Internet marketing: Tìm lực đẩy từ trào lưu mới

Số người sử dụng Facebook tại Việt Nam cao nhất châu Á, nhưng chia sẻ, bình luận về thương hiệu, sản phẩm doanh nghiệp (DN) lại đứng hàng thấp nhất. Con số này cho thấy sự thờ ơ của DN Việt Nam trong việc tận dụng cơ hội mà bùng nổ internet và mạng xã hội mang lại.
Doanh nghiệp đứng ngoài
Theo ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook tại Việt Nam, môi trường truyền thông xã hội Việt Nam rất phát triển trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ chia sẻ thông tin, bình luận về thương hiệu trên môi trường truyền thông xã hội tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 28% (trong khi tại Thái Lan là 78%, theo thống kê từ emarketer.com 2012).
Điều này ít nhiều đã nói lên sự thờ ơ của DN Việt Nam trong vấn đề cung cấp thông tin liên quan đến thương hiệu thông qua môi trường truyền thông xã hội, cũng như chưa kích thích được cộng đồng hưởng ứng tham gia bình luận và chia sẻ về thương hiệu của mình…
Theo ước tính số liệu người dùng Facebook tại châu Á trong quý II/2012, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng người dùng cao nhất trong khu vực, bỏ xa nước đứng thứ 2 là Nhật Bản. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, trong vòng 2 năm tới, Việt Nam có thể đạt mức 16-17 triệu người sử dụng Facebook.
Vì vậy, nếu các DN Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội, sớm tham gia mạng xã hội, tận dụng sức mạnh truyền thông xã hội để phát triển các mối quan hệ, xây dựng cộng đồng thì sẽ có lợi thế rất lớn trong việc tiếp cận khách hàng và tăng doanh số bán hàng trong tương lai.
Theo ông Kim Tước, điều quan trọng nhất khi sử dụng kênh truyền thông mạng xã hội là DN cần đặt ra mục tiêu cụ thể và phù hợp, nắm rõ những cách thức để truyền thông hiệu quả đối với từng kênh mạng xã hội, có một chiến lược tiếp thị nội dung thật tốt và thường xuyên đánh giá hiệu quả bằng các công cụ đo lường.
Hiện nay, có rất nhiều công cụ truyền thông xã hội đang phổ biến tại Việt Nam mà DN có thể sử dụng như một kênh truyền thông cho mình, chẳng hạn như: Facebook, Zing, YouTube, LinkedIn, WordPress, Blogger…
Theo kịp trào lưu mới 
Số người sử dụng internet tại Việt Nam đạt hơn 32,2 triệu người, tiếp tục là quốc gia có tốc độ phát triển internet cao nhất trong khu vực. Chính vì vậy, các DN Việt Nam cần bắt kịp xu hướng bùng nổ internet để khai thác hiệu quả hoạt động e-marketing.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ Cisco Việt Nam, trong xu hướng bùng nổ internet và thời kỳ “hậu PC”, cần chú ý tới xu hướng video sẽ trở thành dòng chủ lưu trong chuyển tải thông tin qua internet và các thiết bị di động.

Số liệu của Cisco cho thấy, năm 2007, lưu lượng video chuyển tải qua internet là 36 exabyte, năm 2010 là 180 exabyte và dự báo đến 2013 là 486 exabyte (tăng 91%). Video sẽ tạo ra cách kết nối và liên kết mới của con người trong mọi lĩnh vực. Công cụ mới sẽ tạo ra các hình thức kết nối và ứng dụng mới cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực emarketing.
Trong xu thế phát triển của công nghệ đang diễn ra với tốc độ cao hiện nay, DN Việt Nam cần cách tân marketing, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động marketing để có thể mang lại hiệu quả cao.
Cisco toàn cầu đã đầu tư một cách bài bản cho internet marketing với những quy trình chặt chẽ từ khâu tìm kiếm khách hàng tiềm năng cho đến chuyển hóa thành khách hàng hiện hữu và chăm sóc sau bán hàng.
Cụ thể, một số giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cao tại Cisco như: giải pháp công nghệ hội nghị trực tuyến để tiết kiệm chi phí, giải pháp Cisco StyleMe với công nghệ Gương thời trang ảo (Virtual Fashion Mirror) cho ngành bán lẻ trực tuyến toàn cầu (eRetailer) trong tương lai gần… 
Chẳng hạn, với Gương thời trang ảo, khách hàng chỉ cần chọn quầo áo, rồi thử trên màn hình 3D ở mọi góc độ. Những cuộc cách mạng kỹ thuật số trong bán lẻ đã được nhiều công ty tận dụng, như Pepsi, Coca-Cola, hay cả các hãng thời trang như Gucci, Prada… bằng các kios màn hình cảm ứng cũng như các ứng dụng di động để giúp khách hàng tương tác với sản phẩm trước khi mua.

Theo doanhnhan.net