Đâu đó trong thất bại!

Bài viết này là phần mở đầu trong cuốn sách mà tôi đang viết “Thất bại tuổi 30”. Hy vọng bạn sẽ tìm thấy trong này sự hữu ích nào đó.

“Trò ảo thuật này 150 ngàn đồng. Anh thích tôi sẽ dạy anh”. Một ảo thuật gia đường phố đã nói như vậy khi tôi đang cùng 2 đồng nghiệp ngồi bên lề đường Thành Thái- Quận 10 thưởng thức mấy chai bia. “Nhưng trước khi học, anh hãy xem nó có đáng không?”. Ông ta rút ra chiếc khăn voan màu đỏ mỏng dính, phất qua phất lại trên tay trái và nói rằng: tôi sẽ làm nó biến mất trong lòng tay phải của tôi. Trước mắt anh và cách 1m thôi”. Rất nhanh, ông nhét hết tấm khăn vào lòng tay phải, nhẹ nhàng thổi và xòe bàn tay ra, đã không còn chiếc khăn ở đó, kể cả tay trái. Chưa hết ngạc nhiên, ông chụp tay trái vào tay áo tôi và nói: nó ở trong áo anh. Vẫn với vẻ bí mật của tay biểu diễn, ông ta rút nhẹ từ trong ống tay áo của tôi chiếc khăn mà chỉ vừa ban nãy đã biến mất. Tất cả mọi người ngạc nhiên, vỗ tay tán thưởng. “Thế nào, anh học chứ, chỉ 150 ngàn đồng. Tôi dạy anh trong vòng 1 phút”. Rất nhanh chóng, dưới sự cổ vũ của bạn và những người xung quanh, tôi nhận lời. Ông ghé sát tai tôi và nói, cầm lấy. Tôi nhìn xuống tay mình, một lóng ngón tay nhựa y như thật nằm gọn trong tay tôi. “Bí mật là chỗ này đó”. Tôi suyt bật ngửa và bắt đầu tiếc cho 150 ngàn đồng của mình. Trong khi đó, ông chỉ mỉm cười: Ảo thuật thật ra rất đơn giản. Hãy tìm bí mật của nó, bạn sẽ không phải trả tới 150 ngàn đâu. Tôi cũng từng “thất bại” với thầy tôi y như anh bạn.

“Thất bại”? Phải! Tôi đã đánh cược với một số tiền lớn hơn giá trị tôi nhận được. Ngay lập tức, những trò sau đó ông ta đã không thành công . Tôi chỉ phải trả 50 ngàn cho 3 trò. “Thất bại” ở cuộc chơi đầu tiên đã làm tôi tỉnh táo hơn.

Như đi tìm định nghĩa trong tình yêu, “thất bại” không có một ý nghĩa cụ thể. Có người nói “Tôi may mắn vì đã không gặp thất bại”, nhưng, một số khác lại cho rằng “may mắn đã thất bại”. Điều này tùy thuộc vào trải nghiệm thực tế của chính bạn. Đứng dậy sau mỗi thất bại là bài học kinh điển, nhưng dẫu gì, “thất bại’ cũng là điều không bao giờ là dễ chấp nhận. Thành công hơn từ thất bại hay không thành công hơn vì không thất bại là 2 câu chuyện khác nhau. Sau mỗi trải nghiệm, ta sẽ nhận ra rằng bất cứ điều gì cũng có ý nghĩa riêng của nó. Và, trong một quan điểm của cá nhân tôi, tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người.

Như một trào lưu thời trang, bất cứ câu chuyện nào về một người thành đạt ở Việt Nam thì xuất thân nghèo khó, thất bại đến ê chề trong những ngày đầu khởi nghiệp là mô típ chung cho phần dẫn chuyện. Điều này tôn vinh giá trị của sự vượt khó, trí tuệ và cả sự liều lĩnh để làm việc lớn. Nhưng, không thể không kể tới sự ảnh hưởng của một trào lưu tự truyện vốn quen thuộc với tất cả chúng ta: những người thành đạt trên thế giới đều có những khởi đầu không thể khó khăn hơn.
Đó là khi sự thất bại được thừa nhận như một thuộc tính cho thành công, và mọi người coi đó như chuyện phải có của người thành đạt. Chỉ cần quay ngược 5-10 năm về trước, không ít người thành đạt khẳng định mình chưa bao giờ thất bại. Trong một chuyên đề diễn đàn Cà phê Khởi nghiệp, doanh nhân của một công ty lớn khẳng định “chưa bao giờ thất bại”. Ông nói điều này ngay cả khi ông và 3 người bạn nữa (đều là những người được gọi doanh nhân trẻ thành đạt) gặp nhau ở một ý tưởng làm giàu để rồi cho đến giờ, ý tưởng vẫn chỉ hay trên lý thuyết.

Điều gì để họ không thừa nhận thất bại? Nhưng chỉ vài năm sau, ai cũng nhận mình đã từng thất bại?
Có sự thay đổi trong tư duy hay nhận thức về thất bại? Hay sự chuyển biến này chỉ đơn thuần là những trào lưu mà Việt Nam là một thành viên trong hệ thống hội nhập chịu ảnh hưởng?

Tôi kể câu chuyện thất bại của mình khi chưa phải là người thành công. Đó là cách duy nhất tôi có thể chia sẻ giá trị của mình và làm mình có ý nghĩa. Học theo cách thành công của người khác chưa hẳn đã thành công, nhưng nhìn thất bại của người khác có thể giúp mình tránh những thất bại. Tôi đã từng là một người sôi nổi với những đam mê, những dự tính lớn lao và sống trong chúng một cách lạc quan nhất. Giờ đây, đứng ở cái tuổi ngoài 30 này, nhìn lại và nhận ra thật nhiều điều. Steve Jobs- CEO huyền thoại của Apple từng nói: Ta không thể kết nối các sự kiện xảy ra trong tương lai nhưng có thể kết nối những sự kiện trong quá khứ. Chính nó sẽ định hình chúng ta trong tương lai”. Đúng vậy, giờ đây tôi nhận ra rằng những gì mình đang làm, đang dự định làm, đang tin tưởng để làm, đang say mê đeo đuổi đều được định hình từ những thất bại trong quá khứ.

Dẫu sao, “Thất Bại” không phải là điều ta nhắm tới mà chính sự chấp nhận thất bại như một động lực mới là tư thế của người thành công. Bài học của thất bại không bao giờ là cũ. Có rất nhiều thất bại khiến chúng ta cho rằng mình đang làm điều quá khó khăn và chúng nằm ngoài khả năng bản thân mình. Nhưng, như câu chuyện về bài học ảo thuật đầu tiên của tôi: mọi sự đơn giản trong khi người ta cứ suy nghĩ phức tạp. Chỉ cần khám phá bí mật của nó, hẳn thất bại không tìm đến ta. Bí mật của thất bại nằm sâu trong chiếc hộp và bất kỳ ai cũng có thể mở nếu tìm được chìa khóa của mình.

Theo kienthuckinhte.com