Chuyên canh một sản phẩm xuất khẩu trong lúc thị trường biến động mạnh là một thách thức mà thuyền trưởng Hai Kháng – Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản và xuất nhập khẩu Côn Đảo (coimex) đã chọn cho Coimex.
Khởi nghiệp từ 2 chiếc tàu cũ
Tôi muốn gọi ông là Hai Kháng, như những người đồng đội đóng quân ở Côn Đảo gọi ông bao năm nay. Thẳng thắn, xởi lởi và đầy nhiệt huyết, dường như chất lính vẫn còn nguyên vẹn trong ông Chủ tịch Coimex, vị thuyền trưởng của doanh nghiệp đang đứng hàng đầu về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm surimi sang Nga và EU, chiếm tới 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam.
Ông kể, ông quê ở Hậu Giang, vào ngành công an, đóng quân ở Côn Đảo. Thời điểm đó, ông đã có cơ hội theo khoá đào tạo về kinh tế. Mọi việc bắt đầu từ năm 1989, với kiến thức kinh tế học được, ông được lãnh đạo huyện Côn Đảo tín nhiệm cử làm Giám đốc Coimex, một công ty được hợp nhất Công ty Vận tải và Khai thác hải sản Côn Đảo với Công ty Sản xuất – Kinh doanh – Xuất nhập khẩu Côn Đảo.
Chỉ có điều, như ông kể, điều kiện đi kèm sự tín nhiệm này khiến không ít người e ngại, đó là phải tự tạo lập vốn liếng để làm ăn theo cơ chế thị trường, nghĩa là tự cân đối, tự trang trải. “Cầm tờ quyết định thành lập Công ty, tôi thực sự chưa biết bắt đầu thế nào. Đơn giản chỉ nghĩ là công ty ở vùng biển, phải có tàu, thế là đi xin tàu cũ về sửa làm phương tiện đánh bắt hải sản và vận chuyển nhu yếu phẩm từ đất liền ra Côn Đảo. Vậy là, Coimex ra khơi bằng 2 chiếc tàu cũ”, ông nhớ lại.
Cái khó ló cái khôn. Ông quyết định vận động gia đình và cán bộ, công nhân cho vay tiền để sửa chữa, nâng cấp và mua sắm thêm máy móc. Cam kết từ vị thuyền trưởng của đội tàu 2 chiếc hầu như luôn trong tình trạng phải sửa chữa, là một nửa tiền thu được là của Công ty, nửa còn lại trả nợ vay thủy thủ và công nhân xí nghiệp.
Cũng may, mưa thuận gió hoà, sản lượng đánh bắt hải sản tăng lên. Chất lính trong ông phát huy thế mạnh. Kỷ luật lao động được đặt ra bên cạnh tình đồng đội, những người cùng trông vào sự trở về an toàn của những chuyến ra khơi. Chuyện thuyền viên bán cá ngoài khơi trước khi tàu cập bến không còn, đời sống cán bộ, công nhân viên và thuyền viên được nâng cao cùng với sự đi lên của Coimex…
Vừa làm vừa tích cóp, sau 10 năm, Coimex đã có đoàn tàu 26 chiếc với trang thiết bị đủ để đánh bắt dài ngày trên biển. Công ty tăng vốn tự có lên 10 lần, nộp ngân sách cho huyện Côn Đảo tới 180 tỷ đồng/năm.
Bảo bối surimi
Surimi là một từ trong tiếng Nhật, dùng để chỉ các sản phẩm từ thịt của cá sau khi tách xương, xay nhuyễn, rửa bằng nước và pha trộn với các chất chống biến tính do đông lạnh để có thể bảo quản được lâu ở nhiệt độ từ -18oC đến 25oC. Surimi giống như cá xay của nhiều nước và chả cá của Việt Nam.
Hiện giờ, nói tới Coimex, mọi người sẽ biết ngay tới một thương hiệu lớn trong xuất khẩu surimi. Mới đây, Coimex đã ký hợp đồng cung cấp surumi không hạn chế số lượng với Shuanghui, một tập đoàn chế biến thực phẩm của Trung Quốc có mạng phân phối toàn cầu. Surimi của Coimex đang tiếp tục lấn sân rộng hơn.
Vậy nhưng, ít người biết, ông đến với sản phẩm này từ sự tiếc rẻ công sức của người lao động. Đó là khi hoạt động đánh bắt cá ngày càng khó, do sản lượng khai thác lớn, khoảng 100 tấn/chuyến tàu/ngày, nhưng chỉ 20% là cá to, mực ống, được chọn để xuất khẩu. Số còn lại hầu hết đều là cá tạp nhỏ, phải bán rẻ cho người chăn nuôi làm thức ăn, phân bón, có khi dùng làm khô, làm mắm. Thời điểm đó là khoảng năm 1995, giá cả nhiên liệu tăng cao khiến chi phí trả cho công nhân càng eo hẹp.
Ông tiếc rẻ 80% sản lượng khai thác không ra tiền này, bắt đầu tìm hiểu và phát hiện ra một thị trường rộng lớn từ surimi. Sang Hàn Quốc học nghề sản xuất surimi, ông quyết định vay ngân hàng 500.000 USD để nhập khẩu máy móc, mở nhà máy đầu tiên tại Vũng Tàu. Nhà máy chạy hết công suất với 100 tấn/ngày, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Thị trường mở ra mênh mông, Công ty lại thiếu hụt về nguyên liệu đầu vào.
Một lần nữa, bài toán về vốn và quản trị lại một lần nữa được đặt lên vai thuyền trưởng Hai Kháng. Quyết định cổ phần hóa Công ty vào năm 2006 được đưa ra nhanh chóng, với sự ủng hộ của cán bộ, công nhân. Có vốn, Công ty bắt đầu tính đến phương án mở rộng vùng nguyên liệu xuống Hậu Giang, ra đến tận Thanh Hóa. Rồi thị trường xuất khẩu Hàn Quốc, Nhật Bản không tiêu thụ hết số sản phẩm dồi dào, ông Hai Kháng lại lên đường Âu tiến với sản phẩm surimi…
Chặng đường mới
Hiện tại, Coimex đang hợp tác với một công ty thuộc Tập đoàn Texchem (Malaysia), đầu tư thêm một dây chuyền chế biến surimi mô phỏng, với vốn đầu tư do Texchem cung cấp. Đối tác Malaysia cũng cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm sang các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á.
Ông Hai Kháng cho biết, Coimex còn đang triển khai đầu tư thêm nhà máy sản xuất surimi mô phỏng càng con ghẹ, cung cấp sản phẩm cho Tập đoàn Future Seafoods tại châu Âu. Thời gian tới, Coimex sẽ ký hợp đồng cung cấp mặt hàng surimi mô phỏng mực, rong biển và surimi phối trộn với rau, củ, quả cho khách hàng Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một chặng đường mới đang đến với ông Hai Kháng và Coimex khi mấy năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Công ty tăng nhanh, từ khoảng 23,4 triệu USD năm 2009, tăng lên 40 triệu USD năm 2010 và đạt 42,3 triệu USD năm 2011.
Đầu năm 2013, Coimex đặt kế hoạch tăng tốc với nhà máy mới. “Coimex đang hoạt động với nguồn vốn của chính mình, không phải vay ngân hàng. Vay vốn ngân hàng trong thời điểm này thì chỉ cần trả lãi là hết lợi nhuận. Chính vì vậy, chính sách đầu tư của Coimex là hợp tác đôi bên cùng có lợi”, ông Kháng cho biết.
Sự bình tĩnh, nhẫn nại trong người lính Hai Kháng đang tiếp tục giữ chân ông trong sự biến động của thị trường. Ông chỉ độc canh sản phẩm surimi. Độc canh cách giữ chân khách hàng bằng chất lượng sản phẩm, cho dù phải giảm giá bán và lợi nhuận.
“Ngược lại, khách hàng phải ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc phải thanh toán tiền ngay cho Coimex. Một số khách hàng Pháp chấp nhận trả trước 70-80% giá trị hợp đồng, với điều kiện Coimex phải giữ vững chất lượng sản phẩm”, ông nói và thẳng thắn rằng, Coimex chưa bao giờ thất hứa với khách hàng và cũng chưa từng chậm tiến độ giao hàng.
Và điều này đã hỗ trợ cho Coimex trong kế hoạch phát triển. Khách hàng Pháp đã sẵn sàng bắt tay làm ăn với Coimex như một nhà cung cấp máy móc trong kế hoạch mở thêm nhà máy của Coimex với điều kiện thanh toán dần. Kế hoạch ra khơi của người lính Côn Đảo lại vững vàng bởi sự nhẫn nại, sự quyết tâm và thẳng thắn…
Theo Thanh Minh