Tầm ảnh hưởng trên phương diện kinh tế của Amazon đã trở nên lớn hơn so với nhiều công ty công nghệ như Apple, Google hay Facebook.
Thật sai lầm nếu nghĩ rằng Amazon chỉ là công ty kinh doanh sách trực tuyến. Ảnh:WSJ
GoVacuum là một công ty thương mại tăng trưởng nhanh tại Mỹ, doanh thu 7 năm trước là 2 triệu USD đến nay tăng lên đến 10 triệu USD, mức tăng trưởng đến 5 lần, cao hơn cả mức tăng trưởng chung của hoạt động mua sắm trực tuyến tại Mỹ.
Được sáng lập bởi Bill Anand, người đến từ New Delhi, Ấn Độ vào năm 1974, tăng trưởng của GoVacuum cho thấy tầm quan trọng của những doanh nghiệp nhỏ đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới
Thành công của GoVacuum và 27 nhân viên công ty đến nhờ Amazon.
Phần lớn người tiêu dùng vẫn chỉ nhớ đến Amazon như công ty kinh doanh sách trực tuyến. Rất nhiều người ngạc nhiên khi biết Amazon bán nhiều loại sản phẩm hơn so với công ty mà nhà sáng lập Jeff Bezos khai sinh ra công ty vào năm 1994. Thế nhưng đó mới là phần nổi của tảng băng chìm.
Nhà sáng lập Bezos hiện đang biến Amazon thành một công ty kinh doanh sản phẩm cực kỳ đa dạng, từ quyền tiếp cận với thị trường số đã có sẵn hàng triệu khách hàng, không gian máy chủ, cho đến công cụ vận chuyển hàng hóa hiện đại nhất phục vụ cho nhiều loại hình kinh doanh thương mại.
Anh Sachin Anand, quản lý hoạt động kinh doanh của GoVacuum, chỉ ra: “Họ đang đầu tư vào nhiều lĩnh vực quan trọng với cuộc sống của con người.”
Bao lâu nay, Amazon đã giàu lên nhờ thay đổi cách mua sắm hàng hóa của con người, thế nhưng việc công ty mở rộng sang mảng hỗ trợ hạ tầng đang giúp công ty có thêm sức mạnh tác động đến cách cấu trúc hoạt động kinh doanh. Amazon cách mạng hóa cách mà nhiều doanh nhân mở công ty hoặc hồi sinh nhóm công ty yếu kém bằng cách sử dụng hệ thống thanh toán của công ty thay cho việc phải tự xây dựng riêng cho mình. Sáng lập viên của GoVacuum nhận xét: “Họ giúp chúng tôi mở rộng hoạt động kinh doanh ở một quy mô mà chúng tôi không thể làm được.”
Tầm ảnh hưởng trên phương diện kinh tế của Amazon đã trở nên lớn hơn so với nhiều công ty công nghệ như Apple, Google hay Facebook. Amazon bước vào nhóm doanh nghiệp kinh doanh hệ thống giống như các sàn chứng khoán, công ty cung cấp điện, công ty kinh doanh thẻ tin dụng và vận tải.
Thế nhưng sự nổi lên của Amazon gây ra không ít căng thẳng và nguy hiểm cho nhiều khách hàng và kinh tế Mỹ.
Những công ty đơn lẻ cần phải cân nhắc giữa cái được và mất khi họ gia nhập “hệ sinh thái” của Amazon, họ có thể mất đi quyền tự chủ của mình, hơn nữa, Amazon, trong vai trò đối thủ trong lĩnh vực bán lẻ và cung cấp dịch vụ lại có thể biết được doanh số và hàng tồn kho của họ. Hai thông tin trên luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ công ty nào.
Ở phương diện vĩ mô, theo phân tích của giáo sư Marco Iansiti tại đại học Harvard công ty kiểu như Amazon giúp cải thiện hiệu quả công việc, điều này tốt cho nhóm công ty nhỏ. Tuy nhiên ông nói thêm: “Tin xấu ở chỗ yếu tố quyết định đến số phận của bạn bị chia sẻ với quá nhiều người. Nếu Amazon gặp khó khăn và nếu trang web bị sập, rất nhiều người sẽ phải chịu hậu quả xấu. Đó có thể là nguồn gốc của rất nhiều rủi ro hệ thống mà chúng ta chưa từng có trước đây.”
Bao lâu nay, công chúng không biết nhiều về hoạt động kinh doanh cụ thể của Amazon và đặc biệt là sự chuyển hướng sang lĩnh vực dịch vụ của công ty.
Financial Times mới đây đã đăng tải nhiều bài viết về khả năng của Amazon trong việc tái sinh lại một số ngành nghề. Thông tin trong bài viết được dựa trên các cuộc phỏng vấn với người từng làm nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp phần mềm, công ty bán lẻ, chuyên viên ngân hàng và tư vấn cho Amazon.
Người ta nhận ra một công ty dù chỉ với hệ thống công nghệ căn bản và lối suy nghĩ thực dụng đã xây dựng được vị thế đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Thế nhưng Amazon cũng còn nhiều điều chưa làm được: Amazon vẫn phụ thuộc rất nhiều vào người sáng lập, không theo kịp tiến bộ trong lĩnh vực nhạc và phim số và cho đến nay vẫn chưa khiến nhà đầu tư cảm thấy thuyết phục về lợi nhuận của công ty. Và chắc chắn tầm ảnh hưởng ngày một lớn của Amazon cũng sẽ phải chịu nhiều chỉ trích từ phía các chính trị gia.
Trong lá thư mới nhất gửi các cổ đông, ông Bezos nói: “Chúng ta đang tạo ra hệ thống dịch vụ mạnh cho phép hàng ngàn người thử nghiệm và làm được những việc mà nếu không có hệ thống ấy, sẽ không thể làm được.”
Hệ thống dịch vụ do Amazon tạo ra những doanh nghiệp lai trong đó Amazon điều hành công việc marketing, quan hệ khách hàng, thanh toán, điện toán, vận tải, phân phối; nhà điều hành các công ty khác chỉ phải tìm kiếm hoặc sản xuất ra sản phẩm tốt.
Làm như vậy, Amazon thực chất đang thay đổi cách kinh doanh của các công ty, công ty sẽ có thể không cần phải hoạt động một số chức năng cốt lõi và chỉ tập trung vào phát triển sản phẩm. Nhược điểm ở chỗ khi làm như vậy, chi phí của họ ràng buộc quá nhiều vào Amazon.
Năm 2011, Amazon kiếm được 631 triệu USD lợi nhuận, con số thật khiêm tốn nếu so với tổng doanh thu 48 tỷ USD, đáng chú ý, số tiền Amazon thu được từ việc cung cấp dịch vụ cho các công ty khác nhiều hơn so với tự kinh doanh sản phẩm.
Rõ ràng nhiều công ty bán lẻ lớn tại Mỹ cảm thấy không vui vẻ khi sử dụng dịch vụ của Amazon. Target, công ty bán lẻ có hoạt động khá rộng tại Mỹ, năm 2011 đã ngưng chạy website trên hệ thống của Amazon và tự chủ lấy việc này. Công ty bán lẻ Marks and Spencer của Anh cũng đưa ra quyết định tương tự. Công ty Toys R Us ngừng thuê Amazon quản lý website từ năm 2006 sau khi tòa án phán quyết công ty đã vi phạm hợp đồng bởi đã bán đồ chơi cho một số nhà cung cấp khác trên Amazon.com.
Ông Suresh Kotha, giáo sư đại học University of Washington ở Seattle, chỉ ra: “Bằng cách nào bạn tạo ra được một hệ sinh thái mà trong đó bạn không phải đối tượng duy nhất kiếm tiền? Đến lúc nào đó, người ta sẽ ngưng sử dụng dịch vụ của bạn nếu bạn trở nên quá mạnh và bắt đầu trục lợi từ họ. Nếu điều đó xayr a, hệ sinh thái sẽ mất đi động lực phát triển.”
Theo kienthuckinhte.com