Phải giữ thị trường nếu muốn cứu doanh nghiệp

Tạm quên mình là doanh nhân để đặt mình vào một trong các vị trí chủ chốt của cơ quan điều hành cao nhất, thì việc làm đầu tiên nhằm hỗ trợ doanh nghiệp là gì?
Câu hỏi này đã được người viết đặt ra với ông Phan Hải, Giám đốc Công ty giày B.Q, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng, sau khi được nghe khá nhiều ý kiến về những bất cập của các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong tình hình “nước sôi lửa bỏng” hiện tại.
Không chút bất ngờ với câu hỏi ngẫu hứng này, ông Hải nói ngay rằng, nếu ở vị trí đó, bằng năng lực của bộ máy và trí tuệ của các chuyên gia, sẽ phân tích và chỉ rõ cho doanh nhân lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là gì, nguồn lực ở đâu, từ đó định hướng cho doanh nghiệp nên tập trung đầu tư chiến lược vào các ngành, các sản phẩm chủ đạo, để càng hội nhập sâu với thế giới thì càng vững vàng. Khi ấy, tất cả chính sách đều hướng vào đó, chứ không phải bấp bênh như bây giờ.
“Tại sao cứ nói đến Hàn Quốc là mọi người đều nhớ đến món kim chi? Còn nhắc đến Việt Nam thì nhớ gì, có thể nhiều người nói, à Việt Nam thắng Mỹ, nhưng chuyện đó xưa rồi. Vậy nên việc của Nhà nước là phải chỉ cho được, giúp cho được doanh nghiệp nên tập trung phát triển sản phẩm gì để thương hiệu Việt Nam không chỉ quẩn quanh ở trong nước như bây giờ”, ông Hải tâm tư.
Quay trở lại vị trí giám đốc doanh nghiệp và lãnh đạo Hội Doanh nhân trẻ thành phố với câu chuyện thời sự lãi suất cao, hàng tồn kho ngất ngưởng đang là bài toán nan giải, ông Hải chia sẻ rằng, đó chưa phải là điều khiến ông lo nhất. Nguy cơ không chỉ gây hại trước mắt, theo ông chính là sự lỏng lẻo trong quản lý hiện nay rất dễ dẫn đến “thảm cảnh” khi các doanh nghiệp hồi phục thì thị trường nội địa đã mất.

* Liệu ông có lo lắng hơi quá không, khi mà giày dép không phải mặt hàng thiết yếu, song sản phẩm mang thương hiệu B.Q vẫn làm tăng doanh thu của công ty đến 30% mỗi năm?
– Đúng là B.Q không đến nỗi chật vật lo cơm áo gạo tiền, bởi từ khi thành lập đến nay, chúng tôi chỉ tập trung đầu tư vào ngành nghề cốt lõi với sự bài bản từ xây dựng thương hiệu đến tổ chức mạng lưới bán hàng hiện đại trên cơ sở quy hoạch hệ thống phù hợp với nguồn lực của công ty trong từng giai đoạn, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chăm sóc khách hàng…
Nhưng cùng với quá trình đưa sản phẩm đến nhiều vùng miền trong cả nước, tôi càng có cơ sở chắc chắn để nhận định rằng quản lý thị trường hiện nay cực kỳ kém. Hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng nước ngoài chất lượng kém gắn nhãn Việt Nam đang tràn lan, dần dần giết chết uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Từ thực tế ở Đà Nẵng với câu chuyện pháo hoa, thu hút hàng vạn người từ mọi miền đất nước nhưng giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ đều được kiểm soát chặt chẽ, từ một chai nước tinh khiết đến giá phòng nghỉ…, đã thật sự tạo ấn tượng với du khách trong nhiều năm qua, đồng thời cũng đã có biện pháp mạnh mẽ như rút giấy phép kinh doanh với các cơ sở vi phạm, tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát thị trường tốt hơn. Ăn nhau là có quyết tâm hay không chứ không phải ai giỏi hơn ai.
Nhà nước hoàn toàn có đủ sức lập hàng rào kỹ thuật mà không vi phạm các cam kết quốc tế để bảo vệ hàng nội, chứ như hiện nay thì tôi thấy quá dễ dãi. Ngay với Trung Quốc thôi, hàng mình qua đó rất khó, còn hàng của họ qua mình ùn ùn, “đánh” cho mình tả tơi ngay trên sân nhà.
Đã đành là ở môi trường hiện nay thì chấp nhận cạnh tranh, nhưng nếu họ có vào sân nhà mình cũng phải vào một cách đàng hoàng, chứ không thể để họ vào lén lút để thao túng thị trường như vậy được.
Bên cạnh hàng rào “cứng” thì mình cũng hoàn toàn có quyền hành động “mềm” để bảo vệ hàng nội. Như lãnh đạo gương mẫu dùng hàng Việt, các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau.
Ngay Hội doanh nhân trẻ Đà Nẵng, trong tháng 7 vừa qua có 15 công ty tự cứu lẫn nhau qua phương thức đó. B.Q sử dụng nước tinh khiết của Bình Vinh, còn nhân viên Bình Vinh đi giày của B.Q, đó không chỉ đơn thuần là bán sản phẩm mà còn góp phần nâng tầm doanh nhân trong việc ý thức dùng hàng trong nước và tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Tôi nghĩ bên cạnh những khó khăn trước mắt thì cần đặt ra câu hỏi ở tầm xa hơn về đất sống của các doanh nghiệp khi nhiều doanh nghiệp khỏe lại.

* Kiểm soát thị trường luôn là yêu cầu được nhấn mạnh tại nhiều văn bản điều hành của Chính phủ, vậy phải chăng khoảng cách từ chính sách đến thực tế còn quá lớn, thưa ông?
– Đúng như vậy. Ngay câu chuyện lãi suất cũng vậy thôi, nói giảm nhưng nhiều doanh nghiệp đâu có tiếp cận được.
Tôi thấy doanh nghiệp đã kiệt quệ khi phải chống chọi với khó khăn từ 2008 đến giờ, khoảng 30% chết lâm sàng rồi. Tuy nhiên, chính sách của mình lại chỉ nhè nhẹ như thuốc bổ trong khi cơ thể doanh nghiệp rất cần kháng sinh cực mạnh, vì thế không giải quyết được căn bản bệnh tật. Nếu không có quyết sách mạnh thì doanh nghiệp vẫn hết sức khó.
Ở đây tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến sự tập trung cao độ để kiểm soát tốt thị trường nội địa, một thị trường đầy tiềm năng với trên 80 triệu dân. Muốn vươn ra thế giới thì phải phát triển tốt ở sân nhà đã.
Phải ngăn hàng lậu từ gốc. Bên cạnh đó không nên giảm chi phí xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước, dù khó khăn đến đâu cũng không thể cắt chi phí dành cho quảng cáo được.

* Từ thực tế và cả dự cảm, biểu đồ niềm tin vào sự hồi sinh của doanh nghiệp của ông đang như thế nào?
– Chỉ đi ngang chứ không đi lên, dù sao sự vào cuộc của Chính phủ, rồi quyết tâm của Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng ít nhiều tạo ra biến chuyển, nhưng chưa thực sự rõ ràng. Cảm giác về sự đồng hành đã có, song khoảng cách giữa chính sách, quyết sách và tổ chức thực hiện còn rất xa.

* Ông có nói nhiều doanh nghiệp đang cần liều kháng sinh mạnh để “chữa bệnh” nhưng không ít thành viên Chính phủ đã khẳng định, không thể cứu doanh nghiệp tràn lan, cũng không dùng tiền thuế của dân để lo cho doanh nghiệp được. Còn quan điểm của ông?
– Tôi nghiêng về ý kiến coi đây là cơ hội để sàng lọc doanh nghiệp. Với quan điểm cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước chẳng nên cứu doanh nghiệp làm ăn không danh chính, không bền vững. Làm ăn không có chiến lược, không tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình mà cứ kêu la đòi hỗ trợ là vô lý.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý là hiện tại bức tranh về khó khăn của các doanh nghiệp vẫn chưa rõ ràng lắm, chưa xác định được nguyên nhân từ chính sách vĩ mô chiếm bao nhiêu phần trăm, và bao nhiêu phần trăm do chính doanh nghiệp sai lầm về chiến lược.
Phải xác định được cụ thể thì mới có giải pháp đúng và đủ được.

Theo marketingchienluoc