Là sếp không phải lúc nào cũng đúng. Khi không đồng ý với quan điểm gì của sếp, bạn có quyền bày tỏ, tranh luận. Gặp sếp dễ thì đơn giản, nhưng nếu sếp là người khó tính, thì bạn hãy lưu ý những điều sau khi muốn “lên gân” với sếp.
Chọn đúng thời điểm
Đừng dại gì mà nhằm vào lúc sếp đang căng thẳng sau cuộc họp, hay sếp đang sốt ruột đi đón phu nhân ở sân bay… Hãy đợi vào lúc yên tĩnh của một ngày làm việc, chẳng hạn như sau bữa trưa, hoặc có tín hiệu vui xuất hiện trên mặt sếp.
Chọn đúng địa điểm
Bạn thật mạo hiểm nếu tranh luận với sếp trước toàn thể nhân viên. Thế thì còn gì là sĩ diện của sếp nữa. Chọn nơi kín đáo, phù hợp theo kiểu nói chuyện thân tình, có thể mời sếp đi ăn trưa để bàn bạc.
Chọn đúng phong cách
Luôn cởi mở, thân thiện đúng chừng mực, và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Có thể sử dụng phương pháp xen giữa bằng cách đưa ra một vài chuyện vui, một vài thành quả công ty đạt được rồi mới đề cập đến vấn đề cần tranh luận. Sau khi kết thúc cuộc “đàm phán”, hãy nói “ Cảm ơn ông (bà) đã dành cho tôi thời gian cơ hội để bày tỏ quan điểm”.
Tránh các câu khiển trách theo kiểu buộc tội
Thay vì thế, thể hiện sự phân vân lo lắng về công việc, chứ không ám chỉ vào cá nhân. “Tôi cảm thấy việc trì hoãn công việc X ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành. Liệu tôi có thể đẩy nhanh tiến trình công việc được không…?”.
Nhận một phần trách nhiệm
Khi thấy có người “đồng phạm”, có thể sếp sẽ dễ thừa nhận phần sai sót của mình. Hãy khéo léo “cài” mình vào, nhận một phần trách nhiệm nếu có thể. “Đáng lẽ ra tôi phải đề cập đến vấn đề này từ trước…”.
Khiêm tốn, nhún nhường
Đứng trên cương vị lãnh đạo, hầu như ai cũng phải có chút “vốn liếng” tri thức, tài năng, kinh nghiệm…Vì thế, không ai ưa người thích “trèo đầu cưỡi cổ”, những người tự phụ theo kiểu “biết tuốt”. Đừng thấy bắt được lỗi của sếp mà thích chí, hùng hổ vào nói cho sếp “bẽ mặt”. Thái độ điềm đạm với những quan điểm rõ ràng chắc chắn sẽ gây ấn tượng tốt, giúp bạn đạt được mục đích.
Hiểu và thông cảm cho sếp
Vấn đề bạn không đồng ý chưa chắc sếp đã nắm toàn quyền quyết định. Hãy thông cảm cho sếp, đừng gây áp lực quá. Chẳng hạn như theo bạn, cần phải tăng giá sản phẩm, nhưng điều này còn phải phụ thuộc vào phòng khai thác thị trường hay một số áp lực gì khác, nên sếp không chấp thuận. Lúc này, sự lắng nghe, thông cảm hiểu biết vấn đề sẽ làm sếp hài lòng hơn đấy!
Theo Essortment