P&G Việt Nam – Nguồn xuất khẩu hàng hóa và nhân tài ra khu vực

Ngày 30/11/2012, Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) đã làm lễ động thổ, khởi công mở rộng Nhà máy sản xuất tã giấy nhãn hiệu Pampers tại Khu công nghiệp VSIP 2, Bình Dương, với số vốn đầu tư tăng thêm là 80 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư cho nhà máy này lên 125 triệu USD.

Trong 3 năm tới, sản lượng nhãn hiệu tã giấy số 1 thế giới Pampers của P&G sẽ tăng gấp 3 lần, nhằm phục vụ trẻ em Việt Nam và xuất khẩu. 

Nhân dịp này, phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Emre Olcer, Tổng giám đốc của P&G Việt Nam và ông Manuel Roman, Giám đốc Nhà máy Pampers.

Thưa ông Emre Olcer, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, thì vì sao P&G lại có quyết định mở rộng đầu tư vào Nhà máy sản xuất tã giấy Pampers? Điều này cần được hiểu như thế nào?

Liên tiếp trong ba năm qua, P&G Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng hai con số và cao nhất trong hệ thống P&G toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường tiềm năng của P&G. Có thể nói, trong khó khăn vẫn luôn có những cơ hội để tạo ra sự khác biệt. Ở P&G, chúng tôi luôn kiên trì theo đuổi chiến lược dài hạn, ưu tiên đầu tư cho các thị trường tiềm năng và luôn luôn chú trọng tới chất lượng và uy tín kinh doanh. Đó cũng là chiến lược đầu tư của Tập đoàn P&G tại Việt Nam.

Quyết định đầu tư thêm 80 triệu USD để mở rộng Nhà máy Pampers trong 3 năm tới với mục tiêu chính là phục vụ và chăm sóc ngày càng tốt hơn, cho nhiều trẻ em Việt Nam hơn. Đồng thời, P&G cũng tăng cường sản lượng xuất khẩu ra khu vực châu Á và các thị trường phát triển ở châu Âu và châu Mỹ. Đến nay, tổng vốn đầu tư cho hai nhà máy của P&G tại Bình Dương đã tăng lên gần 200 triệu USD và sẽ tăng nhiều hơn nữa trong 2-3 năm tới. Điều này thể hiện rõ cam kết đầu tư lâu dài của P&G tại Việt Nam. 

Nhà máy mới được xây dựng sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược hoạt động của P&G tại Việt Nam? P&G có ý định mở rộng xuất khẩu sang thị trường khu vực không? Nếu có, xin ông cho biết thông tin cụ thể?

Pampers là nhãn hiệu tã giấy số một thế giới và là nhãn hàng chiến lược toàn cầu của P&G. Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung là thị trường đầy tiềm năng của nhãn hiệu Pampers. Tại châu Á, Pampers đã lớn mạnh trở thành nhãn hiệu “tỷ đô”, với doanh số hàng năm đã đạt đến hàng tỷ USD. Với tiềm năng tổ chức sản xuất hiệu quả, Nhà máy Pampers tại Việt Nam đã đạt sản lượng cao, sản phẩm làm ra được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu rất tốt. Việc đầu tư mở rộng Nhà máy Pampers là một bước tiến chiến lược của P&G Việt Nam, không chỉ trong việc phục vụ tăng trưởng trên thị trường nội địa, mà còn nâng cao năng lực sản xuất, trở thành một trung tâm sản xuất của khu vực ASEAN và châu Á.

Ông đánh giá thế nào về thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam? P&G nói chung và nhãn hàng Pampers nói riêng kỳ vọng vào mục tiêu gì ở thị trường này?

Việt Nam có dân số gần 90 triệu người, với tuổi trung bình khá trẻ và mức độ phổ cập văn hóa khá cao. Người dân Việt Nam luôn trân trọng nếp sống văn hóa truyền thống, rất cởi mở, nhạy bén với những xu hướng, trào lưu mới của thế giới. Họ mua và sử dụng những sản phẩm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống một cách chọn lọc, “đáng đồng tiền bát gạo”. Đây là một thị trường rất tiềm năng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình có chất lượng cao, vốn là lĩnh vực mà P&G được đánh giá là số 1 thế giới (trong danh sách Fortune 500). Riêng đối với sản phẩm chăm sóc trẻ em Pampers, chúng tôi nhận thấy tất cả mọi gia đình Việt Nam đều quan tâm dành điều kiện tốt nhất cho các “thiên thần nhỏ bé” của mình.

P&G sẽ cung cấp các sản phẩm Pampers mới nhất, chất lượng tốt nhất để phục vụ trẻ em Việt Nam với mức giá cả phù hợp cho mọi phân khúc thị trường, để luôn là lựa chọn đáng tin cậy của mọi gia đình.

Mới đây, Nielsen đã công bố dự báo về sự lạc quan trong tiêu dùng của người Việt Nam có chiều hướng giảm và xu hướng tiết kiệm hơn chiếm ưu thế trong chi tiêu. Liệu điều này có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển sản phẩm của P&G tại Việt Nam hay không? P&G sẽ có những động thái gì để tiếp tục duy trì sức tiêu thụ tại thị trường Việt Nam?

P&G đã sản xuất và kinh doanh thành công trong lĩnh vực này từ 175 năm nay ở nhiều quốc gia, nhiều nền kinh tế khác nhau. Có thể nói, ở đâu, trong bất kỳ điều kiện nào, người tiêu dùng cũng luôn lựa chọn sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình có chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện kinh tế của mình. Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp chúng tôi nghiên cứu và phát triển sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại và mức giá cả, phù hợp cho mọi phân khúc thị trường. Đó là yếu tố trọng yếu để các sản phẩm của P&G luôn là lựa chọn đáng tin cậy của mọi gia đình.

Ông có thể chia sẻ những lợi thế khác biệt của Pampers nói riêng và P&G nói chung trên thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam hiện nay? Có ý kiến cho rằng, thị trường Việt Nam đã bão hòa về lượng, nhưng vẫn còn thiếu những sản phẩm có chất lượng và sự sáng tạo. Ông bình luận gì về nhận định này?

Với kinh nghiệm 175 năm hoạt động tại nhiều nền kinh tế khác nhau, P&G có thế mạnh vượt trội về nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu. Ví dụ, với thương hiệu Pampers, P&G nghiên cứu để hiểu biết sâu sắc nhu cầu của các bà mẹ, trẻ em Việt Nam và sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để phát triển, đưa vào sản xuất tại Việt Nam loại tã giấy cải tiến với công nghệ nén lõi đột pha. Loại tã giấy này cho phép mang lại sự khô thoáng và thoải mái tuyệt vời cho các bé, để các bé có giấc ngủ say nồng suốt đêm – điều mà cả nhà mong muốn. Đi đôi với hoạt động quảng cáo, Công ty còn tổ chức các hoạt động giới thiệu sản phẩm, tập huấn cho các mẹ cách chăm sóc, vệ sinh cho bé, cách sử dụng tã giấy tốt nhất, xây dựng hệ thống phân phối đưa sản phẩm tới người tiêu dùng tiện lợi nhất…

Đó chính là những yếu tố làm nên sự khác biệt cho thương hiệu Pampers và các sản phẩm của P&G.

Riêng về ý kiến cho rằng, thị trường Việt Nam phần nào bão hòa, nhưng vẫn thiếu những sản phẩm có chất lượng và sáng tạo, thì tôi cho rằng, đó là nhận định xác đáng. Điều này luôn xảy ra với mọi thị trường. Nhu cầu của con người chỉ muốn tiến hóa cao hơn, chứ không bao giờ giảm xuống. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển, đồng thời cũng là thách thức cho các doanh nghiệp (DN) phải vượt lên chính mình để cạnh tranh hiệu quả.

Ông có thể cho biết về những dự định đầu tư sắp tới của P&G tại Việt Nam?

P&G là một trong các DN nước ngoài đầu tiên đầu tư vào Việt Nam, khi Việt Nam thực hiện đường lối Đổi mới. Đến nay, P&G đã đầu tư gần 200 triệu USD và sẽ còn tăng thêm trong các năm tới. Với chiến lược đầu tư lâu dài, Tập đoàn chú trọng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực với chất lượng quốc tế để xây dựng P&G Việt Nam thành DN không chỉ tăng trưởng cao, mà còn là nguồn xuất khẩu hàng hóa và cả nhân tài ra thế giới. 

Thưa ông Manuel Roman, trở lại với Dự án P&G tại Bình Dương. Xin ông cho biết, quy mô tổng thể của nhà máy, thiết bị công nghệ của nhà máy như thế nào?
Toàn bộ nhà máy được thiết kế tổng thể và trang bị những dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị hiện đại nhất của Đức và Italia, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và theo tiêu chuẩn LEED (Leadership in Energy and Environmental Design – Dẫn đầu về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường) của Hiệp hội Công trình xanh Mỹ (US Green Building Council). Khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm được thiết kế và xây dựng đồng bộ với khu vực sản xuất đảm bảo tối ưu hóa hiệu suất hoạt động của nhà máy. Các trang thiết bị an toàn, bảo vệ môi trường đều tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế của P&G và Việt Nam.

Xin ông nói rõ thêm về tiêu chuẩn LEED?

Đây là bộ tiêu chuẩn về thiết kế các công trình với những tiêu chí tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường hiệu quả nhất do Hiệp hội Công trình xanh Mỹ xây dựng. Chủ thể của công trình đăng ký để được thẩm định và cấp giấy chứng nhận LEED theo nhiều cấp độ, từ Đồng lên Bạc, Vàng, Platinum…

Công trình đạt chứng chỉ LEED là công trình có uy tín hàng đầu về tính chuyên nghiệp, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. DN có công trình đạt chứng chỉ LEED là DN rất có uy tín, có lợi thế cạnh tranh, giảm thiểu rủi ro, thu hút nhân viên và khách hàng. Bạn đọc có thể tham khảo thêm thông tin tại website của Hiệp hội Công trình xanh Mỹ https://new.usgbc.org/leed.

Theo Lê Toàn