào những vị trí quản lý trọng yếu nhất.
Ông Madher Maini, Tổng giám đốc điều hành của Masan, từng có 14 năm làm việc tại Ngân hàng Merrill Lynch và Deutsche Bank; Tổng giám đốc của Masan Resource, phụ trách dự án Mỏ Núi Pháo – Dominic Haeton – là một chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm trong việc khai thác mỏ tại khu vực Đông Nam Á. Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer nguyên là Giám đốc Tiếp thị của P&G Việt Nam…
Hệ thống kiểm tra và giám sát tại Masan cũng có những phòng ban chuyên biệt. Đó là ngoài Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, Masan có thêm Ban Thực thi giao dịch và Ban giám sát hoạt động của các công ty con.
Ban Thực thi giao dịch của Masan có nhiệm vụ áp dụng một quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo mức độ giám sát và phê duyệt phù hợp cho việc tiến hành một giao dịch.
Trong khi đó, Ban Giám sát hoạt động của các công ty con ngoài các hoạt động nội bộ còn mời các bên độc lập tiến hành đánh giá định kỳ và báo cáo cho Hội đồng quản trị, đồng thời đưa ra các đánh giá riêng.
Đây là bộ phận giúp nâng cao trách nhiệm trong công ty, đảm bảo hiệu quả của các công ty con. Nhân viên các công ty này cũng sẽ được đánh giá một cách khách quan nhất.
Chính nhờ hệ thống chiến lược và quản trị thực thi khá sắc nét này mà Masan đã liên tục phát triển như một gã khổng lồ thực thụ. TPG – một quỹ đầu tư danh tiếng vào loại hàng đầu thế giới – trong Hội nghị thường niên các nhà đầu tư bên ngoài nước Mỹ tại Hà Nội vào tháng 3/2013 vừa qua đã xếp Masan vào danh sách 10 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt nhất để thu hút đầu tư.
2.783 tỷ VNÐ lợi nhuận
Giá trị vốn hóa của Masan Group đã tăng gấp 4 lần kể từ khi niêm yết vào năm 2009. Masan có một trong những công ty hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất và mức lợi nhuận cao nhất ở châu Á. Lợi nhuận sau thuế của Masan tăng gần 700%, từ hơn 400 tỷ đồng trong năm 2008 lên đến 2.783 tỷ đồng năm 2012. Quỹ PENM II do Bank Invest quản lý đã từng đầu tư 2.000 tỷ đồng vào Masan năm 2009 và thu lợi gấp 4 lần vào năm 2011, khi bán ra 4 triệu cổ phiếu.

Theo marketing.24h.com.vn