4 kẻ thù phá hoại buổi phỏng vấn

Phỏng vấn xin việc luôn là một quá trình căng thẳng, ứng viên thường ở trong tâm trạng lo lắng dù đã chuẩn bị về kỹ năng, kinh nghiệm, cách xử lý tình huống để chia sẻ với người phỏng vấn. Đôi khi, những sai lầm nhỏ bạn không hề để ý tới lại là kẻ thù khiến bạn đánh mất cơ hội khi đối diện với nhà tuyển dụng.
Robert Half International – một công ty về nhân sự tại Mỹ đã tiến hành khảo sát với một số nhà tuyển dụng và người lao động, đề nghị họ kể lại những rào cản lớn nhất trong buổi phỏng vấn họ từng gặp hoặc từng biết đến. Sau đây là một số chia sẻ đó:
1. Không quên nói xấu người khác
– Ứng viên nói với tôi rằng, nếu cô ấy nhận ra công ty tôi từ trước, cô ấy đã không nộp hồ sơ và đến buổi phỏng vấn này.
– Khi được hỏi về lý do từ bỏ công việc hiện tại, ứng viên ngay lập tức quay ra chê bai quản lý cũ, “quản lý công ty cũ của tôi toàn một lũ ngốc”.
– Một ứng viên nộp đơn vào bộ phận chăm sóc khách hàng nhưng khi được hỏi, bạn không thích điều gì nhất mỗi khi đi làm, ứng viên lại nói rằng “phải đối diện và giải quyết thắc mắc của khách hàng”.
Bạn nên tham khảo câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến mà các nhà tuyển dụng thường dùng đến. Khi nói điều gì, bạn nên suy nghĩ kỹ xem đó có phải là điều bạn nên nói ra với người đối diện không.
2. Không tập trung vào nhu cầu của nhà tuyển dụng
– Ứng viên nói với tôi rằng, anh ta thực sự không mấy hứng thú với vị trí này nhưng điều khiến anh ta ứng tuyển đó là công ty cho phép linh động về giờ giấc, thời gian nghỉ ngơi thoải mái hơn so với nhiều công ty khác.
– Một ứng viên nói rằng, công ty có nhiều quyền lợi mà anh ta sẽ cần đến trong năm tới.
Đối diện nhà tuyển dụng, bạn nên coi đây là cơ hội để tìm hiểu thêm về vị trí đang ứng tuyển, về hoạt động của công ty… và cho nhà tuyển dụng thấy những gì bạn có hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của họ. Đừng tỏ ra là bạn không quan tâm đến công việc, đến nhu cầu của nhà tuyển dụng mà chỉ nộp hồ sơ vì một chút ngẫu hứng mà thôi.
3. Không chú ý tới trang phục
– Một ứng viên đến phỏng vấn với bộ đồ ngủ và dép lê.
– Ứng viên đến với một con rắn nhựa quấn quanh cổ, như vòng cổ vậy. Còn tay chân, quần áo cũng treo đủ hình thù các con vật. Có lẽ họ nghĩ thế là cá tính chăng?
– Một ứng viên mặc đồng phục của công ty cũ để đi phỏng vấn.
Đó là những sai lầm khiến nhà tuyển dụng cảm thấy mất cảm tình vì sự thiếu chuyên nghiệp và cảm giác như bạn không mấy quan tâm đến buổi phỏng vấn này. Chắc chắn, nhà tuyển dụng sẽ xếp bạn vào vị trí thấp hơn những ứng viên “ăn đứt” bạn về khoản trang phục.
4. Không trung thực
– Đến buổi phỏng vấn vào sáng sớm, ứng viên mượn điện thoại của tôi để gọi điện cho sếp hiện tại và cô ấy giả vờ ho để báo cáo mình đang ốm và xin nghỉ việc buổi sáng hôm đó.
– Ứng viên nâng mức lương hiện tại được hưởng gấp đôi so với thực tế.
Nên nhớ, đa số nhà tuyển dụng đều có cách để kiểm tra những thông tin bạn nói ra trong buổi phỏng vấn nếu một khi họ có chút nghi ngờ. Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, họ dễ phát hiện ra những thông tin sai lệch. Lúc đó, uy tín và tính chuyên nghiệp của bạn sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, khó có thể phục hồi.
Ngay cả khi lời nói dối không bị phát hiện ngay lập tức, đó vẫn là lời cảnh bảo cho thất bại của bạn về sau. Vì vậy, tốt nhất là nên đưa những thông tin chính xác để nhà tuyển dụng hiểu và phân công công việc phù hợp với bạn.

Theo ICT News