Ngoại ngữ phải là yêu cầu bắt buộc

Vì sao Viettel phát triển vượt bậc, vươn xa hoạt động ra 5 quốc gia trong thời kỳ kinh tế bất ổn như hiện nay?
Chỉ tính riêng giai đoạn 1988-2008, Việt Nam thu hút 98 tỉ USD với 9.500 dự án đầu tư nước ngoài với nguồn vốn đầu tư từ 82 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các nước châu Á chiếm 16,7% và châu Mỹ chiếm chiếm 6% tổng vốn FDI. Điều này đồng nghĩa với việc VN phải có những chiến lược phát triển đúng đắn nhằm tối ưu hóa nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, các DN đã chú trọng đến việc đầu tư vào chất xám, bởi con người là yếu tố thành công trong sự phát triển kinh tế hiện đại.
Một nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động và giỏi ngoại ngữ sẽ hỗ trợ đắc lực trong việc nắm bắt không ngừng của thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh trong công ty.
Theo các chuyên gia kinh tế, từ khi gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của DN Việt đã được cải thiện, song vẫn ở mức thấp và độ ổn định chưa cao. Một trong những hạn chế đó là khả năng ngoại ngữ của nhân viên chưa cao, khó hội nhập và cạnh tranh trên trường quốc tế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, ông Nguyễn Ngọc Hưng – đại diện Trung tâm Đào tạo Ngắn hạn và Tư vấn – ISCSC, khoa Quốc tế – ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố kết quả khảo sát trên số lượng lớn người đi làm về số lượng lớn người đi làm có nhu cầu học tiếng Anh, cùng những chia sẻ thực tế từ lãnh đạo DN, cho thấy đang tồn tại khoảng cách lớn giữa nhu cầu học ngoại ngữ của nhân viên với tầm nhìn của nhà lãnh đạo trong việc khuyến khích cấp dưới phát triển kĩ năng này. 
Với bản thân người lao động, ngoại ngữ trước tiên đem lại sự tự tin cho bất kỳ tình huống nào khi đối diện với đối tác nước ngoài. Giỏi ngoại ngữ còn giúp nhân viên tiếp thu nhanh nhạy nguồn tri thức và công nghệ quốc tế. Từ đó, cơ hội thăng tiến cũng được mở ra với họ.
Đối với DN, nguồn lao động chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ sẽ giúp DN tự tin giao tiếp với đối tác nước ngoài, giúp tiến trình đàm phán, thương thảo được chủ động. Xa hơn, đội ngũ giỏi ngoại ngữ này còn giúp tăng khả năng cạnh tranh cũng như ứng phó nhanh với bất ổn trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Và chính nguồn lao động đó sẽ mang lại cơ hội hợp tác với nước ngoài, tối ưu hóa quá trình chuyển giao công nghệ và trí thức. Giỏi ngoại ngữ giúp bản thân nhân viên nhạy bén học hỏi cách làm việc, quản lý, văn hóa DN từ nước ngoài để từ đó chọn lọc, bổ sung, giúp hoàn thiện bộ máy vận hành trong lãnh đạo DN nội địa.
Theo Trung tâm ISCSC, từ tháng 7-8/2012, kết quả khảo sát trực tuyến cho thấy 31,9% nhân viên kinh doanh, 28,72% nhân viên CNTT và nhiều nhân viên ở các vị trí khác có nhu cầu học ngoại ngữ. Ngoài ra, những người ở lĩnh vực giáo dục, truyền thông, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, viễn thông, cơ khí,… đều có nhu cầu học ngoại ngữ cao.
Theo kết quả, 99% số người được trưng cầu nhận thấy tiếng Anh cần thiết cho người đi làm. 90% chia sẻ chủ yếu là tự học, 48% cho biết đã từng tham gia học tiếng Anh tại trung tâm. 48% chưa tham gia học tại trung tâm do chưa sắp xếp được thời gian. Như vậy, lý do chưa sắp xếp được thời gian cũng một phần xuất phát từ DN chưa chủ động khuyến khích, hỗ trợ nhân viên học ngoại ngữ. 
Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động& Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với tập đoàn Manpower khảo sát trên 1000 DN VN, cho thấy khả năng của lao động hiện nay đã không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế, đáng chú ý là chất lượng công việc và kỹ năng giao tiếp. Có đến 1/4 DN đánh giá lao động VN không đáng tin cậy, lo ngại ảnh hưởng đến uy tín và giảm năng lực cạnh tranh của DN. 
Trong khi đó, DN điển hình như Viettel với 100% vốn nhà nước, năm 2011 vẫn tăng trưởng đều bất chấp khó khăn. Công ty này có lợi nhuận lớn thứ hai trong toàn bộ gần 500.000 DN đang hoạt động. Đặc biệt, mức doanh thu hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel năm 2011 đạt trên 10.000 tỉ đồng với việc vươn xa hoạt động ra 5 quốc gia.

Theo Diệp Vi