Có bao giờ bạn ở vị trí “phó” chưa? Nếu vậy bạn đã làm gì ở những cương vị như tổ phó, phó phòng hay phó giám đốc? Câu chuyện sau đây kể về một phó giám đốc khi anh còn ở độ tuổi ba mươi.
Tân là trưởng phòng kỹ thuật và KCS của một công ty xuất khẩu. Anh là một trong những “khai quốc công thần” của tổng công ty vì đã góp phần mở thị trường xuất khẩu, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều người.
Cùng với hai bộ phận khác là phòng kế hoạch và phòng tài vụ, trưởng phòng kỹ thuật tạo nên thế kiềng ba chân củng cố vị thế bền vững cho tổng giám đốc. Tuy nhiên, do tổ chức yêu cầu, Tân được điều động làm phó giám đốc của một công ty con trực thuộc.
Ở tuổi ba mươi đầy nhiệt huyết, cộng thêm sự tự tin vì những thành quả đóng góp cho tổng công ty cho những ngày đầu gian khó. Tân nghĩ rằng ở cương vị mới, tuy khó khăn vì đây là đơn vị yếu nhất của tổng công ty, nhưng anh sẽ cố gắng vực nó dậy. Tân bắt tay vào công việc với một số đề án nhằm khai mở một số thị trường và khách hàng, đầu tư nâng cấp thiết bị để ổn định chất lượng sản phẩm.
Để khỏi phụ thuộc vào hội sở, anh còn đề xuất mang chiếc ô tô cũ đi đại tu để tiện cho việc đi lại giao dịch với khách hàng. Sốt sắng với công việc, anh quên một điều quan trọng là trên anh còn có giám đốc công ty. Thật ra, mọi đề xuất được anh báo cáo và họp thống nhất triển khai với sự chủ trì của giám đốc và phê duyệt của tổng giám đốc.
Công việc tiến triển, vị giám đốc công ty ngoài mặt thì vui mừng nhưng bên trong thì lo, sợ vì mất thể diện vì mọi nguời đặt câu hỏi: “Anh ngồi đó làm gì từ bấy lâu nay?”. Với tâm trạng như thế, ông bắt đầu theo dõi và nghi ngờ sự nhiệt tình của Tân. Một số công trình thực hiện xong nhưng chậm được đưa vào khai thác, sử dụng vì chưa thể nghiệm thu.
Thời gian cứ trôi qua, Tân lúng túng không tháo gỡ được, anh quyết định nộp đơn từ chức phó giám đốc để đi học. Tân được toại nguyện nhưng sẽ không bao giờ quên bài học thất bại trong việc quản lý một đơn vị khi mình ở cương vị phó!
Bạn phải làm gì để tránh bài học thất bại của Tân? Lý thuyết trò chơi trong quản lý cho chúng ta biết điều đó. Vậy lý thuyết trò chơi là gì? Chỉ một câu đơn giản: “Lý thuyết trò chơi nghiên cứu hành vi hợp lý trong những tình huống liên quan đến sự phụ thuộc lẫn nhau”.
Trong tình huống trên, những hành động của Tân đã ảnh hưởng đến giám đốc công ty. Thành quả của anh không chỉ do anh quyết định mà còn phụ thuộc vào quyết định của giám đốc và nhiều người khác. Vì thế, không chỉ có nhiệt tình là đủ, Tân cần tính đến ảnh hưởng của những việc anh làm đối với giám đốc để hành động cho hợp lý.
Hơn nữa, tính phụ thuộc lẫn nhau trong trong một tổ chức dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau. Nếu Tân không làm cho mọi người có ý thức làm cho cái bánh to ra, mọi người sẽ tập trung tranh luận nên chia cái bánh như thế nào.
Làm thế nào để hành xử hợp lý trong câu truyện trên? Nếu Tân thử đặt mình vào vai vị giám đốc để xem xét kết quả do hành động của anh tác động thế nào đến uy tín, ảnh hưởng của giám đốc, anh đã có những hành động tốt nhất! Tất nhiên, con người ta không phải khi nào cũng hành xử hợp lý. Nếu vậy, các nhà tư vấn đâu còn đất sống.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn