Điểm mấu chốt để VN khôi phục được sự năng động của nền kinh tế như trước đây là phải giải quyết được tình trạng nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho thị trường và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
“Các ngân hàng đang cần “thuốc” đặc trị” là chia sẻ đầu tiên mà ông Tomaso Andreatta (Quốc tịch Ý) – Phó Chủ tịch Eurocham tại VN, Trưởng đại diện khu vực Đông Dương của ngân hàng Ý Intesa Sanpaolo – Milan có trụ sở tại TP HCM đưa ra. Với 24 năm kinh nghiệm làm việc tại nhiều vị trí quan trọng cho các tập đoàn, tổ chức tài chính, ngân hàng… trên thế giới, chắc hẳn những nhận xét của ông không chỉ mang tính… ngoại giao.
Ấn tượng đầu tiên về ông có lẽ là sự thân thiện và cởi mở, điều ít thấy ở những CEO nước ngoài. Tuy nhiên, khi khơi đúng chủ đề “tủ” của mình, với “bản năng” của một chuyên gia chiến lược về tài chính, ngân hàng, M&A… ông tỏ ra rất thoải mái và đi thẳng ngay vào chủ đề chính là nợ xấu, ông Tomaso Andreatta nhắc đi nhắc lại rằng các ngân hàng đang cần những hành động cấp thiết. Ông cho rằng: “Tình trạng nợ xấu như hiện nay là hậu quả của việc sở hữu chéo trong các ngân hàng cũng như ảnh hưởng thái quá của một số cổ đông lớn, ngân hàng cho các bên liên quan vay và sự phụ thuộc quá mức vào thế chấp bất động sản để vay nợ…”
Giải quyết nợ xấu – khơi thông nguồn vốn
– Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh niềm tin vào từng ngân hàng đang ở mức thấp, niềm tin còn lại được đặt vào khả năng Ngân hàng nhà nước VN (NHNN) trong việc đảm bảo tính thanh khoản hợp lý cho thị trường. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào ?
Trong bối cảnh như vậy, tôi cho rằng ngành ngân hàng của VN chắc chắn đang cần những liều “thuốc” đặc trị. Điểm mấu chốt để VN khôi phục được sự năng động của nền kinh tế như trước đây là phải giải quyết được tình trạng nợ xấu, khơi thông nguồn vốn cho thị trường và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, tình trạng khủng hoảng hiện tại không quá nghiêm trọng bởi hệ thống ngân hàng của VN không bị thu hẹp nhưng nó lại ẩn chứa nhiều vấn đề mang tính nội bộ – những vấn đề này không thể nói là không nghiêm trọng.
Tôi nhận thấy, ở VN có rất nhiều ngân hàng tốt, đang hoạt động hiệu quả, họ thay đổi lại cấu trúc tài chính và đi theo đúng xu thế của thế giới. Các hoạt động của họ đều được phản ánh đúng, chân thực, rõ ràng và chúng tôi tin rằng những ngân hàng đó sẽ vượt qua được khủng hoảng với kết quả tốt
Theo tôi, đối tượng mà chúng ta cần quan tâm nhất hiện nay là những ngân hàng ít cơ hội hơn, ít kinh nghiệm hơn, ít vốn hơn và có thể có tỉ lệ nợ xấu (non-performing loan) nhiều hơn. Đối với các trường hợp đó, có lẽ Chính phủ và các ngân hàng VN đang dự kiến một sự hợp nhất trong toàn hệ thống.
Cần phải nhìn nhận thẳng thắn mức độ tổn thất hiện tại để hiểu được các giải pháp đưa ra có thể sâu đến đâu. Rất nhiều các khoản nợ trong các ngân hàng hiện nay được đảm bảo bằng bất động sản. Trong khối liên kết đó, thị trường bất động sản được xem như là một chất xúc tác chính cho nhu cầu trong nước.
Trong hoàn cảnh hiện nay, một sự điều chỉnh xuống giá bất động sản sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người vì nó tạo ra tính thanh khoản trên thị trường tạo ra cơ hội giải phóng cho thị trường bất động sản.
– Một trong những giải pháp đang được đưa ra là các khoản nợ xấu của ngân hàng sẽ được bán lại cho một Cty quản lý tài sản của nhà nước. Ông có cho rằng đây là một giải pháp tốt ?
Tôi có nghe nói về điều này! Cá nhân tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu để các ngân hàng tự giải quyết vấn đề của mình hơn là tập trung tất cả vào một Cty dẫn tới tập trung toàn bộ quyền sở hữu đặt vào một Cty rồi sau đó rao bán lại.
Ngoài ra, hiện các SPV (Special Purposed Vehicle – các khoản vay đặc biệt) đã và đang hoạt động khá tốt trong việc hỗ trợ làm tăng tính thanh khoản trong lúc các ngân hàng gặp khó khăn. Chính vì thế, tại sao ta không lựa chọn cách thức này để có thể giải quyết nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc tăng cổ phần nước ngoài trong các ngân hàng VN cũng là một giải pháp tốt. Hiện tại, ngân hàng nước ngoài không được phép sở hữu trên 20% cổ phần của một ngân hàng trong nước và tổng tỉ lệ sở hữu của các ngân hàng nước ngoài ở một ngân hàng trong nước không vượt quá 30%.
Gần đây, đề án cơ cấu lại hệ thống ngân hàng của Chính phủ đã lường trước sự tham gia của các ngân hàng nước ngoài vào việc hợp nhất và hội nhập hệ thống ngân hàng của VN bao gồm cho phép tăng cổ phần do ngân hàng nước ngoài sở hữu ở các ngân hàng trong nước thuộc đối tượng được cơ cấu lại.
Chúng tôi đề nghị NHNN làm rõ thêm về quy mô và thời gian tăng hạn mức sở hữu của ngân hàng nước ngoài và tỉ lệ tổng cổ phần nước ngoài trong ngân hàng trong nước. Chúng tôi tin rằng bất kỳ sự gia tăng hạn mức sở hữu nước ngoài nào cũng nên được áp dụng cho tất cả các ngân hàng trong nước. Một thành tố quan trọng trong đề án của Chính phủ là việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị, quản lý vốn và rủi ro cao hơn đối với các ngân hàng trong nước và chúng tôi tin rằng việc tăng tỉ lệ cổ phần nước ngoài sẽ giúp đẩy nhanh đáng kể tiến trình đáng mong đợi này. Với tỉ lệ sở hữu 15% hoặc 20% như hiện nay, ngân hàng nước ngoài chỉ có ảnh hưởng ở mức độ vừa phải đối với hoạt động quản lý của các ngân hàng được đầu tư ngay cả khi họ có đại diện trong Hội đồng quản trị.
– Với kinh nghiệm của mình, theo ông đâu là những giải pháp được cho là căn bản hiện nay đối với hệ thống ngân hàng ?
Theo tôi, trước hết cần cho phép các ngân hàng tiếp tục tiến hành các hoạt động được phép theo các quy định của NHNN mà không phải sửa đổi giấy phép hoặc các ngân hàng chỉ bắt buộc phải sửa đổi giấy phép trong trường hợp các quy định của NHNN được sửa đổi. Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro và quản trị tốt hơn; tăng tỉ lệ cổ phần các ngân hàng nước ngoài và nhà đầu tư nước ngoài khác được nắm giữ trong các ngân hàng trong nước và nêu rõ quy mô và thời gian tiến hành tăng; áp dụng đồng bộ việc thực thi các quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, cho phép các ngân hàng vượt quá mức giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng nếu có bảo lãnh hoặc thư tín dụng của ngân hàng thứ ba bảo lãnh cho khoản vượt quá đó. Đồng thời, hoàn tất việc ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 160.
Cần phát triển thị trường phái sinh tiền tệ cũng như tăng tính minh bạch trong hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ và hợp nhất các đợt phát hành trái phiếu chính phủ thành ít đợt hơn với số lượng lớn hơn và có tính thanh khoản cao hơn.
Một vấn đề nữa là cần bỏ tất cả các khoản thuế nhà thầu áp dụng trên tiền trả lãi vay của các khoản vay nước ngoài và áp dụng các quy định mới, dựa trên các nguyên tắc về sản phẩm đầu tư cho ngân hàng bán lẻ…
Sẽ xuất hiện những đối thủ nặng ký
– Trong bối cảnh kinh tế, ngân hàng gặp nhiều khó khăn như vậy, cách nhìn nhận của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các nhà đầu tư châu Âu đối với thị trường VN như thế nào, thưa ông ?
Kết quả cuộc khảo sát gần đây của chúng tôi cho thấy chỉ khoảng 45% các nhà đầu tư có cái nhìn khả quan trong khi phần lớn lại cho rằng nền kinh tế VN sẽ rơi vào suy thoái. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhưng cũng tương đối bất ngờ. Tôi cho rằng, ngay hôm nay nền kinh tế VN có thể đang gặp vấn đề nhưng không có nghĩa là ngày mai vẫn như vậy. Cũng như ở châu Âu, chúng tôi đã từng có một sự tăng trưởng chậm trong nền kinh tế do vấn đề về tính thanh khoản. Vấn đề này sẽ có tác động trong ngắn hạn vào đầu tư tại VN, nhưng trong dài hạn thì đầu tư vào VN vẫn có triển vọng tốt vì VN nằm trong khu vực châu Á đang phát triển, quản lý nhiều nguồn lực tương đối tốt. Đặc biệt là ảnh hưởng của nhân tố dân cư cộng với sự tập trung của nhiều nhân tố khác.
Vì vậy, trong trung hạn, các nhà đầu tư châu Âu chắc chắn sẽ cố gắng đầu tư vào thị trường VN nếu Chính phủ VN quay trở lại với các giải pháp quyết liệt hơn tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế. Hơn nữa, trong khu vực hiện nay cũng đang có sự cạnh tranh gay gắt, chẳng hạn với thị trường mới nổi như Myanmar, nếu VN không có những cải thiện tốt thì sẽ có những bất lợi trong việc thu hút đầu tư và cạnh tranh.
– Ông vừa nhắc đến thị trường Myanmar, gần đây các chuyên gia cũng đã có những cảnh báo nhất định về sự cạnh tranh của Myanmar trong thu hút FDI trong khu vực, trong đó có VN. Vậy theo ông, liệu Myanmar có làm được việc như các chuyên gia đã cảnh báo là sẽ hút các nhà đầu tư, thậm chí họ chuyển hướng đầu tư từ VN sang Myanmar ?
Theo tôi, Myanmar là đất nước phát triển sau nên họ sẽ có cơ hội học hỏi từ các nước đi trước trong đó có VN. Thêm nữa, trong xu thế đi lên của thế giới, nhiều công nghệ mới và nguồn vốn có thể khai thác nên họ có thể có tốc độ phát triển nhanh hơn VN dù Vn là quốc gia đi trước.
Tuy nhiên, sẽ mất rất nhiều năm trước khi Myanma có thể trở thành một đối thủ thực sự của VN ngoại trừ một số nền công nghiệp nhất định nơi mà các Cty mới và các sản phẩm mới có thể ra đời một cách nhanh chóng. Ví dụ xu hướng của các ngành công nghiệp XK của VN hiện nay là sản xuất giày dép, quần áo, hải sản, gạo… không đòi hỏi quá nhiều đầu tư về công nghệ, về nhà xưởng… họ có thể sản xuất về cơ bản giống hệt VN với tiền công lao động thấp hơn nhiều. Vì vậy, Vn cần có sự đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, tăng cường sức sản xuất cho nền công nghiệp để có thể được nhiều ngành sản xuất đa dạng, phức tạp hơn.
VN cần sản xuất các sản phẩm mới và phải học cách sản xuất các sản phẩm đó như thế nào. Để làm được điều đó, cần có sự thay đổi cách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vì nếu không người ta sẽ luôn giữ công nghệ gốc (core tech) ở ngoài VN. Ngày mai, mọi thứ có thể thay đổi, nếu không Myanmar sẽ nhận lấy các cơ hội và đuổi kịp VN.
Ở thời điểm hiện tại, tôi cho rằng các nhà đầu tư lớn cũng chưa đầu tư nhiều vào Myanmar bởi thị trường Myanmar còn quá nhỏ nên các tập đoàn chưa thể đầu tư trực tiếp. Chẳng hạn, ngay bản thân một ngân hàng lớn như chúng tôi cũng chưa có ý định trực tiếp vào đây. Nhưng chúng tôi đã xem xét các phương thức đầu tư khác vì một số khách hàng của chúng tôi đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở Myanmar. Có thể nói, Myanmar ngày nay đã trở thành một thị trường tương đối hấp dẫn, các Cty đã bắt đầu hoạt động kinh doanh trở lại và chúng tôi cũng hi vọng sẽ có được những cơ hội kinh doanh ở đó. Nếu VN không phát triển công nghệ, Myanmar sẽ thay thế VN với các sản phẩm có giá thành rẻ hơn. Khi đó, Myanmar sẽ là một “đối thủ” nặng ký với VN trong khu vực.
– Xin cảm ơn ông!
Theo baocongthuong