Trước thập niên 90, khái niệm “tài sản” được nhiều người biết đến chỉ bao gồm tiền tệ và vật chất. Trong nền kinh tế hiện đại, nhiều quốc gia nhất là các quốc gia phát triển đang hướng tới một nền kinh tế dựa trên tri thức (thông tin và công nghệ), do đó khái niệm này được thay đổi, “tài sản” không chỉ là tiền, vàng, nhà xưởng, xe cộ … mà nó bao gồm cả tài sản vô hình, trong đó có tài sản trí tuệ.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ thì tài sản trí tuệ được hiểu là bao gồm tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh và giống cây trồng mới. ..Nó chính là sản phẩm của hoạt động trí tuệ, tồn tại dưới dạng các thông tin, tri thức.
Theo nguồn gốc phát sinh thì tài sản trí tuệ được chia thành ba nhóm sau đây:
1/ Các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật, có bản chất khoa học- kỹ thuật, bao gồm: các sáng chế, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, các bản vẽ, bản thiết kế, công thức, dữ liệu tính toán, dữ liệu thử nghiệm, phần mềm máy tính, cơ sở dữ liệu, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, đồ án quy hoạch, sơ đồ bố trí và giống cây trồng…
2/ Các sản phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật, bao gồm: các tác phẩm văn học, âm nhạc, hội hoạ, mỹ thuật ứng dụng, sân khấu, điện ảnh; các cuộc biểu diễn, trình diễn, các sản phẩm ghi âm, ghi hình…
3/ Các sản phẩm sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, thương mại: bí mật thương mại, tên thương mại, nhãn hiệu, tên miền,…
Tài sản trí tuệ có liên quan đến rất nhiều khía cạnh trong kinh doanh, vì vậy nó đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển doanh nghiệp.
Thứ nhất, tài sản trí tuệ là nhân tố quyết định sự gia tăng giá trị của sản phẩm, dịch vụ cũng như giá trị của doanh nghiệp và của toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia. Chẳng hạn, theo Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ thì khối tài sản trí tuệ trong các doanh nghiệp Mỹ (không kể ngành tài chính) đã đóng góp 30% thu nhập của các doanh nghiệp vào giữa thập kỷ 80 thế kỷ trước, và đã tăng lên thành 48% vào năm 2000.
Thứ hai, tài sản trí tuệ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong kết cấu giá trị của doanh nghiệp. Chẳng hạn: Chỉ tính riêng giá trị của nhãn hiệu trong khối tài sản của doanh nghiệp đã cho thấy con số này rất lớn.
Ví dụ: giá trị của một số nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới năm 2008 như Nhãn hiệu “Microsoft” là 59,007 tỉ USD; nhãn hiệu “IBM” là 59,031 tỉ USD; nhãn hiệu “Coca Cola” là 66,667 tỉ USD (Nguồn: Cục SHTT).
Thứ ba, tài sản trí tuệ là một loại vốn (vốn trí tuệ) của chu trình sản xuất. Nếu như tài nguyên thiên nhiên là nguồn lực hữu hạn, thì tài nguyên trí tuệ lại là nguồn lực vô hạn. Trong tương lai, người ta có thể khai thác nguồn lực này dưới góc độ các sản phẩm trí tuệ hoặc các sản phẩm vật chất có hàm chứa trí tuệ và khai thác nó một cách hữu hiệu.
Có thể nói, tài sản trí tuệ ngày nay có giá trị vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp. Hiện nay, tại Việt Nam cũng đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản trí tuệ như: định giá, góp vốn, liên doanh, cổ phần hóa, mua bán doanh nghiệp…Chẳng hạn như: Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – VINASHIN, Tổng công ty xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam – VINACONEX, Tổng công ty VIGLACERA…
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này các quy định về việc thực hiện góp vốn, liên doanh bằng tài sản trí tuệ cũng như công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch đó vẫn còn bỏ ngỏ, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn nên các giao dịch liên quan đến tài sản trí tuệ vẫn mang tính chất thăm dò.
Hiện nay Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đều ghi nhận quyền góp vốn, đầu tư bằng giá trị tài sản trí tuệ nhưng không có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các quyền đó bằng cách nào và theo thủ tục nào. Bộ luật Dân sự thì quy định các nguyên tắc chung về các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản nói chung nhưng không có quy định riêng áp dụng cho tài sản trí tuệ trong khi Luật Sở hữu trí tuệ (luật chuyên ngành) chỉ quy định nội dung bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ mà không đề cập cụ thể đến các khía cạnh dân sự, thương mại của tài sản trí tuệ.
Đây là một vấn đề rất bức xúc trong doanh nghiệp hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nhà nước hiện đang xúc tiến việc chuyển đổi thành công ty cổ phần. Các doanh nghiệp này đang mong muốn Chính phủ, các cơ quan ban ngành liên quan có văn bản hướng dẫn việc thực hiện góp vốn, liên doanh bằng tài sản trí tuệ cũng như công nhận giá trị pháp lý của các giao dịch đó. Không chỉ có các công ty trong nước mà cả các công ty nước ngoài cũng đã đề nghị Chính phủ phải có văn bản hướng dẫn về vấn đề trên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư, thị trường sản xuất kinh doanh.
Tại Hội thảo “Sở hữu trí tuệ dành cho các nhà báo” được tổ chức tại TP.HCM ngày 23/4/2009, đại diện Công ty cổ phần Đình Quốc cũng cho rằng, Nhà nước cần phải gấp rút đưa các quy định về tài sản trí tuệ vào danh mục tài sản của doanh nghiệp và công nhận trong luật để doanh nghiệp có cơ hội khuếch trương tài sản trí tuệ của mình.
Tài sản trí tuệ là một phương tiện đầu tư, kinh doanh quan trọng trong nền kinh tế thị trường và là công cụ để phát triển doanh nghiệp. Ngày nay, không chỉ có doanh nghiệp nước ngoài mà các doanh nghiệp trong nước đang ngày càng nhận ra giá trị hiện thực của loại tài sản trí tuệ và mong muốn sử dụng những lợi thế của nó trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để phát triển kinh tế – xã hội. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng khung chính sách, pháp luật cần thiết cho sự vận hành của thị trường tài sản trí tuệ, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp tiến hành khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ một cách hữu hiệu.
Theo bansacthuonghieu.com