10 tuyệt chiêu “săn khách hàng” của SalesForce.com

SalesForce.com là một tập đoàn tiên phong trong công nghệ điện toán đám mây. Giờ đây họ đã trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực này trên toàn thế giới. Thành công trong việc bán dịch vụ vô hình này là một bí quyết quan trọng của tập đoàn này. 

SalesForce đúc kết những nguyên tắc bán hàng thành cuốn cẩm nang cho toàn bộ đội ngũ bán hàng của tập đoàn. Một vài ý tưởng trong cuốn cẩm nang này có thể không đột phá nhưng rất có ảnh hưởng nếu ứng dụng vào thực tế.

Những nhân viên bán hàng cừ khôi nhất thường là những người có năng khiếu bẩm sinh, có đam mê và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc làm việc.
1. Hãy nghĩ lớn
Hãy nghĩ lớn khi bạn lên chiến lược với khách hàng và tập trung toàn bộ vào nhu cầu của họ, kể cả những nhu cầu có thể sẽ phát sinh, chứ không phải chỉ là nhu cầu ngay trước mắt. 
Nghĩ lớn (đến lợi nhuận và mục đích) khi gửi đề xuất cho khách hàng của mình. Hãy làm cho họ cảm thấy phấn khích khi được kết nối với môt tầm nhìn vĩ mô. Hãy suy nghĩ rộng hơn so với những cơ hội đã có trong quá khứ.
Tương tự, hãy cư xử như thể công ty của bạn đã lớn mạnh, kể cả khi nó chưa như vậy. Khi Salesforce bắt đầu, khách hàng lớn nhất sử dụng 500 tài khoản, khách hàng trung bình chỉ có khoảng 20 tài khoản. 
Chúng tôi nói với họ về thông tin ấy, nhưng chúng tôi tập trung vào vị trí mà công ty đang hướng tới, và làm thế nào để từ bây giờ – khi ngành công nghiệp này đang dần biến đổi và Salesforce là những người khởi xướng – khách hàng đã phải mua sản phẩm của họ.
2. Hợp đồng là nỗ lực của cả nhóm
Hợp đồng thành công là thành quả của rất nhiều người. Hãy tin vào những cộng sự của bạn và cùng chia sẻ, cùng thắng lợi. Hãy để những người trong nhóm của bạn cùng chi sẻ rủi ro và trong hầu hết các trường hợp, việc này sẽ giúp bạn bán được nhiều hàng hơn. 
Nhóm kinh doanh chuyên nghiệp của Salesforce thường xuyên tổ chức các buổi “thay đổi thông tin tài khoản”, nơi những người quản lý tài khoản giới thiệu về các hợp đồng mà họ đang thực hiện và cùng suy nghĩ về những gì họ muốn xây dựng và những thách thức tiềm ẩn.
3. Kết nối 
Đừng bao giờ thực hiện một cuộc gọi chỉ vì mục tiêu lợi nhuận! Đừng bao giờ thực hiện một cuộc gọi ngẫu nhiên, không hẹn trước; hãy luôn thực hiện một cuộc gọi với một kế hoạch. 
Hãy tìm hiểu về công ty đó và sử dụng các mối quan hệ của bạn để tìm ra đúng những người cần tiếp cận. Đội ngũ kinh doanh của Salesforce luôn sử dụng mạng lưới theo cách mà người ta vẫn sử dụng mạng lưới quan hệ kinh doanh trên Linkedln, đặc biệt là khi cần tiếp cận với lãnh đạo hoặc ban giám đốc. 
Bằng việc kết nối trực tiếp với lãnh đạo, khách hàng và đối tác hầu như không có hợp đồng nào được ký kết mà không thông qua những người đóng vai trò liên kết như vậy.
Ví dụ, khi cố gắng thu phục CIT trở thành khách hàng của mình, Salesforce nhận ra là Gary Butler, CEO của ADP, một khách hàng của Salesforce, cũng thuộc hội đồng quản trị của CIT. 
Vậy là Salesforce tiếp cận với Gary, và ông này đã giới thiệu chúng tôi với CIT. Cuộc gặp đầu tiên giữa Salesforce và CIT là cuộc gặp với giám đốc điều hành đồng thời là chủ tịch của họ, Jeffrey Peek. 
Thông qua kết nối các mối quan hệ, Salesforce đã giành được những có hội tưởng như không thể để lên đến cấp độ “cao” trong lĩnh vực bán hàng qua điện thoại. Kết quả của thành công này là thương vụ hàng nghìn người sử dụng và quá trình bán hàng vô cùng ngắn.
4. Tập trung vào câu hỏi “Tại sao không?”
Mọi người thường nghĩ đến những lý do khiến một hợp đồng được ký kết, nhưng sẽ khôn ngoan hơn nếu tập trung vào các lý do khiến hợp đồng KHÔNG được ký kết. 
Hãy nghĩ đến 5 hoặc 6 vấn đề có thể là trở ngại cho việc ký hợp đồng. Sau đó phác thảo cách bạn sẽ ứng phó trong những trường hợp ấy trước. Tập trung vào câu hỏi “Tại sao?” khiến bạn trở nên nổi trội so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng tập trung vào câu hỏi “Tại sao không?” giúp bạn tạo ra được những lợi thế đáng kể để đánh bại họ.
5. Kết thúc hợp đồng trên bàn làm việc
Nếu một hợp đồng đã sẵn sàng, hãy ký kết ngay. Điều này giúp loại bỏ nhiều nguy cơ. Gần đây, khi nhận thấy một hợp đồng trị giá nhiều triệu đô-la có nguy cơ bị hủy bỏ, Salesforce đã làm mọi cách để tạo ra một tình huống cấp bách khiến cho hợp đồng phải được ký kết ngay. Salesforce đã làm tốt: hai tuần sau, CIO, đồng thời là người quản lý dự án với Salesforce đã rời khỏi công ty, nhưng trước đó, hợp đồng đã được ký kết. 
Lẽ ra Salesforce có thể tiếp tục đàm phán để có được hợp đồng lớn hơn, nhưng họ đã quyết định thà ký được hợp đồng nhỏ hơn còn hơn là không gì hết.
6. Có mặt kịp thời, đúng lúc
Bạn không thể biết mọi thứ về khách hàng của mình chỉ bằng các cuộc gọi điện. Hãy đến thăm nơi làm việc của khách hàng – thường xuyên. Điều đó thắt chặt mối quan hệ giữa bạn và khách hàng, khiến họ tin tưởng bạn và tạo ra một sự tương tác.
Phải nắm được các khách hàng sử dụng dịch vụ của bạn như thế nào. Phải biết bạn nên đến bộ phận nào, làm việc với ai và tại sao. Tập hợp những tin đồn giữa hai bên và sử dụng những thông tin ấy để xây dựng sự tin tưởng của khách hàng tiềm năng.
7. Chuẩn bị trước các giấy tờ
Đừng mải chạy theo với hợp đồng mà quên mất các giấy tờ, hồ sơ. Bạn sẽ phải trả giá vì điều đó.
8. Đàm phán công bằng
Người bán hàng tài ba là người có đủ tự tin để nói “không” trong đàm phán. Nên cân nhắc mọi thứ trước khi bạn quyết định nói đồng ý với bất cứ điều khoản nào. 
Đề nghị khách hàng mở thêm tài khoản sử dụng, cụ thể là ngày ký kết hoặc một cuộc họp báo công bố về hợp đồng. Tiết lộ thông tin về những hợp đồng mới trên báo chí, ví dụ như hợp đồng với SunGard, giúp Salesforce có được vị thế và tiềm năng hợp tác với các công ty và tổ chức tài chính khác. 
Hợp đồng với SunGard đã chứng thực dịch vụ của Salesforce là đáng tin cậy và an toàn, và giúp họ có được hợp đồng với công ty tiếp theo, công ty dịch vụ tuyển dụng lớn mạnh ADP. (Thông tin có thể tiết lộ về bản hợp đồng là lý giải tại sao công ty đó lại chọn dịch vụ của bạn và bạn đã đánh bại được những đối thủ nào. Tuy nhiên thông tin về giá trị hợp đồng thì không được tiết lộ.)
9. Chia sẻ giây phút chiến thắng
Ăn mừng chiến thắng – và hãy học hỏi từ những thành công ấy. Hãy gửi những bức thư điện tử chúc mừng và những báo cáo tuyệt vời đến mọi thành viên trong nhóm, để họ biết rằng họ đã làm được những gì và tiếp tục sử dụng cách thức đó trong những thương vụ tiếp theo.
10. Đi tiếp
Hãy nỗ lực giành được những hợp đồng mà có thể giúp công ty của bạn bước lên một cấp độ mới. 
Các hợp đồng ấy chính là những cuộc cách mạng trong tiến trình phát triển của doanh nghiệp. Chúng chứng minh rằng công ty đã bán được những mô hình bán hàng và thách thức mọi người bước tiếp đến thứ bậc cao hơn như chinh phục những khách hàng lớn hơn.

Theo doanhnhan.net