Lực yếu, kỳ vọng nhỏ trong bình ổn giá

Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường, công tác bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang được Hà Nội thực hiện những bước cuối cùng và chắc chắn sẽ thành công. Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) khẳng định.

Hapro đã chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán như thế nào, thưa ông?

Để chuẩn bị cho nhu cầu của người dân vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Hapro đã khai thác, dự trữ và tổ chức phục vụ, bao gồm 1.200 tấn gạo, 690 tấn thịt, 2.700 tấn thực phẩm chế biến, 1.000 tấn rau, củ, quả.

Trong dịp này, Hapro sẽ dự trữ hàng hóa, dịch vụ với tổng trị giá khoảng 996 tỷ đồng (tăng 10% so với Tết Nhâm Thìn), bằng khoảng 1/5 (5.000 tỷ đồng) so với khối lượng dự trữ của toàn Thành phố.

Cùng với sự chuẩn bị đó, việc bình ổn giá được thực hiện như thế nào?

Để thực hiện bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, ngay từ tháng 8/2012, Hapro đã nhận được nguồn vốn 110 tỷ đồng (lãi suất 0%) và chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho 7 công ty thành viên lên kế hoạch đặt hàng từ các nhà sản xuất để chủ động nguồn hàng và không có đột biến đầu vào. Các đơn vị phải tham gia bình ổn giá sẽ tiến hành đặt cọc, hoặc ngân hàng bảo lãnh các hợp đồng với nhà sản xuất. Từ ngày 26/1/2012 đến 28/2/2013, đơn vị sẽ tổ chức 300 gian hàng ngoài trời theo mô hình quầy hàng tết tại các nơi đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất; thực hiện 45 chuyến bán hàng lưu động tại các quận nội thàng; mở 6 điểm bán hàng tại các huyện Sóc Sơn, Đan Phượng, Thạch Thất, Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm.

Chúng tôi có thể khẳng định, với nguồn vốn được cấp và với kinh nghiệm nhiều năm qua, Hapro sẽ hoàn thành nhiệm vụ bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Một điều tra gần đây cho thấy, tỷ trọng chiếm lĩnh thị phần trên thị trường bán lẻ của khối doanh nghiệp khu vực nhà nước chỉ là 10,9%, phần vốn cho bình ổn giá lại còn nhỏ hơn nữa, vì thế, hoạt động bình ổn giá được ví như “muối bỏ bể”. Ông thấy ý kiến đó thế nào?

Trước tiên phải thấy rằng, bản thân hoạt động của hệ thống thương nghiệp quốc doanh cũng đã hỗ trợ công tác bình ổn giá. Việc đưa ra thêm 10 mặt hàng cần phải bình ổn trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm là động thái cần thiết để giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng mà thôi. Nếu không có sự tham gia của thành phần thương nghiệp quốc doanh, tôi tin rằng, hiện tượng sốt giá một vài mặt hàng nào đó, đặc biệt trong khoảng thời gian nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến như dịp Tết Âm lịch sẽ diễn ra mạnh và kéo dài. Cần phải thấy rằng, hiệu quả của tác động tâm lý từ công tác bình ổn giá đối với các thành phần thương nghiệp khác là rất có lợi cho người tiêu dùng. Vì thế, nếu ví như “muối bỏ bể”, theo tôi là không chính xác.

Sau nhiều năm Nhà nước thực hiện chính sách bình ổn giá, vẫn còn những phàn nàn về việc các mặt hàng bán theo chính sách bình ổn giá đã không tìm được những địa chỉ đúng?

Phàn nàn thì khó có thể hết được. Như trên tôi đã nói, từ năm 2009, ngoài việc mở các quầy hàng bình ổn giá tại các siêu thị, khu vực trung tâm, chúng tôi đã tiến hành các phiên chợ quê, các quầy hàng lưu động tại các khu vực ngoại thành, nên những đối tượng cần nhận được sự hỗ trợ là những người thu nhập thấp đã có thể mua hàng bình ổn giá tại những địa điểm đó. Theo tôi, còn những phàn nàn là do lượng hàng bình ổn quá ít so với nhu cầu mà thôi.

Theo Ngọc Doanh