TS Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng bộ Bưu chính viễn thông – người được coi là người tiên phong đặt nền móng cho internet tại Việt Nam và không ngừng kêu gọi mở cửa thị trường, kêu gọi phá thế độc quyền cung cấp dịch vụ đã có buổi phỏng vấn và chia sẻ về câu chuyện 15 năm phát triển internet tại Việt Nam.
Dấu ấn của 15 năm phát triển thị trường internet với ông là gì?
Là bài học về mở cửa đúng thời điểm. Ý chí đổi mới phải đủ cao thì các quyết tâm mới không bị chùn lại. Lúc đó, những người làm viễn thông và khoa học kỹ thuật thấy sức hấp dẫn của internet nhưng thuyết phục được lãnh đạo không dễ, bởi quan niệm về viễn thông – internet là gắn với an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia… Nhưng cũng nhờ Việt Nam đang chịu sức ép mở cửa nên chúng tôi có được cơ hội giải trình về sự cần thiết của internet để hội nhập. Bây giờ mới thấy may mắn vì mình đã không cản trở sự phát triển. Lúc đấy tôi cũng chưa hình dung hết sức mạnh của internet, giờ nhìn lại nước nào cấm internet đồng nghĩa với bị cô lập, là độc quyền, đói nghèo, thiếu dân chủ, là đóng cửa thị trường và người dân bị thiệt.
Nhờ viễn thông sớm đổi mới và đi thẳng vào công nghệ số mà năm 1995 chúng ta đã số hoá được các kênh phân phối, làm nền tảng cho internet sau này. Trước hết bản thân ngành công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông (ICT) đã bắt nhịp được thời cơ đổi mới, rồi tư duy kinh doanh chống bao cấp trong lĩnh vực này có khá sớm nhờ mở cửa làm ăn với nước ngoài và tiếp cận các kinh nghiệm thế giới. Chúng ta cũng trải qua bài học về thay đổi tư duy từ quản chặt đến mở ra, từ chỗ độc quyền đến nhiều nhà cung cấp. Việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới giúp giá thành giảm nhanh tạo thành công cho ngành này. Đó là lợi thế của người đi sau.
Giai đoạn hiện nay có những đòi hỏi mới và khác đi nhiều?
Quản lý hiện vẫn còn nặng về kiểm soát. Sau nhiều năm gia nhập WTO, ta thấy doanh nghiệp trong nước vẫn đang làm chủ ngành này nhờ được cọ xát ngay sân nhà rồi mạnh lên và hội nhập mà không bị “sốc”, nhưng lúc trước thì lo sợ, đặt ra quá nhiều giả định. 15 năm trước có ai nghĩ như hôm nay, sáng ra đầu hẻm, chị bán ve chai ngồi nghỉ, anh xe ôm chờ khách đều có thể bấm điện thoại. Vậy 10 – 15 năm nữa tác động ra sao chắc chắn lúc này chúng ta vẫn chưa hình dung hết được, nhưng xu hướng thì có thể nhận định ngay từ bây giờ. Thế giới đã đi vào toàn cầu hoá, dòng người, dòng hàng hoá, dòng tiền, dòng thông tin cuồn cuộn chảy. Hiện Viettel, VNPT đóng góp ngân sách hàng đầu nhưng 15 nữa là thị trường của dịch vụ, của thông tin trên internet, bức tranh khác và bài toán kinh tế sẽ thay đổi.
Dù cạnh tranh và cởi mở nhưng không thể nói viễn thông – internet đã xoá hẳn độc quyền, việc phát triển cần những tiêu chí gì mới?
Để phát triển tối ưu thì vai trò của doanh nghiệp tư nhân phải lớn mạnh hơn. Một khi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhiều quá đều không tốt (như viễn thông), chỉ như các đứa con trong gia đình ra riêng chứ chưa cạnh tranh nhau thực sự. Chính phủ chỉ cần khuyến khích phát triển công nghệ mới, dịch vụ mới với giá cả phù hợp chứ không nên cứng nhắc doanh nghiệp phải làm này nọ; không bảo bọc hay bắt chẹt doanh nghiệp. Chính vì là DNNN nên việc quản lý của chúng ta mới lấn cấn. Công nghệ phát triển nhanh không lường được, khi công nghệ mới đến phải có thời cơ mới đưa vào được, Nhà nước xác định cái gì tốt cho dân thì khuyến khích còn doanh nghiệp sẽ phải tự tối ưu hoá hiệu quả kinh doanh và thành bại do thị trường quyết định.
Việc quản lý theo hướng nào đó có thể là trở ngại của sự phát triển, yêu cầu hiện nay khác thời đó thế nào?
Thế giới bây giờ chuyển sang nền kinh tế tri thức, kinh tế dịch vụ và xã hội thông tin. Tôi gọi yêu cầu mới là tư duy 3.0, tức là quản lý phải thúc đẩy phát triển. Nói nôm na, khái niệm “quản đến đâu mở đến đấy” là tư duy trói (1.0); chuyển sang “quản lý theo kịp yêu cầu phát triển” là tư duy cởi trói, tháo gỡ (2.0). Nhưng không thể chỉ lo đi tháo gỡ mà phải đi trước mở lối cho xã hội, để doanh nghiệp phát triển công nghệ, phát triển ứng dụng và mở rộng kết nối quốc tế phục vụ dân sinh.
Viễn thông – internet dù mạnh cũng chỉ là hạ tầng, nó phải là nền tảng làm cho các ngành khác mạnh đều lên. Lâu nay nói rằng CNTT là động lực cho sự phát triển nhưng quan điểm thúc đẩy phát triển đất nước phải là “mạnh lên bằng CNTT” thay cho thông điệp của Chính phủ là “mạnh về CNTT”. Như vậy phải cần một ý chí mới mạnh mẽ hơn là làm cho những ngành khác phát triển mạnh lên bằng cách phát triển mạnh CNTT. Đó mới là tư duy mới.
Môi trường internet không biên giới khiến những lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội hoặc an ninh quốc gia, giải quyết điều đó ra sao, thưa ông?
Tính chất mở của internet là vô cùng, đó là thành quả công nghệ của nhân loại, là dịch vụ đời sống xã hội, là mối quan hệ giữa người và người, quốc gia với quốc gia. Nhiều nước đang nghiên cứu bảo vệ đất nước bằng chống chiến tranh mạng. Đương nhiên là mình cũng phải làm. “Chiến tranh” là vậy và cả thế giới đều phụ thuộc vào đó. Cần các quy chế luật pháp và sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật, nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo dục và dân trí. Một người biết sử dụng cái tốt của internet sẽ tự hạn chế cái xấu cho người chung quanh. Lo ngại ở mỗi giai đoạn mỗi khác, nhưng không chỉ có mỗi biện pháp hành chính “quản không được là cấm”. Internet có mặt tiêu cực nhưng không thể vì đó làm chùng lại sự phát triển kinh tế; không thể vì một vài hiểm hoạ, vài tiêu cực mà tạo ra rào cản.
Theo Tuyết Ân