“Đo” khả năng làm sếp của bạn

Tất nhiên, ai mà chẳng thích được làm sếp. Nhưng hãy thử kiểm tra xem bạn có tố chất của một nhà quản lý không nhé.

Bạn có đảm nhận được nhiều công việc?
Sếp thường phải phải đảm nhận rất nhiều công việc cùng một lúc: quan hệ với đối tác, soạn thảo hợp đồng, tìm ra chiến lược kinh doanh, quản lí nhân viên và luôn phải lắng nghe, giải quyết hàng trăm ý kiến nguyện vọng của họ… Bạn cứ tưởng tượng mình như nghệ sĩ xiếc vậy, có thể tung hứng 3 quả bóng, thậm chí 10 quả cùng lúc trong không trung. Tương tự, bạn có khả năng chuyển từ dự án này sang dự án khác mà không bị “lỡ nhịp” chút nào.
Khả năng phán đoán của bạn như thế nào?
Là nhà quản lí, tất nhiên bạn luôn phải quyết định và quyết định. Không phải lúc nào cũng là người chiến thắng nhưng bạn không thể luôn mắc sai lầm được. Điều này dựa vào óc phán đoán, suy xét mọi việc của bạn. Bạn phải tự xem xét tình hình và đưa ra một quyết định đúng đắn chứ không thể quyết định theo kiểu may rủi.
Bạn có kĩ năng quản lý không?
Bạn có thể viết một bức thư chuẩn mẫu hoặc tải file tài liệu từ trên mạng xuống không? Bạn có thể hạch toán, thống kê sổ sách, lập thời gian biểu làm việc, quản lý ngân sách các phòng ban không? Tất cả những công việc này đều nằm trong “list” các kĩ năng quản lý.
Trong nhiều trường hợp bạn có thể học hỏi những kỹ năng này của những người người có vị trí mà bạn tham vọng. Học hỏi bằng cách để ý, xem xét hành động của người khác, bạn sẽ chả mất mát thứ gì.
Hoặc cũng có nhiều trường hợp bạn có thể ứng dụng từ trường học vào công sở, ứng dụng những gì bạn học được khi ngồi trên ghế nhà trường: kĩ năng vi tính, viết thư, làm báo cáo, tiểu luận, đánh giá…Tất cả mọi phương án đều giúp bạn tăng thêm kỹ năng quản lý.
Bạn có phải là một trưởng nhóm?
Đó chính là yếu tố cơ bản trong vai trò một nhà quản lý. Anh ta phải có khả năng tổ chức, sắp xếp công việc cho cấp dưới, giúp họ nhất trí đồng lòng làm việc, đồng thời phát triển tài năng của mỗi cá nhân. Bạn có thể làm được điều đó không?
Ngoài ra, người quản lý phải biết cách tạo hứng khởi cho nhân viên khi làm việc, đặc biệt là khi đối mặt với khó khăn, thôi thúc mọi người hăng say làm việc để tiến tới thành công.
Trước tiên bạn phải học là một nhân viên đã, không ai bắt đầu đã làm lãnh đạo ngay. Một nhân viên tốt mới có thể làm lãnh đạo tốt.
Bạn có tính quần chúng không?
Muốn quản lý nhân viên hiệu quả thì sếp phải hiểu và thông cảm với nhân viên, chứ không phải suốt ngày chỉ đứng trên cương vị cao hơn rồi ra lệnh, quát tháo.
Sự đồng cảm chỉ có được khi bạn biết lắng nghe và chia sẻ với cấp dưới. Khi có vấn đề rắc rối, phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể để từ đó có hướng giải quyết hợp tình hợp lý.
Bạn có tham vọng không?
Bạn đã khát khao được làm lớp trưởng từ khi còn đi học? Bạn đã từng đứng lên chỉ huy các cuộc họp lớp, giờ sinh hoạt ở trường,… Bạn có tham vọng làm sếp đấy.
Để trở thành một nhà quản lý, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian, nỗ lực, công sức để chứng tỏ khả năng của mình. Nó không phải là một cuộc chạy nước rút mà là một cuộc chạy marathon, cần đế tính bền bỉ, quyết tâm và kiên trì. Bạn có thể phải hy sinh nhiều thứ để có được nó đấy.

Theo Joblynx