Ứng viên “già” nên làm gì khi đi xin việc?

CV của một người trẻ tuổi bình thường đi xin việc và một người đã ngoài.. 50 tuổi có gì giống nhau? Đương nhiên là có. Tuy nhiên, nếu bạn không còn trẻ nhưng vẫn muốn CV của mình nổi bật hơn các ứng viên có ưu thế về tuổi tác, bạn nên lưu ý một số điều.

Trên hết, bạn phải nhận thức được rằng bạn không phải là một ứng viên xin việc đơn thuần. Hãy học cách tự bảo vệ mình bởi những phân biệt đối xử về tuổi tác và nêu bật ưu điểm về kinh nghiệm chuyên môn của bạn.
Xoá chênh lệch tuổi tác ngay từ đầu…
Nếu CV cũ của bạn đã được đánh máy và lưu lại từ trước đó, thì bây giờ chính là lúc bạn cần dùng đến máy tính và CV đó. Hãy hoàn thành một bản CV tốt, ấn tượng trên máy tính và gửi nó qua đường internet để tạo sự cạnh tranh bình đẳng với các ứng viên khác. Mẹo này sẽ làm cho nhà tuyển dụng hầu như quên mất rằng bạn đã… ngoài 50 và hạn chế tối đa phân biệt đối xử trong tuổi tác.
Tất nhiên bạn vẫn có thể gửi CV qua đường fax tuy nhiên, lời khuyên của các chuyên gia là bạn nên gửi nó qua đường internet, qua email, nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian.
“Đánh” có chiến lược…
Một ngày nào đó, bạn bỗng chán công việc hiện tại và thử sức ở một lĩnh vực khác. Chẳng bao giờ là muộn màng cả. Trong khi bạn đang theo các khoá đào tạo để chuẩn bị cho công việc mà bạn thích thử sức, bạn vẫn có thể dùng chính kinh nghiệm trong công việc cũ của mình để làm đòn bẩy, giúp bạn đạt tiêu chuẩn ứng viên ở vị trí mới.
Nguyên tắc quan trọng trong chiến lược này là nêu bật được kỹ năng của bạn, phù hợp với công việc ứng cử. Nhưng nếu như công việc mà bạn muốn lại hầu như chẳng liên quan tới công việc cũ thì sao? Chẳng hạn, bạn đang làm sales nhưng lại muốn làm việc trong lĩnh vực liên quan đến viết lách thì phải thế nào?
Nên nhớ, những người làm công việc viết lách vẫn cần phải biết cách giao tiếp với người khác và… bán sản phẩm của mình. Do đó, hãy nêu bật kỹ năng giao tiếp, giao thiệp. Kỹ năng bán sản phẩm và marketing cũng khá hữu ích trong trường hợp này. Hãy tập trung vào kỹ năng và miêu tả rõ cho nhà tuyển dụng biết cách mà bạn sử dụng các kỹ năng đó vào công việc như thế nào.
Nên nhớ, bạn đừng trông chờ việc bạn sẽ giữ được vị trí như ở công việc cũ, cho dù bạn đang ở vị trí cao cấp thế nào chăng nữa. Nhà tuyển dụng sẽ là người quyết định bạn có hợp với vị trí ấy không. Có thể công việc cũ, sự tiến triển trong công việc cũ cho thấy bạn phù hợp, nhưng đó chưa phải là tất cả.
Nổi bật kỹ năng
CV bây giờ hoàn toàn khác với hồ sơ xin việc của hàng thế kỷ trước, thậm chí cả CV mà bạn vừa viết vài năm trước. Vậy nên thay vì viết những CV cổ lỗ hay mờ nhạt, bạn hãy viết một CV thật ấn tượng, nêu bật kinh nghiệm của bạn trong công việc.
Chẳng hạn: Chuyên viên quản lý tài chính cao cấp, phát triển các giải pháp tài chính hữu ích trong lĩnh vực kinh doanh và bán hàng. Am hiểu sâu sắc về kế toán. Có thể đưa ra các dự báo tài chính. Quản lý và phát triển dự án, tối ưu lợi nhuận và cắt giảm các chi phí không cần thiết….
Đừng đề cập trực tiếp đến tuổi tác
Không hẳn những kỹ năng mà bạn có từ những năm 60,70 thậm chí đầu những năm 80 là không còn hữu ích, nhưng tốt nhất là bạn không nên cố tình đặt chúng trong CV của bạn. Bởi nó sẽ chỉ làm người ta gia tăng ác cảm về tuổi tác “quá lứa lỡ thì” của bạn.
Nhưng nếu thực sự bạn vẫn muốn đưa vào tuổi tác, lượng công ty và những vị trí công việc mà bạn đã từng kinh qua, hãy đưa nó vào vị trí “Kinh nghiệm cộng thêm”. Cách này sẽ giúp bạn tránh việc đề cập trực tiếp đến vấn đề tuổi tác và đưa bạn nhanh chóng tiến đến buổi phỏng vấn trực tiếp.
Đây sẽ chính là cơ hội để bạn cho thấy ưu thế thực sự của mình so với các ứng viên trẻ tuổi khác, nhất là khi trước đó bạn đã từng ở cấp quản lý.

Theo VTV