Sau khi Steve Jobs tuyên bố rút lui về hậu trường của Apple thì đồng loạt đã có hàng vạn người trên thế giới viết và bình luận về sự kiện này. Ông được coi là một “thiên tài” về quản trị đã rút lui. Đọng lại sau đó là 7 nguyên lý đổi mới của ông, chúng ta thử xem lại và vận dụng vào hiện trạng của Việt Nam cho việc đổi mới, đây cũng chỉ là một góc nhìn với nhiều thiển cận của nó.
Làm những gì bạn đam mê (Do what You Love).
Thời gian qua đi dạy và làm diễn giả cho một số diễn đàn dành cho giới trẻ, tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với bạn trẻ. Một điếu khá bất ngờ trong thời gian đầu là các bạn trẻ ngày nay khá tự tin so với thời xưa. Các bạn có nhiều cơ hội để trải nghiệm thực tế.
Để tìm hiểu thực tế có lần tôi hỏi một số bạn trẻ về định hướng nghề nghiệp và tương lai. Với câu hỏi nếu đi làm và có cơ hội được chọn một việc có thu nhập cao nhưng em không thích và 1 việc có thu nhập thấp nhưng phù hợp với đam mê thì em chọn công việc nào? Câu trả lời là hầu như phần lớn các em chọn nghề có thu nhập cao với nhiều lý do nhưng lý do làm tôi bất ngờ nhất đó là phải làm ra thật nhiều tiền!.
Và nếu xét về nguyên tắc của Steve Jobs thì có vẻ ông đã lổi thời với một số thành phần trong thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay. Nhưng quả thật đó là xu hướng nhưng không phải là chân lý cho sự thành công, vì nếu không có đam mê thì chúng ta rất khó để đi hết con đường sự nghiệp của mình.
2. Tạo nên sự khác biệt (Put a Dent in the Universe).
Yếu tố tạo sự khác biệt ngày nay dường như được mọi giới dụng triệt để thậm chí thái quá, đặc biệt là giới trẻ. Các bạn xem đây là công cụ để PR bản thân và thật sự là đôi khi không phân biệt được đâu là khác biệc đâu là cá biệt.
Sự khác biệt rất cần cho doanh nghiệp và cho cá nhân. Jack Trout và Steve Rivkin trong tác phẩm “Khác biệt hay là chết” đã đưa ra sự cần thiết trong chân lý của Marketing, nhưng trong thực tế không hẳn dành cho giới marketer mà cho cả doanh nghiệp và cá nhân. Đứng trên góc nhìn của giới trẻ thì cá nhân rất cần sự khác biệt, khác biệt để thế giới biết mình. Nhưng phải khác biệt bằng chính bản thân mình, bằng cách trang bị cho mình kiến thức và kinh nghiệm sống. Điều đó theo tôi mới chính là sự
khác biệt bền vững.
Vận động bộ não (Kick-Start Your Brain).
Khả năng sáng tạo của con người là vô hạn, khoa học cũng đã chứng minh hiện nay chúng ta sử dụng nguồn năng lượng của nảo bộ rất ít. Có lẻ vận dụng được nguyên lý này mà Steve Jobs đã đưa vào nguyên tắc thành công của mình nhằm khuyến khích các cộng sự sáng tạo. Và cũng chính yếu tố này tạo cho Apple có được những sản phẩm “để đời”, vang danh toàn cầu.
Ngày nay các phương tiện internet đã hỗ trợ cho chúng ta rất nhiều, tìm kiếm thông tin, tra khảo, học hỏi… nhưng mặt trái của nó là có lẻ làm cho chúng ta ngày nay càng lười biếng hơn, tất cả đều có sẵn hoặc chung ta thường đam mê với những cái đã có mà thiếu đi tính sáng tạo để nhằm tạo cuộc chơi mới trong cuộc sống cũng như trong thương trường.
Nguyên tắc này có liên quan đến câu nói của Jobs: “Một phần khiến Macintosh trở nên tuyệt vời là những người làm ra nó từng là nhạc sĩ, nhà thơ, nghệ sĩ, nhà động vật học và cả nhà sử học nhưng giờ lại trở thành những chuyên gia máy tính hàng đầu thế giới”.
Bán ước mơ, không phải bán sản phẩm (Sell Dreams, Not Products).
Câu này thoạt nghe có vẻ phù hợp với doanh nghiệp hơn là cá nhân, nhưng nếu chúng ta quan niệm khi làm việc đấy chính là chúng ta đang bán kiến thức. công sức, kinh nghiệm… cho sự thành công của chính doanh nghiệp đó.
Và nếu nhìn rộng ra thì chúng ta nên bán cả ước mơ, bán sự thành công cho công ty của chúng ta, chứ không phải làm hết giờ rồi thoải mái về nhà mặc cho sự thành bại của công ty chúng ta đang công tác. “Hãy đồng hành để được đồng cảm”.
Nói “Không” với 1.000 thứ (Say No to 1,000 Things).
Đừng lan man, đừng tham vọng đạt được quá nhiều mục tiêu trong cùng thời điểm, phải biết tập trung để có những ý tưởng sáng tạo đột phá trở thành hiện thực. Đó là ý tưởng chủ đạo của nguyên tắc này.
Ngày nay chúng ta nhìn xung quanh sẽ thấy có rất nhiều doanh nhân Việt Nam mong muốn làm giàu nhanh chóng, tận dụng mọi cơ hội mà lại không tập trung vào thế mạnh cối lõi của mình để tạo thêm giá trị. Những sản phẩm, dịch vụ thường na ná nhau, không có gì khác biệt lớn. Nếu một khi thị trường cạnh tranh khốc liệt hơn, chuyên nghiệp hơn thì liệu sự tồn tại có bền vững hay không? Mà bài học này chúng ta đã thấy qua thương hiệu Nokia trong thời gian qua.
Tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời (Create Insanely Great Experiences).
Cuộc sống có trải nghiệm là cuộc sống tuyệt vời, chúng ta khám phá được nhiều điều mới. Tuy nhiên, với bản chất ngại thay đổi của từng con người, đôi khi chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội để thử thách mình nhằm mang đến thành công.
Trong thực tế chúng ta không bao giờ cảm thấy thoải mái khi phải mang giầy của người khác. Nhưng nếu chúng ta hiểu được “đôi chân trong giầy” của người đối diện ta, thì có lẽ chúng ta sẽ có nhiều trải nghiệm tuyệt vời và có cách suy nghĩ khác về cuộc đời, công việc. “Hãy đứng vai trò của Sếp mình để hành xử công việc của mình để được thái độ tốt hơn”.
Làm chủ thông điệp (Master the Message).
Khả năng thuyết trình, thuyết phục tuyệt vời nhất là biết đưa ra thông điệp và quản lý được thông điệp đó. Ngày nay chúng ta có quá nhiều thông tin thu thập trong cùng một thời điểm chính vì điều đó những thông điệp cụ thể rỏ ràng sẽ mang lại hiệu quả trong truyền đạt thông tin.
Tác giả Carmine Gallo liệt kê trong cuốn sách “The Innovation Secrets of Steve Jobs” (Bí quyết sáng tạo của Steve Jobs) nhận định “Đổi mới vẫn đang nằm cô đơn ở đâu đó bởi rất ít người dám dũng cảm vứt bỏ những ý tưởng mới nhưng lại tự tin bảo vệ những gì họ đã chọn trước mọi chỉ trích. Do đó, rất ít người có khả năng cách tân ở mức độ cao như Steve Jobs”, quả thật đúng như vậy!
Theo strategy