Không nhất thiết phải thông minh và tài năng như Bill Gates hay Steve Jobs hoặc làm việc tại thung lũng Silicon mới biến được ý tưởng thành hàng trăm triệu USD.
Bất kỳ ai mà bạn nói chuyện sẽ luôn có ý tưởng kinh doanh với hy vọng một ngày nào đó sẽ kiếm được nhiều triệu USD với nó. Dù người ta có thể dễ dàng có được ý tưởng kinh doanh song việc làm sao để ý tưởng thành công vang dội lại ở phương diện hoàn toàn khác. Tuy nhiên nhiều doanh nhân với ý tưởng đơn giản và khởi đầu khiêm tốn đã có thể biến ý tưởng của họ thành công việc kinh doanh lớn.
Khi nói đến người kiếm được tiền từ ý tưởng của mình, người ta thường chỉ nghĩ ngay đến Bill Gates, Larry Ellison, Steve Jobs và Mark Zuckerberg, tuy nhiên thực tế người ta không cứ phải đến Silicon để biến ý tưởng thành hàng triệu USD.
Sara Blakely và Spanx
Một tối nọ, Sara Blakely cắt phần thân dưới của chiếc tất quần, ý tưởng về Spanx ra đời. Với 5 nghìn USD tiền tiết kiệm, cô bắt đầu nghiên cứu và sau đó nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho tất quần không chân và sau đó đến Bắc California gặp trực tiếp chủ xưởng thuyết phục họ sản xuất sản phẩm cho cô. Phần lớn người sản xuất nói với cô rằng cô sẽ chẳng bán được sản phẩm, tuy nhiên một người đã cho cô một cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng vô cùng “điên rồ” của mình.
Năm 2000, mẫu thiết kế của cô được hoàn thiện và cô bắt đầu mở gian hàng riêng của mình tại chính căn hộ nơi cô đang ở. 3 tháng đầu năm 2011, cô bán được hơn 50.000 đôi. Ý tưởng của cô đã phát triển mạnh. Spanx nay đã trở thành thương hiệu của các bộ quần áo lót làm gọn người, đồ tắm và đồ dạo phố. Doanh số bán lẻ các sản phẩm này năm 2008 ước đạt khoảng 350 triệu USD (lần gần nhất công ty công bố số liệu).
Brian Scudamore và 1-800-GOT-JUNK
Năm 1989, Brian Scudamore đang chờ lấy bánh tại lối phục vụ cho khách đi ô tô của McDonald khi một chiếc xe vận tải nhỏ thu hút sự chú ý của ông. Ông lập tức có cảm hứng và sau đó mua một chiếc xe tải cũ với giá 700USD để khởi nghiệp với The Rubbish Boys. Ông bắt đầu thu gom rác thải trong các lớp học tại đại học British Colombia để kiếm tiền trang trải học phí. Công việc kinh doanh của ông rất “độc”.
Năm 1993, ông rời trường đại học và tập trung vào công ty của mình. Năm 1998, ông đổi tên công ty thành 1-800-GOT-JUNK và 1 năm sau đó mở chi nhánh đầu tiên tại Canada. Hiện nay, công ty có chi nhánh tại toàn bộ Bắc Mỹ và Úc. Doanh thu toàn hệ thống của công ty năm 2007 và 2008 đạt 100 triệu USD.
Jennifer Telfer và gối thú cưng
Ý tưởng gối thú cưng đến với Jennifer Telfer sau khi thấy con trái cô cố gắng ấn bẹp thú nhồi bông để ngủ đè lên nó như một cái gối. Vì thế cô muốn sản xuất thú nhồi bông nhưng có thể dùng như gối.
Vợ chồng cô bắt đầu tự bán buôn sản phẩm này vào năm 2003 thông qua công ty của riêng họ CJ Products. Cô đến quảng cáo sản phẩm tại một ki ốt nhỏ tại một hội chợ trong kỳ nghỉ và sau đó tại một triển lãm hai tuần sau Giáng sinh. Sản phẩm dần có chỗ đứng trên thị trường và doanh thu năm 2010 đạt tới 300 triệu USD.
Bert and John Jacobs và “Life is good”
Bert và John Jacobs bắt đầu thiết kế áo phông đầu tiên vào năm 1989 và bán hàng dọc phố cũng như tại các trường đại học ở khu vực bờ biển phía Đông của Mỹ. Trong suốt 5 năm, họ liên tiếp thát bại. Năm 1994, họ nảy ra ý tưởng in hình của nhân vật hoạt hình lên áo có tên Jake và bổ sung vào khẩu hiệu “Life is good – cuộc sống tươi đẹp”.
Người ta rất thích khẩu hiệu đơn giản và tích cực này, doanh số bán sản phẩm lập tức tăng mạnh và các công ty bán lẻ rất quan tâm đến sản phẩm. Nay khuôn mặt của Jake và khẩu hiệu này không chỉ đơn giản xuất hiện trên áo phông. Nó còn xuất hiện trên sản phẩm cốc uống cà phê, dây buộc cổ chó. Cuộc sống đối với Bert và John Jacobs hiện nay cũng thật tốt đẹp, doanh thu năm 2010 đạt khoảng 100 triệu USD.
Jim Koch và công ty bia Boston
Việc kinh doanh bia dường như tồn tại trong máu của Jim Koch. Cha của anh là người nấu bia thế hệ thứ 5 thế nhưng ông đã rời ngành khi phần lớn các công ty bia chuyển sang sản xuất hàng loạt. Năm 1984, Jim Koch tin rằng người ta bắt đầu tìm kiếm cái gì đó khác biệt. Ông bỏ vị trí tư vấn quản lý, tìm lại công thức nấu bia của kị nội và bắt đầu nấu bia trong bếp riêng của nhà mình.
Một khi mẫu bia hoàn thành, ông đi khắp các quán bar ở Boston để cố gắng bán sản phẩm bia có tên Samuel Adams Boston Beer Lager. Hiện nay, công ty là công ty sản xuất bia thủ công lớn nhất thế giới với hơn 30 loại vị khác nhau. Loại bia này sử dụng mọi nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, Koch đi du lịch khắp thế giới để chọn lựa và phát triển công nghệ ủ bia của riêng mình.
Nỗ lực đã được đền đáp. Công ty cho biết đã giành được số lượng các giải thưởng trong các cuộc thi bia nhiều nhất thế giới. Doanh thu ròng của công ty quý 1/2011 lên tới 102,2 triệu USD.
Theo Ngọc Diệp