Nghệ nhân Thành đất sinh năm 1961 tại làng Yên Sở, Hà Nội. Xuất ngũ, anh về làm cán bộ ở Ban giải phóng mặt bằng quận Hai Bà Trưng. Những tưởng anh sẽ yên phận với công việc ổn định nhưng rồi nghề cây cảnh đã thu hút và bén duyên anh tự lúc nào!
Ấy là khi có một vườn cảnh được di chuyển từ Văn miếu Quốc Tử Giám về gần cơ quan anh công tác, những lúc mệt mỏi anh thường ghé sang chơi. Nghe các bậc tiền bối bàn luận thế cây mà anh thấy thấm thía tận gan ruột những giá trị nhân văn ẩn chứa trong đó. Ban đầu anh chưa hề nghĩ đến việc kinh doanh cây, chỉ biết rằng tinh thần chơi cây lúc đó thật cao và thú chơi cây thật tao nhã. Ở thời điểm đó kinh tế còn khó khăn, việc chơi cây cảnh được coi là xa xỉ, anh bèn lẳng lặng giấu vợ mua gom phôi cây, miệt mài chế tác. Cứ thế từ lúc nào bộ sưu tập của anh từ ít thành nhiều và ngày một phong phú. Sau hơn 20 năm dồn hết tâm sức và trí tuệ, giờ trong tay anh đã có cả một kỳ viên triệu đô đáng mơ ước.
Thành Công Kỳ viên có diện tích hơn 3.000m2, là nơi tập hợp gần 300 cây cảnh quý với sự phong phú của nhiều chủng loại như : Tùng, sung, sanh, lộc vừng, nguyệt quế, tường vi, vọng cách, đa, đề, du… Trong đó tùng là loại cây anh thích nhất và cũng chiếm số lượng nhiều nhất. Điều đặc biệt là có nhiều cây đã có tuổi đời hàng trăm năm và thuộc hàng độc khó có thể định giá. Trong dịp đại lễ Nghìn năm Thăng Long, nghệ nhân Nguyễn Trọng Thành là người duy nhất được Nhà nước cấp phép triển lãm trong vòng một tháng. Thời gian đó vườn cảnh của anh đã đón tiếp gần 1 vạn khách đến tham quan, giao lưu.
Anh chia sẻ để có được lượng cây lớn như hiện tại anh phải đi sưu tầm ở khắp các tỉnh thành và nước ngoài. Có lần phải dậy từ 2 giờ sáng để đi săn cây vì chỉ chậm chân một phút thôi sẽ có người khác mua mất. Nhiều cây ban đầu anh mua chỉ mấy chục triệu nhưng sau vài năm chăm sóc, biến chúng thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì giá bán có thể lên tới hàng tỷ đồng.
Cây Tùng La Hán cổ thụ 300 năm tuổi dáng Thanh Tùng ngạo tuyết là điểm nhấn nổi bật của khu vườn
Anh tâm sự hơn 20 năm gắn bó với cây cảnh, nhiều lúc cũng lên xuống với nghề nhất là ở thời điểm kinh tế suy thoái nhưng anh chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Cách đây mấy năm, anh đã quyết định bán căn nhà trên phố để rinh về một cây Tùng La Hán với tuổi đời hơn 300 năm. Giờ có người trả giá gấp mấy lần nhưng anh chưa muốn bán. Thế mới biết làm giàu không thể thiếu tính quyết đoán và sự liều lĩnh.
Có thể nói cái tên Thành đất cực kỳ nổi trong giới chơi cây ở Hà Nội. Người ta nói nhiều đến kỹ thuật cắt, chuyển, chuyền, giật và đặc biệt là làm cành rớt đã đạt đến trình độ tinh xảo của anh. Anh chia sẻ để có được những kiến thức đó đều do anh dày công nghiên cứu sách cổ, mạng Internet, học hỏi các bậc cha chú đi trước và tự tay trải nghiệm.
Theo anh chơi cây còn khó hơn cả người họa sĩ vẽ tranh. Vì mỗi cây là một tác phẩm nghệ thuật thể hiện ý niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, hướng con người đến chân, thiện, mỹ trong cuộc sống. Muốn làm được một tác phẩm cây đẹp người chơi cần kiên trì, sáng tạo, bản lĩnh, am hiểu kĩ thuật nông nghiệp đặc biệt là có trí tưởng tượng phong phú. Vì ngay từ khi mua phôi về đã phải tưởng tượng xem mình sẽ tạo dáng cho cây theo thế nào.
Chơi cây còn cần phải có một quỹ đất rộng để trưng bày. Anh rất tâm đắc câu “nhất thổ nhì mộc”, tức đầu tiên là phải tích đất. Anh cho biết: “Cũng nhờ việc chơi cây mà anh có được vườn đất rộng như hiện nay, vừa được chơi cây thỏa mãn niềm đam mê, vừa có đất rộng lại vừa sinh lợi nhuận thì còn gì bằng”.
Anh kể thời gian cây cảnh lên ngôi, một số bạn trẻ lao vào mua ồ ạt không định hướng nhằm kinh doanh lấy lời. Tuy nhiên hầu hết sau đó đều thất bại. Anh muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ đang khao khát làm giàu bằng cây cảnh: “Chơi cây là cả một nghệ thuật, buôn nghệ thuật không hề dễ. Hãy làm một tác phẩm thật đẹp, trước hết là cho mình đã, đừng vội vàng chuyển nhượng vì cây càng nhiều tuổi càng có giá trị”.
Anh cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm mua cây là hãy đi thật nhiều, ngắm thật tỉ mỉ nhưng phải chọn lựa thật kỹ lưỡng. Hãy chọn những cây độc đáo nhất, có tuổi đời cao sau đó về cải tạo theo lối chơi của từng vùng miền. Đừng tham mua nhiều bởi quỹ đất của chúng ta có hạn.
Theo anh chơi cây là một thú chơi tao nhã nhất, đáng chơi nhất bởi nó chứa đựng trong đó những triết lý nhân văn sâu sắc. Sở dĩ anh đặt tên cho vườn cảnh của mình là Thành Công Kỳ Viên là bởi anh muốn con trai mình sẽ kế nghiệp bố, tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa mà anh đã gây dựng.
Muốn thành công trong nghề chơi cây cảnh thì niềm đam mê và tâm huyết là yếu tố quan trọng nhất. Anh nói tôi sẵn sàng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mình có cho các bạn trẻ muốn làm giàu từ cây cảnh. Mong sẽ có thêm nhiều “Thành Công Kỳ Viên” hơn nữa để làm đẹp cho người, cho đời.
Theo Kienthuckinhte