“Ông khen hay, bà chê dở”

Theo thông lệ, hễ tới dịp cuối năm và đầu năm mới, hàng loạt các tổ chức, chuyên gia phân tích đua nhau đưa ra các báo cáo nhận định về tình hình kinh tế thế giới trong năm kế tiếp với nhiều thái cực khác nhau.
Ảm đạm
Ngân hàng Thế giới (WB) có lẽ là tổ chức gần đây nhất đưa ra cái nhìn bi quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013. Theo WB, dù thị trường tài chính đã được cải thiện đáng kể, song nền kinh tế toàn cầu vẫn còn rất chật vật trong việc hồi phục. Với quan điểm này, WB đã mạnh tay cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu.
WB dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm 2013, nhỉnh hơn một chút so với mức tăng 2,3% dự kiến đạt được trong năm 2012 vừa qua, nhưng đã giảm mạnh so với lần dự báo tương tự cũng của tổ chức này công bố hồi tháng 6 năm ngoái. Vào thời điểm đó, WB dự báo kinh tế thế giới 2013 sẽ tăng trưởng 3%.
WB cũng hạ dự báo của các nước đang phát triển từ mức 5,9% trong lần công bố tháng 6/2012 xuống còn 5,5%, nhưng theo định chế này, khu vực đang phát triển sẽ tăng trưởng 5,7% trong 2014 và 5,8% trong 2015. Khu vực các nước phát triển cũng vậy, từ 1,3% năm nay nâng dần lên 2% trong 2014 và 2,3% năm kế tiếp.
Trước WB, cuối tháng 11 năm ngoái, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo OCED, kinh tế thế giới năm 2012 dự kiến đạt mức tăng trưởng 2,9% và lên 3,4% trong năm nay. Trong báo cáo hồi tháng 5, OECD dự báo tăng trưởng 2012 là 3,4% và 2013 là 4,2%.
OECD nhận định GDP của Mỹ có thể chỉ tăng 2,2% năm 2012 và 2% năm nay, giảm so với 2,4% và 2,6% dự báo trong tháng 5. Tăng trưởng của châu Âu cũng là âm 0,4% năm 2012 và 0,1% năm 2013, do khu vực này sẽ tiếp tục bị chìm sâu vào “vết xe đổ” suy thoái khi cuộc khủng hoảng nợ đã kéo dài sang năm thứ tư.
Trái ngược với khu vực các nước phát triển, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, các nền kinh tế mới nổi được dự báo tăng trưởng tốt. GDP Trung Quốc có thể tăng 7,5% năm 2012 và 8,5% năm 2013. Tốc độ này ở Ấn Độ là 4,4% và 6,5%. Brazil cũng có dự đoán ấn tượng với tăng trưởng 1,5% và 4% trong hai năm này.
Ngay trước báo cáo của OECD, các chuyên gia của ngân hàng Morgan Stanley cũng đưa ra nhận định rằng, năm 2013, theo kịch bản bi quan nhất, khủng hoảng bùng nổ khi GDP toàn cầu giảm 2%. Morgan Stanley cho rằng, hơn lúc nào hết, triển vọng kinh tế đang trông chờ vào động thái của các chính phủ, ngân hàng trung ương.

Tươi sáng
Như đã nói ở trên, năm 2013 cũng không chỉ toàn báo cáo màu xám. Theo báo cáo gần đây nhất cũng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, nhịp độ tăng trưởng đang ổn định hơn tại hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới. Hoạt động kinh tế tại Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc đã nhích lên.
Cụ thể, theo đánh giá của OECD, các chỉ số của kinh tế Mỹ và Anh tiếp tục chứng tỏ đà phục hồi vững mạnh hơn, còn triển vọng của Đức và Pháp đang khá lên. Kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ cũng phát đi những tín hiệu lạc quan. Tại Nhật Bản và Brazil, những dấu hiệu sơ bộ về đà tăng trưởng đang ổn định cũng trở nên rõ nét hơn.
Trước OECD, đầu tháng 12 năm ngoái, các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs đã liên tiếp đưa ra báo cáo đánh giá, nhận định về kinh tế thế giới năm 2013, trong đó đặc biệt nhấn mạnh rằng khó khăn sẽ sớm qua đi và nhà đầu tư có thể thoải mái hơn về một số nguy cơ lớn mà họ đã phải lo lắng suy nghĩ trong vài năm qua.
Theo báo cáo này, tăng trưởng kinh tế Khu vực châu Âu vẫn còn tình trạng yếu kém trong năm 2013, trong đó trọng tâm cần giải quyết vẫn là khủng hoảng nợ công. Rủi ro kinh tế Tây Ban Nha sẽ gia tăng trong đầu năm 2013. Sự can thiệp của Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ làm giảm áp lực cho kinh tế Tây Ban Nha.
Tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi sẽ khiến căng thẳng công suất bị lặp lại. Báo cáo cho rằng, năm 2013, tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi sẽ tăng tốc nhưng dư địa tăng trưởng không lớn bằng các thị trường phát triển. Lạm phát sẽ gia tăng rủi ro thắt chặt chính sách tiền tệ vào cuối năm 2013 và trong 2014.
Một điểm đáng mừng nữa dưới góc nhìn của Goldman Sachs là, thị trường hàng hóa sẽ xuất hiện sự thu hẹp mang tính chu kỳ, nhưng cơ bản ổn định hơn. Dự báo tính kết cấu của thị trường dầu mỏ sẽ theo hướng ổn định, giá cả bình ổn, dù xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp tục. Lượng cung dầu thô của Mỹ sẽ giảm sức ép cho toàn cầu.
Trong một báo cáo khác cũng của Goldman Sachs, chuyên gia kinh tế Jan Hatzius cũng đưa ra nhận định sáng sủa rằng, 2013 sẽ là năm cuối cùng kinh tế Mỹ ở trong tình trạng èo uột như hiện nay. Báo cáo mang tên “Kinh tế Mỹ giai đoạn 2013 – 2016: Vượt qua cam go” đã đưa ra cái nhìn lạc quan về nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Theo Hải Yến