Điều khiến nhà tuyển dụng dị ứng với ứng viên

Nhiều ứng viên nghĩ rằng, có người quen ở công ty thì sẽ được chiếu cố và liên tục nhắc nhở nhà tuyển dụng về mối quan hệ ấy. Tuy nhiên, điều đó chỉ khiến họ nghĩ rằng, bạn kém cỏi và thiếu bản lĩnh mà thôi.
Bạn mất nhiều thời gian, công sức để ghi điểm với nhà tuyển dụng ngay từ khi chuẩn bị hồ sơ. Thế nhưng, chỉ cần một chút sơ ý, nói những điều khiến nhà tuyển dụng không vừa lòng cũng làm bạn đánh mất cảm tình với nhà tuyển dụng.
Vì thế, bạn nên để ý và tránh những điều sau:
Liên tục hỏi về thu nhập
Tất nhiên, khi đi làm, thu nhập là vấn đề quan trọng, thậm chí là mối quan tâm hàng đầu của ứng viên. Tuy nhiên, ngay buổi phỏng vấn, việc bạn quá chú trọng về vấn đề lương thưởng sẽ khiến nhà tuyển dụng có cái nhìn khác về bạn.

Bạn nên biết rằng, nhà tuyển dụng thường rất hiểu tâm lý ứng viên nhưng họ mong muốn sẽ tìm được một người có đam mê và tâm huyết với công việc, chứ không phải đi làm chỉ vì tiền. Với những người này, một khi có sự chào mời hấp dẫn hơn, họ sẵn sàng nhảy việc. Đó là điều nhà tuyển dụng dị ứng.
Vì thế, dù nóng lòng muốn biết về mức thu nhập, bạn cũng đừng hỏi quá nhiều, hỏi liên tục dẫn đến sự phản cảm. Bạn có thể đưa ra câu hỏi hoặc gợi ý khéo léo để kéo nhà tuyển dụng vào vấn đề bạn quan tâm.
Khen nhà tuyển dụng không ngớt
Đối diện nhà tuyển dụng, bạn không ngớt ban cho họ lời khen từ ngoại hình, trang phục, cách quản lý… Có thể bạn nghĩ rằng, lời khen sẽ giúp bạn xích lại gần hơn và chiếm được thiện cảm của nhà tuyển dụng nhưng thực tế lại không như vậy.
Một GĐ nhân sự đã ngượng “chín người” khi ứng viên buông lời khen: “Anh trẻ và đẹp trai quá”. Nên nhớ, những câu khen kiểu xã giao, lấy lòng chẳng bao giờ ghi điểm với nhà tuyển dụng, tốt nhất là nên đi thẳng váo vấn đề và không đề cập đến những chuyện bên lề ấy.
Lợi dụng sự quen biết
Đây gần như là điều khiến nhà tuyển dụng dễ dị ứng nhất. Nhiều ứng viên nghĩ rằng, có người quen ở công ty thì sẽ được chiếu cố và liên tục nhắc nhở nhà tuyển dụng về mối quan hệ ấy. Những kiểu nhắc như “tôi là em họ của GĐ kinh doanh”, “anh rể tôi là thư ký của sếp”… sẽ cực kỳ gây phản cảm bởi thói dựa dẫm. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là ứng viên thiếu bản lĩnh, kém cỏi và chỉ biết tận dụng sự quen biết để thăng tiến.
Trang phục không phù hợp
Dù hình thức bên ngoài không phản ánh được năng lực của bạn nhưng lại là yếu tố cho nhà tuyển dụng đánh giá về ứng viên phần nào. Một số ứng viên mặc áo phông, quần bò khi đi phỏng vấn, thậm chí là những chiếc quần xẻ chỗ nọ chỗ kia, rách loe toe.
Tất nhiên, ứng viên có thể ăn mặc thoải mái, tiện lợi khi phỏng vấn ở một số ngành nghề đặc biết như quảng cáo, tiếp thị nhưng không có nghĩa là bạn mặc hở hang, lòe loẹt tùy ý. Mỗi ngành nghề, mỗi công ty đều có đặc thù riêng, văn hóa ăn mặc cũng khác nhau. Vì vậy, trước khi đến buổi phỏng vấn, bạn nên tìm hiểu một chút về văn hóa của công ty ấy để chọn cho mình trang phục phù hợp.
Bắt nhà tuyển dụng đợi
Đây gần như là điều tối kỵ mà ứng viên không bao giờ được vi phạm. Đừng bao giờ để nhà tuyển dụng phải đợi bạn, dù chỉ một vài phút đi chăng nữa bởi điều đó tạo nên cảm giác ứng viên không thực sự hứng thú với công ty, việc nộp hồ sơ cũng chỉ là được chăng hay chớ.
Hãy chuẩn bị trước và đến buổi phỏng vấn sớm một chút để tránh phải thở hổn hển khi lao vào phòng phỏng vấn. Thậm chí bạn cũng nên tính cả thời gian nhỡ có kẹt xe, tắc đường. Trong trường hợp khẩn cấp, đừng quên gọi điện trước cho nhà tuyển dụng để họ có phương án hợp lý.
Không nhìn vào mắt người phỏng vấn
Khi ánh mắt của bạn không nhìn thẳng vào người phỏng vấn, họ sẽ nghĩ đó là biểu hiện của sự thiếu tự tin, không chuyên nghiệp của ứng viên. Nếu chỉ một người phỏng vấn, hãy nhìn thẳng vào họ. Trong trường hợp nhiều người cùng phỏng vấn, bạn nên chia sẻ ánh nhìn đồng đều cho cả nhóm, đừng chỉ tập trung vào một người mà làm phật ý người kia.
Trong mọi trường hợp, hãy tránh những biểu hiện như nhìn lên trần nhà, nhìn xuống đất hay ánh mắt xa xăm vô hồn khi người phỏng vấn đang đối thoại với bạn.

Theo ICT News