Adidas học mót chiêu thức tiếp thị của Nike

Ba golf thủ Dustin Johnson, Jason Day và Sergio Garcia, tất cả đều mặc cùng một mẫu áo sơ mi ngay trong vòng đầu tiên của giải Masters diễn ra hôm 11/4. 
Trang Business Insider nhận định, chắc chắn đây không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà là một bước đi có tính toán cặn kẽ của Adidas, trước đối thủ sừng sỏ Nike.
Olympic hè năm ngoái, Nike đã quyết định làm ra 400 đôi giày cho các vận động viên “gà nhà”, trong đó có cả vận động viên chạy Mo Farah. Vận động viên chịu sự tài trợ của Nike thì dĩ nhiên đi giày Nike. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu hãng này không khiến cho cả 400 đôi giày cùng một tông xanh chói chang, bắt mắt đến nỗi dù không phải nhà tài trợ chính thức của Olympics mà hình ảnh của Nike còn lấn át vô số những tên tuổi khác.
Trang Ad Age đã có bài bình luận về hiện tượng này: Những đôi giày giày chạy Flyknit sặc sỡ như ánh đèn neon chính là cách mà Martin Lotti – Giám đốc Sáng tạo của Nike – tạo nên một “Team” (Đội) cho riêng mình. Trước Thế vận hội 2012, các hãng đều tạo ra một diện mạo riêng cho mỗi vận động viên, miễn là có gắn chung một logo. Nhưng năm nay, hàng trăm vận động viên đến từ các quốc gia khác nhau lại cùng tông xuyệt tông, đó chính là cái mà ngài Lotti gọi là “cách thức dễ nhất” để thu hút sự chú ý. Bằng cách này, Nike thậm chí còn “đá nhẹ” vào chính sách nghiêm cấm sử dụng hình ảnh Olympic trong quảng bá tiếp thị được áp dụng lên tất cả những nhà tài trợ phi chính thức của giải. Mặc cho Coca-Cola, Visa hay McDonald’s liên tục ca thán để đề phòng các nhà tài trợ phi chính thức ăn theo Olympic, Nike không cần bất cứ một hình ảnh nào liên quan đến Olympic mà vẫn có thể tạo ra một làn sóng tiếp thị thậm chí còn tốt hơn. Việc làm này của Nike đã nhận được sự khen ngợi của nhiều chuyên gia, chẳng hạn Kent Grayson – GS Marketing tại Viện Quản lý Kellogg trực thuộc Đại học Northwestern – cho rằng hãng sản xuất đồ thể thao danh tiếng của nước Mỹ đã đi trên dây một cách thành công.
Nay đến lượt Adidas học hỏi tức thì đối thủ của mình, nhưng trên một quy mô nhỏ hơn tại gải đấu Masters. Bằng việc đặt những chiếc áo cùng tông khoác lên người Johnson, Day và Garcia, Adidas cũng tạo ra một “Team” của riêng mình. Như hiệu ứng Nike đã từng ra hồi ở Olympic, Adidas đã tạo ra một chương mới trong chiến lược tiếp thị của mình. Thay vì vẽ cho mỗi người một màu sắc khác nhau, tất cả giờ đang quy chung về một mối. Có thể nhiều người sẽ cảm thấy “kỳ kỳ” khi các đấng máy râu lại đi mặc “áo đôi, áo ba”, nhưng chắc chắn nó sẽ tạo ra một hiệu ứng tiếp thị đập vào mắt. Và giờ người ta đang chờ xem liệu cuối tuần này hai ngôi sao của giải đấu Tiger Woods và Rory McIlroy hiện đang dưới trướng quảng cáo cho Nike có tiếp nối chiến lược tiếp thị mà hãng đã khởi đầu tại Olympic 2012 và liệu những vận động viên “thương hiệu” này có thể thực sự mang lại hiệu quả tiếp thị cho Nike hay không.
BrandRepublic.com cho biết, có đến 7,7% những cuộc trò chuyện trên internet về Olympic 2012 là nhắc đến Nike, trong khi Adidas là 0,49%. Điều này cho thấy, chỉ cần bạn có thương hiệu hay tạo ra được thương hiệu, bạn sẽ không cần phải đặt để có được một chỗ ngồi đẹp trên bàn tiệc.

Theo hoidoanhnhan.vn