Khách hàng – Nhân chứng thuyết phục

Làm thế nào để có được những nhân chứng đủ sức thuyết phục và tạo được niềm tin cao đối với đông đảo người tiêu dùng? Dưới đây là lời khuyên của các chuyên gia.
1. Tạo ra và đem đến cho khách hàng những sản phẩm tuyệt vời. Theo các chuyên gia tiếp thị, sản phẩm nếu được tung ra thị trường thì phải đáng để khách hàng quan tâm và đưa ra những lời bình phẩm, nhận xét. Do đó, doanh nghiệp cần phải kiểm tra lại xem sản phẩm của mình đã thật sự bám sát những nhu cầu đích thực của khách hàng chưa.
2. Mời khách hàng tham gia các chương trình thử nghiệm sản phẩm. Lợi ích đối với những khách hàng thử nghiệm sản phẩm mới của doanh nghiệp là họ được trải nghiệm những điều mới lạ và mua hàng với giá ưu đãi, trong khi lợi ích của doanh nghiệp là những khách hàng đó sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp cách làm cho sản phẩm tốt hơn. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển quan hệ sâu hơn với khách hàng và mời họ làm nhân chứng để quảng bá cho hình ảnh và các giá trị của mình về sau.
3. Lắng nghe phản hồi của khách hàng. Doanh nghiệp nên tạo điều kiện thuận lợi và hướng dẫn khách hàng tận tình để giúp họ đưa ra ý kiến phản hồi, đồng thời ghi nhận sự đánh giá của họ về các đặc điểm, tính năng của các sản phẩm mà doanh nghiệp đang và sắp chào bán. Có thể lập ra một nhóm khách hàng chuyên làm công việc khảo sát để giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược phát triển sản phẩm. Cần nhớ rằng phải chủ động hỏi thăm khách hàng về trải nghiệm của họ trong quá trình sử dụng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không làm điều này kịp thời, những rắc rối mà khách hàng gặp phải sẽ tích tụ thành những nhận xét tiêu cực về sản phẩm của doanh nghiệp và chúng có thể sẽ bị phát tán rộng trong cộng đồng.
4. Tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng. Có thể gửi bản tin cho khách hàng, cập nhật thông tin, đưa các lời tư vấn liên quan đến việc sử dụng sản phẩm, giải thích các tính năng, lợi ích mới của sản phẩm để giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý là không nên lạm dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán, mà nên hướng đến việc tạo ra những giá trị gia tăng cho khách hàng một cách gián tiếp. Ngoài ra, nên thường xuyên cung cấp cho những khách hàng chuyên làm công việc khảo sát những thông tin quan trọng hay giá trị gia tăng xứng đáng nhất.
5. Gắn kết khách hàng qua các mạng truyền thông xã hội. Đây là một kênh giao tiếp rất thuận lợi để doanh nghiệp gắn kết với khách hàng và đem đến những giá trị gia tăng cho họ. Nên tạo ra các liên kết đến các trang xã hội của doanh nghiệp ở các điểm tiếp xúc trực tuyến với khách hàng qua mạng internet. Có thể tạo ra tương tác với họ thông qua các trang xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, LinkedIn, YouTube, Google+… và đừng nên bỏ qua các trang web tìm kiếm thông tin như Google, Yahoo!.
6. Khuyến khích khách hàng tham gia làm nhân chứng thông qua nhiều hình thức quảng bá thú vị. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể treo giải thưởng cho những khách hàng làm nhân chứng hài hước nhất qua các đoạn phim video dài 30 giây được đưa lên tài khoản YouTube của doanh nghiệp. Cũng có thể tổ chức những cuộc thi giới thiệu về sản phẩm của doanh nghiệp trong những ngày lễ hay nhân các sự kiện quan trọng.
7. Khẳng định thông điệp tiếp thị mà nhân chứng cần thể hiện. Doanh nghiệp nên linh hoạt trong việc để cho người làm nhân chứng được chọn lựa hình thức thể hiện như phát biểu trong một đoạn phim video, viết một câu chuyện dưới dạng tìm hiểu thực tế, đưa ra lời nhận xét trong các mục quảng cáo… Dù chọn hình thức nào thì điều quan trọng là phải hướng các nhân chứng vào thông điệp chính nhằm thể hiện những giá trị mà doanh nghiệp muốn truyền tải đến đông đảo người tiêu dùng.

Theo strategy