Bạn nghĩ rằng mình đang đi theo lối mòn? Đã lâu bạn không được tăng lương hay thăng chức? Bạn nên làm gì đây? Đối với những người mới nhận việc, hãy nhìn nhận tình huống này từ góc độ cấp trên của mình.
Bản chất con người là như nhau dù họ ở cương vị cao hay chỉ là nhân viên cấp dưới. Những gì tạo động lực cho bạn thì với sếp cũng thế. Sếp của bạn cũng muốn thành công, muốn kinh doanh phát đạt hơn, muốn tăng thu nhập cá nhân của họ. Nếu không thì họ đã nghĩ làm để đi chơi gôn chứ chẳng việc gì phải mạo hiểm với đồng vốn của mình và hao tốn năng lượng tại nơi làm việc.
Sếp muốn thăng chức và tăng lương cho bạn – nếu theo đánh giá của họ, bạn xứng đáng được như vậy. Nếu bạn giúp sếp đạt được mục tiêu thì chắc chắn họ cũng sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của chính bạn. Nếu không thì sếp bạn là kiểu người mà bạn không nên làm việc và cống hiến công sức cho họ nữa.
Con đường đi tới thành công chắc chắn nhất là giúp đỡ người khác nhiều hơn mức người ta kỳ vọng ở bạn. Nếu bạn chỉ chăm chăm vào doanh số hàng ngày của mình, nếu bạn chỉ làm đúng những gì được yêu cầu, nếu bạn không quan tâm gì đến sự phát triển của cả công ty – thì bạn chẳng có quyền đòi hỏi sự gia tăng quyền lợi cho mình.
Có lẽ đã đến lúc bạn từ bỏ thói vô trách nhiệm và thực hiện một chiến dịch rõ ràng để thoát khỏi lối mòn thường ngày đó. Hãy bắt đầu với chân lý rằng cấp trên sẽ không thúc đẩy sự thăng tiến cho bạn – mà chính bạn sẽ tạo ra sự thăng tiến cho bản thân.
Hãy bắt đầu bằng cách nắm bắt mọi cơ hội để chứng minh với sếp khả năng đảm nhiệm những trọng trách cao hơn của bạn. Thay vì né tránh công việc, hãy chủ động tìm thêm việc cho mình. Khi tiếp nhận nhiệm vụ từ người khác, bạn sẽ là người duy nhất có quyền ra quyết định cho vấn đề. Tiêu chuẩn tối quan trọng của người lãnh đạo là tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm.
Hãy quyết định xem bạn thực sự muốn làm việc gì và tự rèn luyện kỹ năng xử lý công việc đó. Hãy tận dụng thời giant ham gia những chương trình đào tạo của công ty hoặc những khóa đào tạo do các trường đại học, cao đẳng tại địa phương bạn tổ chức. Hoặc bạn có thể thành thực kể với cấp trên rằng bạn muốn học cách hoàn thành công việc và bạn sẽ hết sức biết ơn sự giúp đỡ của họ.
Trên hết, hãy để ý và học hỏi cách nhìn nhận sự việc của cấp trên. Hãy nhớ rằng, nếu bạn đã thành công sau những nỗ lực của mình, có thể một ngày nào đó, chính bạn cũng sẽ thành cấp lãnh đạo. Hãy dành sự quan tâm tới công ty giống như cấp trên của bạn. Hãy cố gắng quan sát nhà máy, văn phòng hoặc cửa hàng bằng đôi mắt của cấp trên.
Muốn vậy, bạn phải điều chỉnh tư duy của mình theo góc độ quản trị. Bạn sẽ thấy mình cũng đang nghĩ tới những biện pháp làm tăng năng suất, giảm chi phí, tăng doanh số và lợi nhuận. Bạn cũng sẽ thấy tâm trí mình đang sôi sục những ý tưởng nhằm đạt được những mục tiêu đó.
Hãy để lòng nhiệt tình và trí tưởng tượng của bạn lên tiếng. Đừng ngần ngại đưa ra một ý tưởng nào đó chỉ vì nó có vẻ tiểu thuyết hay mạo hiểm, cũng đừng để những người bi quan làm bạn nhụt chí vì những lời chỉ trích kiểu như: “Việc đó trước đây chưa có ai làm thử cả”. Điều đó càng trở thành lý do để bạn thử sức mình đấy.
Hãy bắt đầu từ công việc mà bạn đang chịu trách nhiệm. Làm thế nào để hoàn thành công việc đó nhanh hơn, tốt hơn, hiệu quả hơn và ít tốn kém hơn? Những thao tác nào có thể bỏ đi hoặc kết hợp với nhau? Những cải tiến nào sẽ mang lại một sản phẩm ưu việt hơn với chi phí thấp hơn?
Hầu như tất cả mọi công ty ngày nay đều có một cơ chế mở để tận dụng nguồn trí lực của nhân viên. Qua đó, bạn có thể đề đạt ý tưởng của mình với cấp trên. Nếu công ty của bạn vẫn chưa xây dựng một cơ chế mở kiểu như thế thì cũng nên cân nhắc lại về điều này.
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những nỗ lực thăng tiến của bạn phải hết sức chân thành. Không có gì giả dối hơn một kẻ xu nịnh hay một người ba phải, chuyện gì cũng gật đầu đồng ý. Hãy thử đặt mình vào những kiểu người đó mà xem. Nếu bạn thực sự nhiệt tình giúp công ty phát triển, bạn sẽ thực sự cảm thấy thoải mái cho dù bạn có được cấp trên thừa nhận năng lực của bạn ngay lập tức hay không.
Hãy chắc chắn là những ý kiến của bạn luôn mang tính tích cực. Bạn không thể leo lên nấc thang của thành công bằng cách đẩy người khác xuống. Nếu ý kiến của bạn chỉ nhằm vào việc phàn nàn, chỉ trích hay phê phán đồng nghiệp – thì hãy quên những ý kiến đó đi. Ý kiến của bạn cần mang tính đóng góp tích cực để tạo thêm việc làm mới và thu nhập cao hơn cho tất cả mọi người.
Bạn cũng nên nhớ rằng chẳng có ý kiến, ý tưởng nào là đáng giá nếu không đi kèm với kế hoạch hành động cụ thể. Nếu bạn cho rằng ý tưởng nào đó có giá trị thì hãy thực hiện ngay lúc này, tự mình hoặc với sự hợp tác của người khác. Đừng để ý tưởng đó bị lãng quên!
Xét cho cùng, một ý tưởng nếu không được thực hiện chẳng khác gì ý tưởng đó chưa bao giờ được nảy sinh. Và, không có gì tồi tệ hơn sự chết yểu của một ý tưởng.
Theo Bích Chiêu