Khác biệt bắt đầu từ ý thức hệ!

Cuộc trò chuyện của chúng tôi cũng bắt đầu với những gì doanh nhân Phạm Thị Mỹ Lê – Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Le & Associates (L&A) đã và đang làm, về thị trường “vốn xã hội” của VN, và trong một cái nhìn khá thấu đáo của một người thuộc thế hệ trẻ tiên phong trong con đường kinh doanh lĩnh vực nhân lực.
Thuộc thế hệ 7X, chị Phạm Thị Mỹ Lệ là một trong những nữ doanh nhân xốc vác và thành công khởi đi từ những lựa chọn dự án “không giống ai”. Ra đời cách đây hơn 10 năm, Le &A Associates tham gia vào lĩnh vực cung ứng đa dạng các loại hình dịch vụ về nhân lực, khẳng định mình trong thị trường mà DN nước ngoài đã nhanh chân chiếm lĩnh. Tháng 4 năm 2009, thêm một dự án mới được xây dựng trên cơ sở những kinh nghiệm và nền tảng sẵn có của các nhà lãnh đạo trẻ: Motibee.com – mạng cộng đồng chuyên sản xuất và cung cấp nội dung tư vấn chia sẻ về nghề nghiệp, phát triển cá nhân cho người lao động ở độ tuổi 18-30.

Bất cập nhân lực Việt
– Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực cung ứng đa dạng các loại hình dịch vụ về nhân lực, chị có thể nói gì về nhân lực – người lao động VN hôm nay ?
Không nói ai cũng biết VN hiện tại đang ở trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu người lao động. Người rất đông, nhưng người để làm việc và được việc thì lại thiếu. Mỗi lần đi tuyển quản trị viên cho khách hàng là chúng tôi đến khổ. Nói đâu xa, bản thân tôi tuyển quản trị viên cho chính DN mình cũng thấy khó, trong khi, người ở độ tuổi lao động, nộp đơn xin việc lại tràn ngập. Đó chính là bất cập.
– Bất cập ấy, theo chị, có nguyên nhân khách quan từ đời sống xã hội và cách thức sử dụng nguồn nhân lực, hay có nguyên nhân chủ quan từ chính người lao động ?
Có rất nhiều nguyên nhân và nó cũng đến từ nhiều phía, cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng điều mà tôi nhận thấy rõ nhất, đó là có một sự khác biệt trong ý thức hệ của người lao động. Chẳng hạn, cách đây chừng 10-15 năm, người lao động VN vẫn còn ý thức rằng nếu được tuyển dụng làm việc cho DN nước ngoài, thì đó là may mắn của họ. Bởi lẽ, làm việc cho DN nước ngoài, họ sẽ không chỉ được hưởng mức lương cao, mà còn được học tập, làm việc trong một môi trường được chuẩn hóa. Còn bây giờ, người lao động dường như không ý thức như vậy nữa. Rất nhiều DN trong nước cũng đã hướng tới các chuẩn mực quản lí và tạo được một môi trường lao động cạnh tranh. Người lao động được hưởng lợi từ sức ép cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực giữa các DN. Về năng lực và năng suất thì số người đáp ứng được nhu cầu của DN không nhiều do cách dạy và học cả kỹ năng cứng và mềm của chúng ta rất xa rời thực tế.
– Vậy, chị có nhận xét gì về mục tiêu làm việc của người lao động – một phần của “vốn xã hội”, nếu tạm xét và so sánh theo từng nhóm tuổi lao động, trước và sau khoảng 35 tuổi ?
Mục tiêu làm việc của người lao động, nếu xét trong khoảng cách tuổi tác này, cũng được khu biệt và chia làm 2 nhóm rất rõ rệt. Tôi không gọi là mục tiêu làm việc, mà vẫn quy chiếu nó trong khái niệm “ý thức hệ”, thì có thể thấy rõ với những đối tượng thuộc hai nhóm tuổi lao động này, có sự co cụm và khác xa nhau trong động lực, động cơ làm việc. Có thể nói với những người lao động thuộc độ tuổi trên 35, dường như, nhiều người làm việc không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà còn vì một lí tưởng. Ngược lại, có thể do hoàn cảnh xã hội, nhận thức của những người trẻ được sinh ra trong một hoàn cảnh xã hội khác mà dường như họ làm việc đơn giản chỉ để phục vụ nhu cầu cá nhân, ít có một lí tưởng, một khái niệm “vị xã hội” nào khác. Đây là điều tôi rút ra nhận xét từ số đông. Tôi cũng không cho rằng ý thức hệ nào hay hơn ý thức hệ nào, nhưng rõ ràng, nếu nhìn ở góc độ xã hội, thì cách thức và lối sống, ý thức lao động của lớp trẻ hôm nay dễ nảy sinh thói vị kỷ, chai lỳ cảm xúc, thực dụng.

Và sự khác biệt trong các thế hệ doanh nhân
– Trong đối tượng người lao động là tầng lớp doanh nhân, có sự khác biệt tương tự như hiện tượng chị vừa đề cập hay không, thưa chị ?
Có chứ. Sự khác biệt rất nhiều, nhưng biểu hiện của nó thì không hẳn hoàn toàn giống như vậy. Chẳng hạn, với đối tượng là những doanh nhân thuộc thế hệ trên tuổi 35, những thành công của họ đa phần được xây dựng trên nền tảng của “Gạch cát và xi măng”, nghĩa là rất vững chãi, với những bước đi thận trọng, thậm chí e dè, và không nhiều lắm những trường hợp chấp nhận cập nhật hóa công nghệ. Trong hoạt động xã hội, họ cũng ít (hay ngại) tham gia hội, đoàn, có lẽ, điều đó, một phần cũng do quy định của tuổi tác.
Còn với đối tượng là doanh nhân trẻ, thuộc thế hệ 7x, 8x…, thì họ rất liều lĩnh, táo bạo, luôn sẵn sàng cập nhật, đổi mới theo mọi công nghệ. Đương nhiên, điều này không hẳn đồng nghĩa với xác suất thành công. Thế hệ doanh nhân trẻ cũng tham gia hội, đoàn hăng hái hơn. Nhưng, nếu nói về mức độ đóng góp đối với xã hội, tôi cho doanh nhân là những đối tượng tương đối cấp tiến, nên họ đều có đóng góp đáng kể.
– Trải qua cùng với nhiều đổi thay và thăng trầm của đất nước, chị có nhận xét gì đời sống của người Việt hôm nay ?
Thời tôi còn nhỏ, tuy nhỏ, nhưng cũng đã biết và trong kí ức của tôi, có lẽ không bao giờ quên những ngày cơ cực phải ăn bo bo thay gạo. Có thể nói sau đổi mới, đời sống của người VN đã có nhiều đổi thay. Nếu so với thời bao cấp với sau đổi mới và sau đổi mới với bây giờ, đối với nhiều người, thời bây giờ đã là “sướng như tiên”. Năm 1992, bạn tôi từ nước ngoài sang VN, khi đến còn mang theo cái vali to tướng trong đó lỉnh kỉnh nào dầu gội sửa tắm dao cạo râu… thì chỉ ba năm sau quay lại, anh ta đã rất ngạc nhiên là VN đã không thiếu thứ gì.
Rất nhiều DN trong nước cũng đã hướng tới các chuẩn mực quản lí và tạo được một môi trường lao động cạnh tranh.

Nói ngắn gọn là mức sống của người Việt đã được cải thiện rất nhiều. Xin lưu ý, mức sống và chất lượng sống là hai điều khác nhau. Khoảng cách giàu nghèo và chất lượng xã hội của ta vẫn còn rất nhiều điều bất cập, đáng nói và cần được tiếp tục cải thiện.

– Nếu “mức sống” là cái được lớn nhất như chị thấy, thì “cái chưa được” trong ngần ấy thời gian, mà VN cần phải cấp tốc thay đổi là gì, thưa chị ?
Tôi thấy thời bây giờ, nếu so với thời đất nước mới độc lập, là quá được, quá tốt, nhưng có điều kiện đi ra nước ngoài, lại thấy các nước khác làm tốt hơn, chất lượng sống, mức sống, môi trường kinh doanh, thang bậc cạnh tranh… đều hơn hẳn nước mình. Nói đâu xa, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia… ngay cạnh mình đều đã vượt trội nước mình về mọi mặt, mà họ cũng chỉ có những xuất phát tương đương VN. Gần đây, trong bảng xếp hạng cạnh tranh, VN đứng thứ hơn 100, là người Việt, tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó…
Có lẽ, theo tôi, cái chưa được mà chúng ta cần cải tổ hiện nay, đó là tệ quan liêu tham nhũng. Nếu thay đổi và xóa sổ được điều đó, chứ không phải là “cái tiến” để rồi “biến tướng”, tức là chúng ta “làm mới” chứ không “vá đường” nữa, thì VN sẽ có nhiều cơ hội phát triển và còn có khả năng phát triển vượt bậc.
– Xin cảm ơn chị!
Chị Phạm Thị Mỹ Lệ tốt nghiệp khoa Anh Văn, Trường ĐH Sư Phạm Huế. Từ năm 1998 đến 2001, không theo nghiệp đứng lớp, chị làm việc cho tập đoàn Akzo Nobel, quản lí kinh doanh và tiếp thị khu vực miền Trung và Nam Việt Nam. Vào năm 2001, chịbắt đầu làm việc cho Le & Associates với vai trò Giám đốc điều hành và trở thành Chủ tịch Cty vào năm 2009. Cũng trong năm này, chị bắt đầu làm việc trong vai trò giám đốc điều hành cho công ti truyền thông KingBee Media. Bên cạnh những kinh nghiệm trong môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, chị còn đảm nhận vai trò tích cực trong nhiều hoạt động cộng đồng. Chị tham gia Hiệp hội kinh doanh trẻ (2004 – 2008) với vai trò thành viên và sau đó trở thành phó chủ tịch năm 2008. Ngoài ra, chị cũng trở thành người đồng sáng lập và phó chủ tịch câu lạc bộ Doanh nhân 2030 (2004 – 2011).
Tại KingBee Media, Motibee, một dự án mạng cộng đồng với địa chỉ motibee.com về xã hội, nghề nghiệp, việc làm và có ý nghĩa quan trọng đối với các bạn trẻ công sở. Motibee đã thu hút gần 400.000 thành viên sau gần 3 năm hoạt động. Tuy nhiên, sau rất nhiều lợi ích mang lại cho giới trẻ lao động như tạo cơ hội để các thành viên của motibee.com có thể tham gia các khóa học, học bổng của các trung tâm, trường đào tạo với nhiều ngành nghề như IT, chuyên viên đầu tư chứng khoán, marketing, tiếng Anh… với các ưu đãi giảm học phí khi đăng ký tham gia các khóa học bổng từ Motibee.com, hay đăng ký tham gia các sự kiện cộng đồng như với nhiều chủ đề khác nhau tư vấn về kinh nghiệm nghề nghiệp, quản trị, sử dụng, tài chính…từ ngày 2/9/2012, Motibee.com đã công bố tạm ngưng hoạt động. Tất cả các website như vieclamthem.pro, hocbong.motibee.com thuộc cộng đồng mạng motibee.com đều được ngưng và theo Ban quản trị – là nhằm để xây dựng một hướng đi mới tốt hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn cho cộng đồng.

Theo Thuận Hóa