Giải pháp gần như duy nhất để kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng và tiến tới phát triển bền vững chính là tư duy sáng tạo.
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012 và dự báo 2013 của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam mở đầu Diễn đàn Năng suất, chất lượng lần thứ 17 tổ chức tại Hà Nội ngày 12/12 đã đặt vào tâm trạng của các thính giả cảm giác bất an, khi các chỉ số tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đều đã đến giới hạn.
Cụ thể, năm 2012, GDP của Việt Nam được cải thiện theo từng quý, song cả năm vẫn đi xuống, với mức tăng trưởng chênh vênh 5%, thấp nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ gần đây. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm không làm tăng thêm sức mua cho đồng nội tệ, mà lại cho thấy sự “lạnh đi” của nền kinh tế, kèm theo nhiều bất ổn khác được dự báo sẽ tiếp diễn qua năm 2013. “Chúng ta đã ‘ăn’ vào tương lai quá nhiều”, TS. Trần Đình Thiên rút ra kết luận.
Theo tính toán của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), từ cuối những năm 1970, nhu cầu hàng năm của con người đã vượt ngưỡng sinh thái về tài nguyên so với khả năng trái đất tạo ra mỗi năm. Năm 2006, để đáp ứng nhu cầu của loài người về sử dụng nguồn tài nguyên và xử lý chất thải, đòi hỏi diện tích trái đất phải lớn gấp 1,4 lần hiện tại. Liên hợp quốc dự đoán, cứ đà tiêu thụ tài nguyên như hiện tại, thì đến năm 2050, trái đất cần lớn gấp đôi hiện tại mới đủ phục vụ nhu cầu của loài người.
Những thông số ngắn ngủi trên hàm ý rằng, sự tăng trưởng, phát triển của một quốc gia dựa trên nguồn lực đất đai, tài nguyên và vốn đầu tư đã kết thúc từ những năm 70 của thế kỷ trước. Cách thức để các quốc gia tồn tại đến hôm nay dựa trên một nền tảng căn bản khác – nền tảng của tư duy sáng tạo.
Đáng mừng là, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện thành công chiến lược phát triển đó. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, UAE… đã và đang gặt hái thành quả từ hạt giống sáng tạo được gieo mầm và chăm sóc đúng cách. Singapore, sau 3 thập kỷ thúc đẩy hoạt động năng suất, chất lượng, đã tăng GDP từ 43,6 tỷ USD lên trên 300 tỷ USD vào năm 2011, trong đó GDP
bình quân đầu người đạt 50.000 USD.
APO cũng chỉ ra rằng, tư duy sáng tạo – con đường dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm – không phải là điều gì quá trừu tượng, mà là những cải tiến hết sức cụ thể. Tập đoàn Boeing sau nhiều tháng nghiên cứu đã quyết định ứng dụng dây chuyền máy cắt cỏ tại các nông trang thay thế các xe nâng trong việc lắp ráp các hàng ghế trên máy bay. Đây là điểm mấu chốt để Boeing rút ngắn thời gian lắp ráp máy bay Boeing 777 từ 71 ngày vào năm 1998 còn 37 ngày ở thời điểm hiện tại.
Trở lại câu chuyện của nền kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT cho rằng, vẫn có những cơ hội cho Việt Nam, nếu chúng ta định vị đúng và tư duy một cách sáng tạo. “Có cơ hội đi nhiều nước, so sánh nền văn hoá, con người của nhiều quốc gia, tôi nhận thấy, Việt Nam có những thuận lợi lớn của một nền văn hoá nằm ở “ngã ba đường” mà không phải quốc gia cũng có được”, ông Hoà nói.
Theo ông Hoà, trong nhiều năm qua, thông qua các tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, Việt Nam đã giới thiệu được những sản phẩm mang tính tiêu chuẩn hoá và toàn cầu hoá cao, những hệ thống chất lượng hiệu quả, đáng tin cậy. Những thương hiệu Việt Nam như thế cần biết tập trung vào các thế mạnh của mình và quảng bá cho hình ảnh chất lượng tích cực, tạo “bệ phóng” cho thương hiệu Việt Nam.
Để thoát khỏi những khó khăn hiện tại, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng suất Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động áp dụng các mô hình quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp, từ đó đạt được các kết quả, hiệu quả về nâng cao năng suất, giảm thời gian thực hiện công việc, giảm số người thực hiện công việc…, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Theo Quang Hưng