Nhân viên văn phòng ngồi nhiều. Cơ thể bị “gập khúc” ở thắt lưng và đầu gối. Nếu hình dung đơn giản hệ tuần hoàn như một chiếc ống nước thì khi ngồi, ống nước bị gập những hai lần. Hậu quả là dòng máu bị nghẽn dẫn đến sự đình trệ trong quá trình di chuyển. Não là cơ quan “lãnh đủ” nhất, gây mệt mỏi, uể oải, váng đầu, tê chân.
Chị em làm văn phòng rất thích mặc váy nhưng lại không hiểu rằng khi ngồi nhiều, họ đã vo tình làm hai bắp chân xấu đi: chân to, gân xanh nổi nhiều do ngồi lâu làm giãn tĩnh mạch.
Những “trụ trì văn phòng” thường có những khớp xương lỏng lẻo, mỗi khi vận động lại kêu răng rắc. Đứng dậy thì thấy xây xẩm mặt mày, lảo đảo. Ngồi một chỗ còn ảnh hưởng đến nhuận trường. Không khó tìm thấy trong đội ngũ nhân viên văn phòng những “thân chủ” của chứng táo bón và bệnh trĩ.
Tóm lại, nếu bạn đang là một nhân viên “cạo giấy” thì để bảo vệ sức khỏe cho mình, bạn hãy cố tránh đừng để sự bất động ru ngủ. Nếu bạn quá bận công việc, thi thoảng chỉ cần làm vài động tác duỗi chân, vươn vai trên ghế cũng đủ giúp bạn “giải phóng” sự ách tắc máu huyết. Tất nhiên, đôi khi bạn cũng nên “ly khai” chiếc ghế ngồi để đi dạo vài vòng quanh văn phòng, dạo qua bàn làm việc của đồng nghiệp, nói dăm ba câu chuyện rồi lại về làm việc. Cơ thể bạn khi đó được giải phóng, đầu óc cũng được thư giãn.
Hãy tạo mọi cơ hội cho sự vận động. Chẳng hạn thay vì nhấc điện thoại gọi cho phòng tài vụ hỏi lương tháng này, tại sao bạn không “thân chinh” đến tận nơi để hỏi trực tiếp. Bạn cần lấy đống tài liệu ở bàn bên cạnh, hãy đứng lên lấy thay vì ngồi yên trên ghế và bắt nó lăn bánh.
Quyết tâm cải tạo thói quen ngồi nhiều không những giúp bạn cải thiện sức khỏe mà còn giúp bạn chia tay với căn bệnh lười vận động.
Theo Thời Trang Trẻ