Học bổng cho người đi làm

Có rất nhiều nguồn tài trợ học bổng dành cho những người đang làm việc cho các công ty, tổ chức…, nhưng những tiêu chuẩn khắt khe đi kèm thường khiến nhiều người nản lòng. Tuy nhiên, vẫn có cách chinh phục những tiêu chuẩn khắt khe ấy.
Mở cánh cửa không dành cho mình
Biết mình không có điều kiện nhưng tôi luôn ấp ủ ước mơ du học. Tốt nghiệp Đại học Luật với điểm cao, được một công ty thương mại nhận vào làm với mức lương nhiều người mơ ước, thế nhưng tôi chấp nhận chuyển qua làm thư ký ở một công ty luật với số lương ít ỏi để mong có cơ hội được làm việc phù hợp với chuyên môn cũng như tích lũy kiến thức thực tế.
Và chỉ sau một tháng tôi đã được giao phụ trách các dự án lớn của khách hàng. Vừa làm, tôi vừa tranh thủ tìm kiếm các nguồn tài trợ cho ước mơ du học của mình.
Dù không nhiều như học bổng dành cho sinh viên, học sinh, nhưng những học bổng đào tạo chuyên sâu dành cho người đã đi làm vẫn được các nước ưu ái dành cho Việt Nam.
Đi làm được hai năm, tôi may mắn tìm được học bổng toàn phần đào tạo thạc sĩ luật ở Mỹ. Ngày nhận thông báo, tôi mừng vui khôn xiết nhưng hoàn cảnh gia đình lúc đó không cho phép tôi rời Việt Nam, thế là đành gác lại ước mơ, nuối tiếc nhìn cơ hội trôi qua.
Sau đó, thông qua một công ty săn đầu người hàng đầu của Việt Nam, tôi chuyển sang làm việc cho một công ty của Anh. Dù rất bận rộn nhưng hễ có thời gian rảnh là tôi lại tiếp tục tìm kiếm nguồn học bổng.
Tình cờ tôi biết được thông tin Chính phủ Thụy Điển cấp học bổng đào tạo chuyên ngành cho nhân viên của các cơ quan nhà nước. Xét về tiêu chuẩn năng lực, bằng cấp… tôi đều đạt được yêu cầu của học bổng này nhưng về đối tượng, tôi hoàn toàn không phù hợp vì đang làm việc cho công ty tư nhân và lại là công ty sản xuất thuốc lá.
Tuy nhiên, tôi vẫn quyết định nộp hồ sơ. Biết mình không thuộc đối tượng được cấp học bổng nên trong đơn đăng ký tôi nêu rõ mục đích khi tham gia khóa học là nghiên cứu các vấn đề sở hữu trí tuệ để có thể ứng dụng tại Việt Nam sau này. Đây là vấn đề đang được thế giới quan tâm nên cũng phần nào giúp tôi ghi điểm.
Dù bị điểm trừ vì nơi đang làm việc nhưng cuối cùng, nhờ sự chân thành và kiên trì, tôi cũng thuyết phục được nhà tài trợ học bổng. Ngẫm lại mới thấy, có những cánh cửa tưởng chừng không dành cho mình nhưng nếu cố gắng, cánh cửa ấy vẫn có thể mở ra cho những người tâm huyết với nó.
Với học bổng cũng vậy, chỉ cần tìm hiểu kỹ đòi hỏi của học bổng đó là gì vì mỗi học bổng đều có đòi hỏi khác nhau. Ví dụ, học bổng của các tổ chức chính phủ thường đòi hỏi người nhận phải có đóng góp sau khi học, còn học bổng của các tổ chức tư nhân lại quan tâm đến nhân cách và ý chí của người nhận…
Dung hòa giữa làm và học
Khi công việc đã ổn định, một lần nữa, tôi quyết tâm thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu. Sang Bristol, Anh theo học chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành luật thương mại quốc tế khi đang làm việc tại một công ty của Mỹ khiến tôi phải dang dở con đường phát triển sự nghiệp. Và với rất nhiều công ty, du học đồng nghĩa với mất việc.
Để dung hòa được điều này, tôi đã phải cố gắng hết sức thuyết phục Ban giám đốc và phải sắp xếp công việc sao cho sự vắng mặt của tôi không ảnh hưởng đến hệ thống. Đồng thời, sử dụng toàn bộ thời gian ở nước ngoài chỉ để hoàn thành việc học và xử lý công việc qua email. Mỗi kỳ nghỉ, thay vì nghỉ ngơi, du lịch như các bạn khác, tôi phải lao vào giải quyết công việc.
Đi ra nước ngoài nhiều nhưng khi bước chân vào môi trường học tập chính thống tôi cũng không tránh được ngỡ ngàng. Dù khá thông thạo tiếng Anh, nhưng khi sang Anh, phải mất khoảng hai tuần tôi mới có thể nắm bắt và quen với chất giọng cũng như cách dùng ngôn ngữ ở đây. Bạn bè quốc tế tư duy rất nhanh và rất chủ động trong học tập, du học sinh Việt phải rất cố gắng mới có thể theo kịp.
Hoàn tất chương trình, dù luận văn tốt nghiệp của tôi nghiên cứu về tổ chức trọng tài kinh tế quốc tế giải quyết tranh chấp đầu tư ICSID được giáo sư hướng dẫn đánh giá cao nhưng tôi vẫn quyết định không nghe theo lời khuyên học tiếp lên tiến sĩ của cô.
Tôi nghĩ đã đến lúc quay về để ứng dụng những kiến thức học được vào công việc thực tế. Vị trí hiện tại của tôi là luật sư thành viên của một công ty luật, trưởng nhóm phụ trách mảng tư vấn doanh nghiệp và đầu tư, tiếp xúc nhiều với các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A).
Giờ mới thấy kiến thức lĩnh hội trong các khóa đào tạo dù ngắn hay dài ngày đều chẳng có gì là thừa. Chúng giúp tôi tự tin hơn, cách trình bày cũng thuyết phục hơn và nhất là tìm thấy những câu trả lời hợp lý nhất.
Nhờ đó, tôi đã hỗ trợ được cho khách hàng, đặc biệt là các công ty Việt Nam, thể hiện mình trước các thương vụ M&A với đối tác nước ngoài.

LS. HOÀNG NGUYỄN HẠ QUYÊN – Công ty Luật LCT

Theo Giamdocdieuhanh