Khủng hoảng kinh tế khiến thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ cao (KCNC) tại TP.HCM, các dự án đầu tư vẫn lấp đầy.
Đón sóng đầu tư
Ông Robert Johnston, Phó giám đốc Cushman & Wakefield Publication, đưa ra một cái nhìn tổng quan về các khu chế xuất, KCN tại TP.HCM. Robert khẳng định, khu chế xuất Tân Thuận được thành lập năm 1991 là mô hình thành công nhất tính đến thời điểm hiện nay.
Từ đây, bắt đầu giai đoạn 1992-1998, có hơn 10 KCN được thành lập. Tới năm 2008, có 15 KCN hoạt động cung cấp 2.475ha đất công nghiệp.
Và mới đây, Bộ Xây dựng thông qua kế hoạch phát triển 5 KCN mới ở TP.HCM là KCN Đông Nam (338ha), KCN Hiệp Phước (200ha), Bàu Hưng IP (175ha), Vĩnh Lộc 3 IP (300ha) và KCN Tân Thới Thượng (200ha).
Hiện nay, các KCN của TP.HCM chủ yếu tập trung ở các quận phía Tây như Bình Tân, Bình Chánh, Tân Bình, Hóc Môn và Củ Chi, do quỹ đất lớn.
Đa số các KCN ở TP.HCM đều ưu tiên cho ngành cơ khí, điện tử, viễn thông, dược mỹ phẩm và chế biến thức ăn. Trong 5 năm tới, có khoảng 2 – 3 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này.
Giá thuê đất KCN tại TP.HCM đã tăng trong những năm gần đây. Từ năm 2007, giá thuê đã tăng trung bình 30%/ năm, đặc biệt là những KCN gần trung tâm.
Phó giám đốc của Cushman & Wakefield Publication đưa ra dự báo, trong quý IV/2011 giá thuê sẽ ổn định ở KCN cũ, vốn gần như đã lấp đầy. Tuy nhiên, những KCN mới thành lập sẽ giảm giá thuê để cạnh tranh. Đến năm 2020, sẽ có khoảng 12 KCN mới cung cấp cho thị trường.
Khi so sánh các KCN Việt Nam với các nước trong khu vực, cụ thể là Thái Lan, các nhà đầu tư thường không chọn KCN Việt Nam. Các KCN Thái Lan có giá rẻ, khoảng 10 USD/m2, có cơ sở hạ tầng tốt và công nhân có tay nghề cao.
Tuy nhiên, trong tình hình mới có thay đổi do những bất ổn về chính trị và thiên tai của Thái Lan, KCN Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư.
Nhưng phía Cushman & Wakefield Publication cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, việc thu hút đầu tư vào KCN sẽ đối mặt với những thách thức về cơ sở hạ tầng, đất đai chưa sẵn sàng trong khi làn sóng đầu tư từ Nhật, từ Trung Quốc đang hướng về Việt Nam. Cộng vào đó là sự cạnh tranh gay gắt từ các KCN các nước trong khu vực: Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philipines.
Khu công nghiệp cao?
Thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), trong tổng giá trị xuất khẩu lũy kế hơn 1,4 tỷ USD của cả khu, thì giá trị xuất khẩu lũy kế của Intel (đến tháng 10/2011) vào khoảng 500 triệu USD, trong đó giá trị xuất của Intel năm 2010 là 120 triệu USD. Như vậy, cùng với số lượng dự án đầu tư, giá trị đầu tư tại đây cũng đã dần được khẳng định.
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, hiện nay toàn khu đã lấp đầy 95% đất giai đoạn một. Toàn bộ dự án có diện tích trên 913ha, giai đoạn 1 triển khai trên 326ha, giai đoạn 2 triển khai trên 587ha từ năm 2011 -2015.
Trung bình mỗi năm, SHTP tiếp xúc hơn 100 nhà đầu tư. Đến 9/2011, Ban quản lý đã cấp 55 giấy chứng nhận đầu tư, với tổng số vốn đầu tư lên đên trên 2,037 tỷ USD.
Ông Lê Hoài Quốc cho biết, SHTP hiện tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao thuôc 4 lĩnh vực chính: vi điện tử, công nghệ thông tin – viễn thông; cơ khí chính xác – tự động hóa và chế tạo robot; công nghệ sinh học ứng dụng vào bào chế thuốc và xử lý môi trường; vật liệu mới, năng lượng mới và công nghệ nano…
Ngoài 10 dự án đã được nhận giấy chứng nhận đâu tư trong năm 2011, SHTP đang thẩm định từ 6 – 7 dự án. Theo đánh giá của giới đầu tư, SHTP là một trong những khu công nghệ có gói ưu đãi về thuế và giá thuê đất cạnh tranh so với các KCNC trong khu vực và thế giới.
Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm, trong đó 4 năm đầu kể từ năm đầu tiên có lãi thuế suất là 0%, 9 năm tiếp theo 5% và 2 năm còn lại 10%…
Tuy nhiên, một câu nói vui của không ít nhà đầu tư trong nước cũng đáng để lưu ý: “Nên gọi Khu công nghệ cao TP.HCM thành… KCN cao, mới là chính xác”! Điều này thể hiện khá rõ trong giai đoạn một của dự án. Nhiều tập đoàn quốc tế khá có tên tuổi đã đến đây xây dựng nhà máy. Nhưng sản phẩm tạo ra được dán mác công nghệ cao lại quá đơn giản.
Đơn cử như tập đoàn Nidec, một trong những sản phẩm chính được sản xuất ra là… quạt máy dùng cho ô tô và CP máy tính. Chưa kể, có một lượng lớn lao động của nhà máy chỉ mới học hết cấp 2.
Trong khi đó, theo quy định, các dự án tại SHTP phải dành ít nhất 1% doanh số và 5% trong tổng lao động cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tuy nhiên, hàm lượng R&D (bao gồm suất đầu tư cho R&D, tỷ lệ nhân sự làm R&D…) đến nay vẫn chưa thể hiện rõ trong sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp và có ít nhà đầu tư triển khai thực hiện theo cam kết ban đầu.
Doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao đang hướng vào Việt Nam. Nhưng một nguồn tin đáng để SHTP lưu ý: Tập đoàn Sojitz, Daiwa House và Công ty Kobelco Eco-Solutions (thuộc Kobe Steel Group) sẽ cùng nhau xây dựng KCN Long Đức (huyện Long Thành, Đồng Nai) trên diện tích 270ha với tổng kinh phí đầu tư 100 triệu USD. Như vậy, TP.HCM đang chịu sự cạnh tranh của chính các tỉnh về KCN cao.
Theo Đình Bắc