Nếu bạn coi chuyến phưu lưu tìm việc của mình chỉ là trò chơi hay một sự thử nghiệm, nếu bạn muốn mình bị “out” ngay từ vòng đầu tiên, nếu bạn muốn gây ấn tượng “mạnh” với nhà tuyển dụng, hãy làm theo những lời khuyên sau đây.
1. Hỏi thông tin trước khi nộp đơn
Tình cờ đọc được thông báo tuyển dụng, đúng công việc bạn quan tâm, ngay lập tức bạn gọi điện cho giám đốc công ty, yêu cầu cho gặp người phụ trách tuyển dụng. Nếu họ không thoải mái thì kiên trì nài nỉ cho bằng được. Khi gặp được người mình cần rồi thì cứ thế mà hỏi han về công việc.
Nhân tiện, hãy hỏi luôn về lương bổng và những chế độ đãi ngộ khác. Đừng quên những câu như “Công ty trả lương thế nào? Khi đi làm tôi có bao nhiêu ngày nghỉ phép? Thế công ty mình có lớn không?”, …
Khi thấy mình đã kiếm được kha khá thông tin rồi, yêu cầu họ fax hoặc e-mail, mô tả cụ thể về công việc cho bạn. Họ đang thiếu nhân viên, đang cần tuyển mình mà.
2. Thư xin việc – Viết những thứ bạn yêu cầu
Mở đầu ngay bằng mục đích viết đơn, đỡ dài dòng “Đây là vị trí công việc mà tôi đang tìm…”
Sau đó đưa lý do tại sao bạn lại thích công việc. Ví dụ như “Tôi muốn tìm công việc có mức lương xứng đáng và tôi có thể học được nhiều kinh nghiệm và quan trọng là theo đuổi sở thích của mình”. Thêm vào đó, bạn có thể nói bạn coi công việc như là một bước đệm để bạn đạt được những mục tiêu khác.
Thậm chí nếu họ không hỏi bạn mức lương yêu cầu, nói luôn mức “tối thiểu” bạn có thể chấp nhận được. Đừng lãng phí thời gian vô ích vào việc kể lể tỉ mỉ năng lực hay sở trường của bạn. Điều quan trọng ở đây là cái bạn cần chứ không phải là cái họ muốn.
3. Chỉ cho họ biết ai là chủ trong cuộc phỏng vấn
Đến muộn thôi, đừng đến sớm làm gì, vì đằng nào bạn cũng phải chờ đợi xếp lượt phỏng vấn.
Khi phỏng vấn, luôn giữ thế chủ động đặt câu hỏi như: “Công ty chuyên làm về lĩnh vực gì?”. Khi họ mô tả công việc cần làm, sốt sắng đáp lại: “Nhận tôi vào làm chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho công ty”. Có thể nói luôn cho họ biết tình hình kinh doanh ngoài thị trường của công ty chắc không mấy hiệu quả, vì trước khi đọc thông báo tuyển dụng, bạn chẳng biết chút gì về công ty cả. Và nhấn mạnh nếu có bạn tình hình sẽ khác.
Liên tục ngắt lời người phỏng vấn. Đừng cho họ có cơ hội chen ngang, nói to và rõ ràng những điều bạn muốn làm, bày tỏ quan điểm và giới thiệu về bản thân.
Nếu đang giữa chừng mà có điện thoại thì cứ nghe, bảo họ chờ đôi chút. Hãy cho họ thấy bạn bận bịu đến mức nào.
4. “Săn tìm” sau khi phỏng vấn
Sau khi phỏng vấn, liên lạc luôn với nhà tuyển dụng và nói rằng bạn muốn biết kết quả thế nào.
Nếu họ không muốn trả lời thì hãy cố tìm đủ mọi cách để “moi” thông tin bằng được. Nếu cần thiết thì liên lạc với họ thường xuyên, chắc là họ sẽ đánh giá cao sự nhiệt tình của bạn lắm đấy.
Thêm nữa, nếu họ đưa ra lời nhận xét “phản” bạn thì phải đấu tranh luôn, phải biết cách bảo vệ mình chứ. Đưa ra những lập luận, lý lẽ chứng tỏ họ đã sai.
Nếu nhà tuyển dụng nói đã nhận người khác vào làm việc, hãy nài nỉ họ cho biết lý do. Nếu cần, bạn có thể yêu cầu nói chuyện trực tiếp với ban lãnh đạo công ty, cố thuyết phục họ bác bỏ quyết định của người phỏng vấn và nhận bạn.
5. Gây áp lực bằng hàng tá câu hỏi
Gọi điện hoặc gửi thư e-mail liên tục để hỏi những vấn đề liên quan:
– Biết thêm thông tin về công việc
– Yêu cầu họ giúp điền thông tin vào mẫu xin việc gửi qua mạng
– Hỏi xem họ đã nhận được thư xin việc của mình chưa
– Hỏi xem nên mặc gì khi đi phỏng vấn cho phù hợp
– Yêu cầu phản hồi sau phỏng vấn
– Hỏi xem khi nào họ đưa ra quyết định
– Yêu cầu họ giải thích tại sao họ lại không nhận bạn vào làm (Trong một chừng mực nào đấy, nếu làm theo tất cả các hành động ở trên, bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc cuối cùng này rối đấy!)
Theo Fabjob