Mạnh mẽ các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra đầu năm 2013 đã mạnh mẽ hơn năm 2012 nhưng tác dụng của các chính sách này như thế nào vẫn còn phải chờ đợi.
Khi bàn về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại buổi lễ công bố “Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2013” ngày 21/1, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương (CIEM) đề nghị báo chí không dùng chữ “cứu” doanh nghiệp. Bởi theo ông Thành, chúng ta muốn quá trình phục hồi kinh tế ở mức đảm bảo an sinh xã hội và điều này nằm trong quá trình chuyển sang tăng trưởng có hiệu quả chứ không phải tăng trưởng bằng bất cứ giá nào.

Đánh giá về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013, TS. Võ Trí Thành cho rằng: Cách làm lần này mạnh mẽ hơn Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 và cố gắng đi vào thực tế.
Theo chuyên gia CIEM, doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là khu vực được Chính phủ quan tâm, vì đằng sau khu vực doanh nghiệp chiếm tới 97% tổng số lượng doanh nghiệp cả nước này là công ăn việc làm, thu nhập của người lao động.
Ông Võ Trí Thành cho rằng: Việc đẩy đầu tư công tăng lên một chút bằng cách phát hành thêm trái phiếu, chủ yếu tập trung vào các dự án lan tỏa tốt sẽ góp phần tạo việc làm cho một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong lĩnh vực tiền tệ, cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã áp trần lãi suất cho vay với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng việc áp trần này lại không có hiệu lực mạnh về mặt pháp lí. Vì thế có thể trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước sẽ có một số biện pháp kĩ thuật về tiền tệ để các ngân hàng thương mại hướng dòng tín dụng vào đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cuối cùng bên cạnh các biện pháp giãn giảm thuế, ông Võ Trí Thành đánh giá cao việc đề nghị báo cáo Quốc hội cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa hưởng thuế Thu nhập doanh nghiệp 20% ngay từ ngày 1/7/2013, sớm hơn 6 tháng so với lộ trình dự kiến thực hiện Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
Nhưng biện pháp này cũng chỉ có tác dụng với các doanh nghiệp có lợi nhuận. “Ngoài ra, biện pháp này còn có tác động về mặt tinh thần, mà tinh thần của doanh nhân là thứ quan trọng trong bối cảnh hiện nay” – ông Thành nói.
Theo các chuyên gia, việc thực hiện các biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vì chúng ta chưa có một đánh giá chuẩn mực về tác động cụ thể đến khu vực sản xuất kinh doanh. Cho nên chúng ta phải vừa làm vừa nghe ngóng để có thể điều chỉnh. Nếu biện pháp hỗ trợ yếu ớt như hồi giữa năm 2012 thì không có nhiều tác dụng. Năm 2012, các chuyên gia ước tính trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ hơn 10 triệu đồng. Còn nếu các biện pháp hỗ trợ mạnh quá lại gây ra bất ổn vĩ mô trong khi rủi ro bất ổn còn rất cao.
“Đây là điều rất khó, nhưng hy vọng chúng ta có thể vượt qua khó khăn”- TS. Võ Trí Thành hy vọng.
Đồng tình với việc không nên dùng chữ “cứu” doanh nghiệp, PGS., TS. Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại đang phù hợp với nền tảng kinh tế Việt Nam. Điều đó khẳng định Chính phủ quyết tâm theo đuổi chính sách ổn định vĩ mô, hướng đến chất lượng tăng trưởng chứ không phải số lượng tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, tăng khả năng tiếp cận vốn với doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Chúng ta cần phải hỗ trợ để doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận được công nghệ và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.

Theo tapchitaichinh