Định vị lại chức năng của DNNN

Trả lời DĐDN, PGS TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng, định vị lại chức năng của DNNN là một việc làm đúng hướng bởi đây là cơ sở quan trọng trong cải cách. Tuy nhiên, từ đặt vấn đề, đến chuyển biến về tư duy rồi triển khai là một quá trình gian nan.
Theo ông Thiên, khi các nguồn lực trong xã hội không phát huy tốt hiệu quả là lúc chúng ta phải xem xét, điều chỉnh lại các nguồn lực cho phù hợp hơn. Ai làm nhiệm vụ gì, quản lý cái gì cũng phải chuyên nghiệp thì mới có thể hiệu quả được.

– Như vậy, theo ông DNNN sẽ thực hiện nhiệm vụ nào ?
Trong kinh tế thị trường, mỗi khu vực DN thực hiện một chức năng như những bộ phận của một cơ thể. Nếu khu vực nào được giao quá nhiều nhiệm vụ thì nó không thể hoàn thành. Nền kinh tế phân ra ai làm việc gì, làm đúng thì sẽ tốt. Bên cạnh đó, không nên có quan niệm khu vực này quan trọng, nên được quyền làm nhiều việc, được quyền ưu tiên.
Các nền kinh tế thị trường đều có DNNN. Tuy nhiên, DNNN chỉ làm những việc công ích, sản xuất kinh doanh những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu quan trọng của nền kinh tế mà các khu vực khác không làm. Ví dụ như những cái liên quan đến cơ sở hạ tầng quan trọng, những cái thuộc về đầu tư rủi ro nhưng có thể mở hướng cho sự phát triển. Các lĩnh vực như công nghệ mới có tác dụng mở đường, Nhà nước phải đầu tư vào đó vì nó cần vốn lớn, mà tư nhân khó kiếm vốn.
Hoặc Nhà nước cung cấp hàng hoá đặc dụng liên quan đến xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội mà tư nhân làm thì không hiệu quả hay họ không thích làm. Đây là những việc làm vô cùng quan trọng. Nhà nước buộc phải tham gia, nếu không có thì nền kinh tế cũng ảnh hưởng lớn.

– Với nhiệm vụ như vậy, DNNN khó có thể có sức cạnh tranh, thưa ông ?
Nếu đánh giá về năng lực cạnh tranh của DNNN thì ở các quốc gia hầu như đều yếu. DNNN không làm nhiệm vụ cạnh tranh trên thị trường, nên hầu hết các quốc gia chỉ rút lại đầu tư ở khu vực này trong một giới hạn rất nhỏ. Nhà nước hầu như không kinh doanh mà chỉ làm việc quản lý về hành chính. Nhà nước sẽ tạo hành lang, tạo cơ chế cho người dân kinh doanh phát triển kinh tế.
DNNN thời gian qua đã được bao bọc bởi nhiều chính sách và thiếu đi sự cạnh tranh. Có thể nói, 25 năm qua thị trường chúng ta ẩn chứa những vấn đề, nhiều DNNN không cần cạnh tranh mà vẫn lớn lên. Nhiều DNNN dù không giỏi nhưng vẫn kiếm được tiền.

– Đây là nguyên nhân chúng ta phải cải cách. Nhưng dường như tiến trình này đang gặp phải những lực cản, thưa ông ?
Cải cách là phải nhường sân. Ngày xưa, DNNN chỉ có một mình một sân, một chợ, giờ thêm tư nhân thì phải nhường sân. Công nhận kinh tế thị trường là tất yếu thì phải công nhận tư nhân, phải nhường nhiều chức năng cho tư nhân. Quá trình đó dần dần chứ không phải ngày một ngày hai là bỏ hết được. Đây thực chất là sắp xếp lại chức năng, sắp xếp lại cấu trúc.
Quá trình đó đang có những trục trặc, vì vấn đề lợi ích. Cổ phần hoá là phải di chuyển tài sản, chắc chắn sẽ có một số người đang làm trong DNNN muốn kiếm chác một tí, sinh xung đột. Cải cách DNNN là phải xử lý các quan hệ lợi ích rất phức tạp. Việc sinh chuyện đó là bình thường nhưng có điều tất cả phải tôn trọng nguyên lý cơ bản. DNNN lùi càng nhanh mà không gây xáo trộn càng tốt. Không thể vì những khoản lợi cá nhân mà cố giữ chặt.

– Những ưu thế, ưu quyền này liên quan chặt chẽ tới việc chưa phân định rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sở hữu vốn và tài sản tại các DNNN, thưa ông?
DNNN không làm nhiệm vụ cạnh tranh trên thị trường, nên hầu hết các quốc gia chỉ rút lại đầu tư ở khu vực này trong một giới hạn rất nhỏ.

Ở VN đang có tình trạng chỗ cần nhà nước thì ít thấy, chỗ không cần thì lại quá nhiều. Đây không phải là “lỗi vận hành” mà là “sai thiết kế”. Một người đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ, kiêm nhiệm đủ thứ thì không làm việc gì tốt được cả. Quản lý nhà nước và chức năng sở hữu nhà nước là hai nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau.

Từ cơ quan quản lý nhà nước đến DN nên chuyên sâu một thứ cho thật tốt. Chính vì vậy, cần nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN. Nếu chưa làm được việc này thì khó xác lập được mô hình sở hữu hay nói cách khác là chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DNNN. Tuy nhiên, vấn đề gốc rễ ở đây chính là nhóm lợi ích và xung đột lợi ích phải xử lý được thì mới làm được những việc trên.

– Tách bạch và làm rõ từng nhiệm vụ cụ thể của mỗi thành phần liệu đã đủ, thưa ông ?
Một việc khác cũng vô cùng quan trọng là có cơ chế giám sát thật tốt, đặc biệt những mô hình sở hữu độc lập. Cần có một cơ chế thưởng phạt đối với những người đại diện sở hữu và người điều hành, sử dụng (kinh doanh) vốn nhà nước. Không thể có chuyện đồng vốn của nhà nước được sử dụng kém hiệu quả, người đại diện vốn và người điều hành kinh doanh vẫn lương cao. Công khai minh bạch và có sự tham gia giám sát của cả xã hội là một trong những việc làm cần phải lưu ý hàng đầu. Người dân là chủ của những tài sản, nguồn vốn đó thì họ phải có quyền giám sát, được biết người ta sử dụng nó ra sao.
Nhưng đặt ra là một chuyện, giải quyết nó là một chuyện khác khó hơn vì dính dáng đến lợi ích, đến năng lực, đến đủ các thứ tác động từ bên ngoài.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Bá Tú