Cách đây ngót hai chục năm, khi hàng loạt các công ty nhà nước được sáp nhập theo những quyết định hành chính đã khiến mọi hoạt động của các doanh nghiệp này bị trì trệ. Một bài báo cảnh báo “Vốn lớn, cái đầu phải lớn”.
Với một anh nông dân, nếu dúi vào tay anh ta 1 tỷ đồng và bắt sinh lời là rất khó khăn bởi mỗi tháng, ít nhất anh ta phải bắt con trâu, cái cày của mình sinh ra trên dưới 10 triệu đồng.
Với một chủ doanh nghiệp nhỏ, số vốn 10 tỷ đồng với anh ta cũng là quá sức bởi gánh nặng 100 triệu đồng sinh lời mỗi tháng.
Với một ngân hàng cỡ vừa phải, trong tay có số vốn vài nghìn tỷ đồng, quay đến chóng mặt quanh năm để rồi kiếm ra được vài trăm tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mỗi năm đã là một mục tiêu toát mồ hôi hột.
Còn khi trong tay có 100.000 tỷ đồng, mấy ai dám công khai có một dự án để cam kết tạo ra một khoản lợi nhuận 1.000 tỷ đồng một tháng?
Khoản nợ khổng lồ ngót 100.000 tỷ đồng của Vinashin đã chứng minh rằng, sự nóng vội, duy ý chí không thể bù đắp được những lỗ thủng và khiếm khuyết của một nền kinh tế thị trường sơ khai, của một nền móng đào tạo ra các nhà quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp non kém, ở một cơ chế tuyển chọn cán bộ thiếu công khai và minh bạch… Nếu tổng hợp lại tất cả những ý kiến có tính xây dựng thì sẽ thấy rằng, cái được lớn nhất của vụ việc Vinashin là sự nhận chân của một hệ thống quản lý lỗi thời. Sẽ có nhiều bài học được rút ra, song suy cho cùng vẫn là yếu tố “cái đầu” của con người.
Các cụ xưa đã dạy “Mỗi lần vấp là một lần bớt dại”. Trong cái mất bao giờ cũng có cái được. Nhưng nếu tiếp tục sai lầm, vụ việc Vinashin chỉ có cái mất, không có cái được.
Theo Nguyễn Minh Vân