Chiến lược Chiến lược của SabetranSJC

Chiến lược của SabetranSJC

11
Sabetranjsc được cổ phần hóa vào năm 2005 và ông Nguyễn Quang Tiếp được giao chức vụ Tổng giám đốc. Đánh dấu cho bước chuyển mình ấy chính là việc đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) với 7 kỹ sư tin học, trong đó có những kỹ sư hàng đầu TP.HCM. Nếu mọi người biết được rằng, xuất thân của Sabetranjsc là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hẳn sẽ bất ngờ trước sự chuyển mình theo hướng khá “lạ lẫm” này. 

Chiến lược tiết kiệm chi phí 

“Những ngày đầu khi mới tiếp quản Sabetranjsc, tài sản mà chúng tôi có được là 21 chiếc xe Kamaz được Tổng công ty giao cho, cộng với một đội ngũ nhân sự vừa mỏng lại quen với cách làm cũ. Năng lực vận tải của Sabetranjsc lúc đó chiếm chưa quá 15% sản lượng của Sabeco”, ông Tiếp bắt đầu câu chuyện. 
Và như quy luật tất yếu của sự chuyển mình, Sabetranjsc gặp vô vàn khó khăn. “Khi chúng tôi thuyết phục các cổ đông đầu tư vào Sabetranjsc, họ e ngại. Lý do thì có vô vàn, chẳng hạn như việc không quản lý được đội ngũ tài xế của xe dẫn đến không đảm bảo được tiến độ”, ông Tiếp kể. 
Tuy nhiên, vị “thuyền trưởng” này vẫn kiên trì thuyết phục, xoay trở để “con tàu” Sabetranjsc vượt qua những thách thức ban đầu. Khi đã nhìn thấy được đường đi và nhu cầu, ông Tiếp mạnh mẽ hơn trong việc đầu tư vào “viên gạch nền” trong lĩnh vực vận tải, đó chính là IT. Ngành vận tải có đặc thù riêng, ông Tiếp chia sẻ: “Nếu người quản lý không nắm được lộ trình vận hành của một chiếc xe, không biết được tài xế của mình đang ở đâu, làm gì…, thì chi phí sẽ đội lên kinh khủng”. 
Ông đưa ra một ví dụ hết sức cụ thể: Chẳng hạn, quy định thay nhớt là khi xe chạy đến 5.000 km. Anh làm sao biết được tài xế tuân thủ quy định này? Nếu họ thay sớm hơn anh bị thiệt về chi phí cho nhiên liệu, ngược lại, anh sẽ phải bù cho chi phí bảo trì. Vậy cách nào để kiểm soát được, chỉ có một cách duy nhất là xây dựng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho từng chiếc xe và giải pháp chính là ứng dụng công nghệ thông tin. 
Đưa chúng tôi tham quan Phòng Nghiên cứu và Phát triển, ông Tiếp tự hào cho biết: “Nếu các anh cần biết cụ thể một chiếc xe thuộc đội xe của Sabetranjsc miền Bắc đang ở lộ trình nào, màn hình máy tính trung tâm sẽ hiển thị ngay lập tức lên màn hình cho mọi người thấy”. Và quả thực, chúng tôi đã được “mục sở thị” ngay tại chỗ lời cam kết của ông. 
Hiện tại, ở Sabetranjsc, tất cả các công việc, quy trình đều được quản lý online và cập nhật theo ngày, kể cả việc khi nào in giấy 1 mặt hay 2 mặt vẫn được lập trình một cách nghiêm túc. Tất cả những chứng từ, lệnh vận chuyển hay bất kì thông tin nào đều được cập nhật đầy đủ. “Điều này sẽ tạo ra một sự nhẹ nhàng trong quản lý. Không ai cãi nhau vì được trưng ra sự thật hiển nhiên. Do vậy, văn hóa tự giác, nghiêm túc tự khắc sẽ hình thành. Và đây chính là một mắc xích quan trọng để tiết kiệm chi phí”, ông Tiếp chia sẻ. 

Hướng đến doanh nghiệp vận tải hàng đầu Việt Nam

Trong tháng 12/2010, Sabetranjsc nâng tổng số đầu xe lên 250 chiếc nhằm mở rộng quy mô hoạt động, với sản lượng vận chuyển đáp ứng được 1,5 tỷ lít/năm. Tầm hoạt động của Sabetranjsc hiện đang bao phủ cả nước và hơn 95% lượng hàng hóa được vận tải hai chiều, từ việc vận chuyển hàng hóa thành phẩm (bia, rượu…) đến vận tải vật tư (vỏ, két bia…) để tối đa hóa năng suất hoạt động của đội xe. Lợi thế cạnh tranh của Sabetranjsc trong ngành vận tải là nhờ chi phí giá thành rẻ so với mức trung bình ngành. Cụ thể giá thành nhiên liệu của Công ty luôn ở mức tối đa 32% trong khi mức bình quân ngành là 40%. 
“Mục tiêu chiến lược của Sabetranjsc trong những năm tới là trở thành một doanh nghiệp vận tải hàng đầu của Việt Nam, doanh nghiệp vận tải chuyên nghiệp của Sabeco, có năng lực cạnh tranh cao trên tất cả các mặt và có hiệu quả kinh doanh cao nhất, giữ vững vị trí là đơn vị vận chuyển chủ đạo và phục vụ Sabeco tốt nhất”, ông Tiếp bật mí về chiến lược. 
Để làm cơ sở để đánh giá khả năng thực hiện chiến lược phát triển của Công ty, Ban lãnh đạo Sabetranjsc đã đề ra ba tiêu chí, một là, vận chuyển 70% các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát và vật tư, nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy, đơn vị hợp tác sản xuất trong toàn hệ thống Sabeco; hai là, có chất lượng dịch vụ vận tải (logistics) nhanh chóng, hiệu quả và an toàn nhất; ba là, phương tiện vận chuyển mới, đẹp, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn bảo vệ và thân thiện với môi trường. 

Chiến lược dự phòng 
Làm nên thành công và hiệu quả của Sabetranjsc, ông Tiếp thừa nhận rằng đó chính là sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thương mại Sa Be Co. Trong cơ cấu doanh thu của Sabetranjsc thì việc chuyên chở các sản phẩm của SABECO lên đến 90%. Vừa qua, Công ty TNHH MTV Thương mại Sa Be Co đã tổ chức hội nghị khách hàng để kỷ niệm cột mốc phân phối 1 tỷ lít bia. Đây chính là yếu tố chính giúp doanh thu của Sabetranjsc trong năm 2010 hoàn thành sớm hơn kế hoạch. 
“Sabetranjsc có một sự may mắn khi giá nhiên liệu trong thời gian gần đây có dấu hiệu giảm. Hơn thế, nhà nước có chính sách kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp khiến chúng tôi cũng được hưởng lợi. Nhưng điều quyết định là sản lượng do Công ty TNHH MTV Thương mại Sa Be Co phân phối tăng trưởng nhanh”, ông Tiếp chia sẻ. 
Theo cam kết của Công ty TNHH MTV Thương mại SaBeCo, năm 2011 sản lượng tiêu thụ của họ sẽ đạt mức 1 tỷ 200 triệu lít bia. Dự kiến đến 2015 sẽ là 2 tỷ lít bia. Và đó là một cơ sở để Sabetranjsc tiếp tục phát triển. 
Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề: Giả sử nếu sản lượng bia do Sa Be Co phân phối bị giảm đi, thì ảnh hưởng đến cơ cấu lợi nhuận của Sabetranjsc, ông Tiếp thừa nhận thách thức này: “Đó chính là băn khoăn của lãnh đạo Công ty về mặt dài hạn. Trong chiến lược phát triển đến năm 2013, thì doanh thu trong việc vận chuyển cho Sabeco chỉ chiếm 60% trên tổng doanh thu của Sabetranjsc, tỷ lệ phần trăm doanh thu còn lại sẽ được Công ty mở rộng kinh doanh vận tải ra các đối tác bên ngoài Sabeco. Đây là định hướng nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào Sabeco mà Đại hội đồng cổ đông của Sabetranjsc đã thông qua”. 
Cụ thể hóa cho chiến lược dự phòng nêu trên là, hiện Sabetranjsc đang vận chuyển khoảng 12-13% tổng sản lượng của Vinamilk và phấn đấu đạt mức hợp đồng vận chuyển khoảng 25% sản lượng của công ty này, đang trong giai đoạn hoàn tất việc chốt con số vận chuyển hàng hóa hàng năm với Tập đoàn Cao su Việt Nam. Trong năm 2011, Sabetranjsc sẽ tiếp tục vận chuyển 100% sản lượng nước ngọt Chương Dương khoảng 50 triệu lít, vận chuyển 50 triệu lít trong tổng số 120 triệu lít của nước ngọt Pepsi.
Từ mà ông Tiếp dùng để chia sẻ với chúng tôi chính là “hãy tự xoay trở nếu không có sự hậu thuẫn tích cực. Và để đảm bảo lợi nhuận cam kết với cổ đông, chúng tôi phải đi tìm những dịch vụ mới, sản phẩm mới để tăng trưởng. Chắc anh đã biết Apple luôn luôn tạo ra sản phẩm mới để tăng doanh thu?”, ông Tiếp đặt vấn đề “Trong chiến lược đi của Sabetranjsc, chúng tôi đã nhắm đến những yếu tố như vậy”. 

Chuẩn hóa dịch vụ

Một điểm nhấn đặc biệt để Sabetranjsc bảo đảm nguồn doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ổn định trong tương lai gần là Công ty đang tiến hành đầu tư dự án bất động sản tại trụ sở 78 Tôn Thất Thuyết, quận 4, TP.HCM, để khai thác hiệu quả giá trị khu đất mà Sabetranjsc được quyền sử dụng. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng và diện tích xây dựng khoảng 12.000m², được hợp tác đầu tư với Tập đoàn Trung Thủy để xây dựng khu cao ốc 33 tầng gồm 6 blocks dành cho văn phòng, căn hộ cho thuê và một trường học. Lợi nhuận chia từ dự án này được Sabetranjsc dự báo tối thiểu vào khoảng 25% trên tổng vốn đầu tư.
Chia sẻ về quyết định này và giải đáp băn khoăn cho chúng tôi liệu rằng quyết định trên có khiến Sabetranjsc xa rời năng lực kinh doanh cốt lõi của mình hay không, ông Tiếp cười vang rồi phân tích: “Đúng là có băn khoăn đó. Tuy nhiên, đầu tư vào bất động sản tại vị trí đất mà mình đang có quyền sử dụng chính là việc tăng giá trị và tìm kiếm thêm lợi nhuận cho Công ty. Anh nên nhớ rằng, chúng tôi còn cam kết chia cổ tức 40% mỗi năm cho cổ đông cho đến năm 2013. Và lợi tức thu được từ dự án này chính là ‘quỹ dự phòng’ hiệu quả để đảm bảo lợi ích của cổ đông”. 

Khi chúng tôi đưa ra những câu hỏi tiếp theo về định hướng phát triển, một thoáng trầm ngâm rồi ông chia sẻ tiếp: “Thực ra, tôi đang có những dự định đi càng sâu vào ngành vận tải và dịch vụ logistics càng tốt. Bởi anh biết rằng, mỗi người chỉ có khả năng giỏi một lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Một tổ chức cũng vậy, nó cần phải tập trung vào năng lực cốt lõi của nó”.
Thông tin mà chúng tôi có được, hiện tại Sabetranjsc đã tiến hành đi mua đất ở một số địa phương như: Hà Nam, Quảng Ngãi… nơi có trụ sở của Sabetranjsc các miền đang đóng tại đó. Lý do mà ông Tiếp đưa ra là: Đến một lúc nào đó, các công ty sản xuất nước uống và thực phẩm sẽ không đủ kho bãi để chứa hàng hóa. Mình có năng lực vận tải tại sao lại không kết hợp với lĩnh vực kinh doanh này? Cũng theo ông Tiếp, hiện tại ở Việt Nam nhu cầu kho bãi là rất lớn. Tuy nhiên, mảng thị trường này còn trống và phần lớn kho bãi là do các công ty sản xuất tự xây dựng để phục vụ cho chính họ, chưa hề có một công ty dịch vụ nào đáp ứng nhu cầu này. Và ông Tiếp tin rằng “Sabetranjsc với năng lực của mình sẽ là một trong những công ty đầu tiên làm được chuyện đó”. 
Những ngày này, ông Tiếp đang thúc đẩy công việc xây dựng quy trình quản lý ISO 9001:2008 cho Công ty. Lý giải về điều này, ông cho biết: “Đó là quy luật tất yếu phải chuẩn hóa dịch vụ. Mình là công ty dịch vụ muốn thuyết phục khách hàng không thể đứng ở ngã tư đường để gào lên rằng mình tốt mà cần phải có sự chứng nhận của bên thứ ba”. Chúng tôi hiểu, ông đang chuẩn bị những “viên gạch nền – phiên bản 2.0” cho Sabetranjsc tiếp tục cất cánh sau lần “cất cánh” đầu tiên của đợt cổ phần hóa năm 2005. 

Xây dựng văn hóa công ty

Nhân lực, đó là chiến lược quan trọng tại Sabetranjsc, vì xây dựng tập thể đoàn kết và chất lượng là yếu tố sống còn của mỗi doanh nghiệp. Khi nhắc về ông Văn Thanh Liêm, Chủ tịch HĐQT Sabetranjsc, ông Tiếp dùng những mỹ từ hết sức trân trọng để nói về vị lãnh đạo này. Theo ông Tiếp, Sabetranjsc có được sự thành công hôm nay là công lớn thuộc về ông Liêm. 

“Anh Liêm là người quyết đoán và có tầm nhìn xa. Chính anh ấy là người ủng hộ mạnh mẽ sự đầu tư vào Sabetranjsc và là người chỉ đạo tôi kiên định với con đường kinh doanh vận tải. Không chỉ có thế, anh còn là người đặt nền móng cho văn hóa Công ty: đó chính là sự quyết đoán, kiên định, chính trực và minh bạch”, ông Tiếp tâm sự. 
Và từ tinh thần này, những giá trị ấy thấm nhuần vào mỗi nhân viên của Sabetranjsc dù ở bất kì vị trí nào. “Ở Sabetranjsc có thể du di cho anh sự sai sót, nhưng nếu phát hiện sự gian dối thì nhân viên ấy sẽ buộc phải ra khỏi tổ chức”, ông Tiếp bộc bạch. 
Một trong những tiết lộ của ông Tiếp với chúng tôi là: Tại Sabetranjsc, lương của tài xế tăng dần theo sản phẩm. Ðiều đó giúp họ gắn bó với Công ty lâu dài. Ngoài chế độ đãi ngộ về tài chính thì Công ty có chính sách đào tạo dành cho nhân viên. Từ nhiều năm qua Sabetranjsc đã mời chuyên gia về huấn luyện về văn hóa doanh nghiệp định kỳ hằng tháng. Những nhân sự xuất sắc thì được gửi đi đào tạo ở bên ngoài. Bởi vì theo ông Tiếp “Nếu nhân viên không ý thức được việc mình làm thì dù quy trình có tiến bộ đến mấy cũng không vận hành được”. 
Năm 2010, trong những chương trình cứu trợ xã hội, xét trong phạm vi Tổng công ty Sabeco, Sabetranjsc là một trong những đơn vị đóng góp nhiều nhất cho công tác này. “Chúng tôi muốn những lợi nhuận của mình làm ra được san sẻ lại một phần cho những nơi khó khăn”. Trong tương lai, ông Tiếp chia sẻ, Sabetranjsc sẽ hướng đến những chương trình hành động, hướng tới cộng đồng khác mang tính hệ thống và thường xuyên hơn. 
Khi chúng tôi hỏi về thành tích cá nhân, ông Tiếp cười tươi bộc bạch: “Cái được lớn nhất của tôi là góp phần đưa Sabetranjsc đi đúng hướng và được xã hội thừa nhận. Mới đây Sabetranjsc đã lọt vào Top 500 công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam ở vị trí 480 theo báo cáo của VNR500. Và được Ngân hàng Nhà nước công nhận là một trong 20 doanh nghiệp tiêu biểu trên sàn chứng khoán Việt Nam”. 
Trong chiến lược kinh doanh từ năm 2011-2015, Sabetranjsc đặt ra mức tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm khoảng 8 – 10%/năm, trong đó kế hoạch đạt doanh thu thuần là 649 tỷ đồng trong năm 2011 và 708 tỷ đồng trong năm 2012. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 9-15%/năm trong hai năm 2011 và 2012, với con số lợi nhuận đạt 52 tỷ đồng và gần 57 tỷ đồng. Ngoài ra, mục tiêu đạt 21% lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của Sabetranjsc trong ba năm tới cũng được giới chuyên gia đánh giá là mức khá cao trong ngành giao nhận, vận tải. 
Theo tổ chức tư vấn chứng khoán Vinasecurities, các chỉ tiêu về lợi nhuận, doanh thu của Sabetranjsc trong ba năm từ 2010-2012 được Công ty xây dựng dựa trên cơ sở định hướng chiến lược đã vạch ra, cũng như có tính đến tác động của tình hình kinh tế và yếu tố cạnh tranh. 

Với chiến lược phát triển rõ ràng, có khoa học dựa trên năng lực nội tại của Sabetranjsc cũng như những tiềm năng, cơ hội đầu tư được phân tích, đánh giá một cách khách quan của các chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, có lẽ SBC là cổ phiếu sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Và Sabetranjsc sẽ được đông đảo nhà đầu tư kỳ vọng tiếp tục đạt được những thành công mới trên con đường kinh doanh mà những vị lãnh đạo đã đặt ra và kiên định đến cùng với nó.

Theo saga