Ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết, xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp dịp cuối năm này vẫn là sản xuất cầm chừng, cắt giảm lao động.
Tại KCN Tam Phước, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ gần như ngưng hoạt động. Anh Nguyễn Ngọc Anh, phụ trách nhân sự một Cty chế biến gỗ xuất khẩu 100% vốn Đài Loan cho biết hơn nửa năm nay công ty không tuyển lao động, công nhân tự nghỉ gần hết bởi không có việc làm.
Ông Nguyễn Hữu Tấn, chủ doanh nghiệp gốm mỹ nghệ Phát Thành (TP Biên Hòa) cho biết: “Năm 2011 tình hình sản xuất đã ảm đạm, nay đơn hàng chỉ bằng 30% so với năm 2011”.
Bình thường khoảng ba ngày, Phát Thành có một mẻ gốm ra lò, nhưng hiện tại, một tuần chạy đôn chạy đáo tìm hàng, mới được một mẻ.
Một lần nung từ 500-550 sản phẩm, nhưng hiện tại các DN đặt hàng chỉ khoảng 300 sản phẩm là nhiều nên lại phải đi tìm thêm hàng cho đủ một mẻ nung.
Ông Vòng Khiềng, tổng thư ký hiệp hội gốm Đồng Nai, đồng thời quản lý doanh nghiệp gốm Thái Dương cho biết: “Thợ gốm có đặc thù khác với các ngành nghề khác, đào tạo một thợ gốm là cả một quá trình, nhưng hiện nay cũng đành nhìn thợ ra đi vì không có đủ việc làm. Lúc cao điểm, gốm Thái Dương có hơn 600 lao động, nhưng hiện nay chỉ còn gần 100 người”.
Chị Trần Thị Mai công nhân Cty sản xuất linh kiện điện tử tại KCN Biên Hòa 2 cho biết: “Từ đầu năm đến nay Cty đã nhiều lần cắt giảm nhân sự. Do đơn hàng không xuất được nên tiền lương cũng chậm”. Chị Mai lo lắng Tết đến gần nhưng công việc, lương bổng lại quá bấp bênh.
Chị Hoàng Thị Thương, quê Nghệ An làm công nhân may tại Cty Fasy cho biết do đơn hàng ít, từ nhiều tháng nay Cty không tăng ca, nên lương chính và các nguồn khác tổng cộng chỉ được hơn 3 triệu đồng. Với đồng lương này thì tiền thuê nhà, tiền ăn hằng tháng đã không đủ.
Chị Thương nói: “Làm việc đến cuối năm mong có ít tiền về quê ăn tết, nhưng tình hình này không biết có nên về hay không”.
Theo Tiền Phong